“Số phận” dự luật vừa bị 67% đại biểu “nói không” sẽ ra sao?

Quang Phong Thái An

(Dân trí) - Tại buổi họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 10, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến “số phận” dự Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ ra sao?

Chiều 17/11, tại buổi họp báo công bố kết quả kỳ họp Quốc hội thứ 10, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc tiếp tục nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Hai dự án luật trên, trong đó dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhận được nhiều ý kiến trái chiều khi bàn thảo tại tổ cũng như hội trường Quốc hội.

Khi lấy ý kiến thăm dò, đa số đại biểu Quốc hội đều cho rằng, cả hai dự án luật này đều không cần thiết ban hành.

“Số phận” dự luật vừa bị 67% đại biểu “nói không” sẽ ra sao? - 1

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo

Trả lời câu hỏi xoay quanh dự án luật vừa được Quốc hội thảo luận, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đánh giá, điều này cho thấy có “cả tiến, cả lùi”. Theo ông Phúc, đây là nội dung liên quan đến vấn đề an ninh trật tự, an toàn giao thông.

“Chúng ta hay các cơ quan Chính phủ rất muốn bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhưng thời gian gấp nên cần thời gian xem xét, đánh giá kỹ lưỡng. Còn quy trình rất đúng, bảo đảm đủ điều kiện trình Quốc hội. Khi ra Quốc hội thì thuộc thẩm quyền của Quốc hội” - ông Phúc cho biết.

Ý kiến của đại biểu sẽ là cơ sở cho Ban soạn thảo, Chính phủ tiếp thu, hoàn chỉnh dự án Luật này.  Tổng Thư ký cũng lưu ý, đây mới chỉ là bước cho ý kiến, chưa phải bước thông qua, nên rất cần lấy ý kiến xem xét, đề xuất đại biểu Quốc hội.

Trong phiếu lấy ý kiến, ngoài việc đồng ý hay không đồng ý còn có việc xin ý kiến những vấn đề rất cụ thể. “Chúng tôi chuyển toàn bộ những nội dung này cho Chính phủ tiếp thu, hoàn thiện”, ông Phúc nói.

“Số phận” dự luật vừa bị 67% đại biểu “nói không” sẽ ra sao? - 2

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Trường Giang

Cùng vấn đề trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho biết: Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Uỷ ban Pháp luật chủ trì thẩm tra, tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nội dung này được Quốc hội quyết định đưa vào chương trình

Theo ông Giang, giữa hai kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyền điều chỉnh chương trình, đưa dự án cấp bách vào chương trình làm luật. Trên cơ sở kiến nghị của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật phối hợp với Ủy ban Quốc phòng An ninh tham mưu và Ủy ban Thường vụ quyết định.

“Việc đưa ra thảo luận, theo quy trình hai kỳ họp, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội cho ý kiến, khi vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định xin ý kiến đại biểu để làm cơ sở chỉnh lý. Đây là cách làm rất đúng, theo tinh thần của Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật, thể hiện tính dân chủ và sự quyết định chung của pháp luật”, ông Giang nói.

Ông Giang cũng đưa ra quan điểm: Vấn đề trên không phải bước tiến, hay lùi. Theo đó, những nội dung còn ý kiến khác nhau, chưa đánh giá đầy đủ thì chính Quốc hội sẽ “bác”, chứ các Uỷ ban của Quốc hội không có quyền “bác” dự án luật của cơ quan trình.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh cho biết, ngay các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp báo này cũng có những nhìn nhận “lùi- tiến” khác nhau. Cho nên việc các đại biểu Quốc hội tranh luận như hôm nay là rất bình thường.

“Tôi thì cho rằng có lùi và có tiến. Lùi ở chỗ, lâu nay khi một dự án luật được đưa vào chương trình, được thẩm tra, cho ý kiến, tiếp thu, giải trình và sẽ được thông qua. Nhưng lần này không như vậy. Nếu so với trước đây là “lùi”. Nhưng tiến ở chỗ, trong hoạt động lập pháp có tồn tại câu chuyện về chất lượng dự án luật”, ông Hồng nói.

“Số phận” dự luật vừa bị 67% đại biểu “nói không” sẽ ra sao? - 3

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh

Theo ông Hồng, thái độ của các đại biểu Quốc hội tranh luận, thảo luận để đi đến thống nhất xin ý kiến đại biểu thể hiện trách nhiệm là bước tiến. Ông cũng đánh giá, đây là cách làm việc thực sự đổi mới của Quốc hội. Sau này trách nhiệm liên quan đến hoạt động này phải có rút kinh nghiệm.

“Tôi phát biểu ở Quốc hội về dự luật này không phải là ăn cây nào rào cây ấy mà đã trải qua 15 năm làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông nên rất có nhiều kinh nghiệm với vấn đề này. Đây là vấn đề hơi tiếc vì các đại biểu chưa bao quát hết vấn đề liên quan đến dự luật”, ông Hồng cho hay.

Trả lời câu hỏi, liệu số phận các dự án luật này sẽ ra sao, khi kết quả thăm dò vừa qua cho thấy, đa số các đại biểu không đồng tình với ban hành các dự án luật này? Các thành viên chủ trình buổi họp báo cho biết, việc này sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Sau những ý kiến trái chiều của đại biểu Quốc hội trong cả ngày thảo luận về hai dự án luật được tách từ Luật Giao thông đường bộ hiện hành là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm an toàn trật tự an toàn giao thông đường bộ, sáng 17/11, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về một số nội dung của hai luật trên.

Kết quả xin ý kiến về việc có tách thành hai luật hay không, có 110 đại biểu tán thành, tương đương 21,62% tổng số đại biểu Quốc hội. 302 ý kiến không tán thành việc tách luật, tương đương 62,79% tổng số đại biểu Quốc hội.

Nội dung thứ hai được nêu ra trong phiếu xin ý kiến là việc chuyển chức năng quản lý, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an. Có 86 phiếu chọn phương án chuyển, chiếm 17,88% tổng số đại biểu Quốc hội. Số đại biểu chọn phương án “không chuyển” cao hơn: 321 phiếu, tương đương 66,74% tổng số đại biểu Quốc hội.

Nội dung thứ ba được đưa ra lấy phiếu thăm dò là việc chuyển dự thảo luật này sang xem xét tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội nhiệm kỳ sau (khoá XV). Có 251 phiếu xin ý kiến thể hiện quan điểm tán thành phương án này, tương đương 52,18% tổng số đại biểu Quốc hội.