Yêu cầu đánh giá thực trạng thực hiện “lệ làng”
(Dân trí) - Bộ Tư pháp đề nghị các Sở Tư pháp phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức rà soát, đánh giá tình hình thi hành pháp luật và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, khu dân cư.
Thông tin từ Bộ Tư pháp cho biết, để đánh giá khánh quan, toàn diện thực trạng xây dựng và thực hiện hương ước (dân gian gọi nôm na là "lệ làng" - PV) sau hơn 15 năm triển khai Chỉ thị số 24/1998 của Thủ tướng Chính phủ, vừa qua cơ quan này phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 856 phối hợp khảo sát, đánh giá tình hình xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, khu dân cư.
Để việc rà soát, đánh giá được triển khai thống nhất trên cả nước, Bộ Tư pháp đề nghị Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh tham mưu UBND tỉnh, thành phố tổ chức rà soát, đánh giá tình hình thi hành pháp luật và thực trạng xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước tại địa phương. Việc rà soát, đánh giá được thực hiện từ cấp cơ sở (làng, bản, thôn, ấp, khu dân cư…) và lấy mốc thời gian từ năm 1998 đến hết năm 2014 để thống kê các số liệu. Đồng thời xây dựng báo cáo đánh giá thực trạng thực hiện hương ước, quy ước của tỉnh, thành phố, gửi về Bộ Tư pháp (qua Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật và thư điện tử: nttam1@moj.gov.vn) trước ngày 30/7 để Bộ này tổng hợp, xây dựng báo cáo chung trình Thủ tướng.
Bộ Tư pháp yêu cầu quá trình thu thập các bản hương ước, quy ước có giá trị, thể hiện tính đặc thù vùng, miền hoặc đại diện cho các cộng đồng dân cư, các địa bàn ở địa phương (mỗi tỉnh, thành phố lựa chọn khoảng 10 bản) gửi về Bộ Tư pháp để phục vụ hoạt động nghiên cứu, đánh giá và đề xuất các giải pháp tăng cường công tác xây dựng hương ước, quy ước, tổng kết, nhân rộng trong cả nước.
Hương ước là những quy ước, điều lệ của một cộng đồng chung sống trong một khu vực. Hương ước được coi là bản pháp lý đầu tiên của các làng xã nhằm góp phần điều hòa các mối quan hệ trong xã hội cộng đồng. Ngoài những lợi ích mang tính chính trị thì những lợi ích mang tính xã hội của hương ước cũng đã được ghi nhận, đó là lợi ích về mặt giáo dục. Hương ước còn thể hiện giá trị nhân văn rõ nét trong việc đề cao đạo, tình thầy trò, răn học trò phải biết kính thầy, yêu thầy…
Kha Xuân Lộc