Yêu cầu chỉnh lý 2 luật do Bộ Công an xây dựng

Phương Thảo

(Dân trí) - Thủ tướng yêu cầu làm rõ mối quan hệ của luật Giao thông đường bộ với luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, sự cần thiết ban hành dự luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở…

Dự luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được tách ra từ luật Giao thông đường bộ có nội dung gây tranh luận lớn về việc chuyển nhiệm vụ quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an.

Trong lần cho ý kiến vòng đầu tại Quốc hội, kỳ họp thứ 10, diễn ra tháng 11 vừa qua, đa số các đại biểu Quốc hội đã thể hiện quan điểm, không đồng ý tách luật Giao thông đường bộ thành hai luật là luật Giao thông đường bộ sửa đổi và luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Đại đa số các đại biểu Quốc hội cũng không tán thành việc chuyển chức năng quản lý, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang cho Bộ Công an.

Tương tự, dự luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được trình xin ý kiến lần đầu tại Quốc hội cũng khiến các đại biểu lo ngại bộ máy ngành công an phình lớn khi có khả năng khiến mỗi tỉnh có thêm hàng nghìn công an (tổng cơ cấu dự kiến là 1,5 triệu người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở - PV). Kết quả thăm dò ý kiến của các đại biểu Quốc hội khi đó cho thấy, hơn 60% tổng số đại biểu cho rằng "chưa cần thiết ban hành luật này".

Trao đổi về "số phận" 2 dự luật sau khi nhận kết quả cho thấy đa số các đại biểu không đồng tình với ban hành các dự án luật này, lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội cho biết, việc các dự luật có thể "đi tiếp vào vòng trong" (trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần thứ 2 và xem xét, thông qua - PV) sẽ do UB Thường vụ Quốc hội quyết định. Đến thời điểm này, UB Thường vụ Quốc hội chưa có phiên họp xem xét nội dung này.

Yêu cầu chỉnh lý 2 luật do Bộ Công an xây dựng - 1

Phiên họp thường kỳ cuối cùng của năm 2020, Chính phủ dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng thể chế, pháp luật (ảnh: VGP)

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2020 diễn ra chiều ngày 29/12, Chính phủ dành phần lớn thời gian bàn về công tác xây dựng pháp luật. Cụ thể, Chính phủ xem xét, thảo luận về: Tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết năm 2020, nhiệm vụ năm 2021, trong đó có bàn về 2 dự luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, đang gây tranh luận "găng" tại Quốc hội.

Nêu quan điểm chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trong năm 2021, phải tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị số 43 của Thủ tướng về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chủ động phối hợp chỉnh lý các dự án luật đã được Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, tập trung soạn thảo, trình các dự án luật thuộc chương trình xây dựng luật năm 2021.

Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong đó lưu ý làm rõ sự cần thiết, phạm vi điều chỉnh, mối quan hệ giữa 2 dự án Luật.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an cần tiếp thu ý kiến về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, trong đó lưu ý về sự cần thiết ban hành, báo cáo Chính phủ xem xét, thảo luận cùng với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Thủ tướng đồng ý ban hành chuẩn nghèo mới

Ngoài nội dung này, tại phiên họp thường kỳ cuối cùng của năm 2020, Chính phủ nghe lãnh đạo Bộ Nôngnghiệp và Phát triển nông thôn trình bày báo cáo tóm tắt về việc xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Theo đó, phấn đấu có thêm ít nhất 1.776 xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn này, đưa tổng số xã đạt chuẩn lên 80% từ mức 62% hiện nay. Mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến tổng huy động thực hiện chương trình hơn 2,6 triệu tỷ đồng, tăng 25% so với giai đoạn 2016-2020.

Yêu cầu chỉnh lý 2 luật do Bộ Công an xây dựng - 2

Thủ tướng đồng ý ban hành chuẩn nghèo mới với mức 1,5 triệu đồng/tháng cho khu vực nông thôn, 2 triệu đồng/tháng cho khu vực thành thị.

Chính phủ cũng thảo luận về dự thảo Nghị định quy định chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì.

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, từ năm 1993 đến nay, Việt Nam đã 7 lần ban hành chuẩn nghèo quốc gia. Việc xây dựng chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025 để làm căn cứ để xác định, nhận diện chính xác hơn, toàn diện hơn hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều và đối tượng khác thụ hưởng các chính sách, chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời làm cơ sở thực tiễn để xác định mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ giai đoạn 2021-2025.

Chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025 cũng làm cơ sở cho việc đưa ra các chính sách, cơ chế, giải pháp thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững. Tiêu chí đo lường nghèo đa chiều bao gồm đủ tiêu chí thu nhập và tiêu chí tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để xác định, nhận diện chính xác hộ nghèo, hộ cận nghèo, bảo đảm phù hợp với phương pháp luận, bản chất nghèo đa chiều; tiêu chí thu nhập tiệm cận bằng chuẩn mức sống tối thiểu.

Sau khi nghe các ý kiến, kết luận về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cơ bản nhất trí nội dung dự thảo Nghị định, đồng ý chủ trương về việc ban hành chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Trước đó, trong buổi sáng ngày 29/12, trong khuôn khổ Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung báo cáo về nội dung dự kiến của Nghị định điều chỉnh chuẩn nghèo cho giai đoạn mới.

Theo đó, mức chuẩn nghèo nâng lên 1,5 triệu đồng/tháng ở khu vực nông thôn, 2 triệu đồng/tháng ở khu vực thành thị. Thời gian áp dụng chuẩn nghèo mới này sẽ cùng lúc với việc cải cách chính sách tiền lương.