Yên Bái: Tan tác dọc suối Thia, huyện Trạm Tấu vẫn bị cô lập
(Dân trí) - Hai bên bờ dọc suối Thia, nước lũ “đánh phá” tan tác, sạt lở nghiêm trọng. Trong khi đó, con đường độc đạo từ thị xã Nghĩa Lộ vào huyện Trạm Tấu vẫn bị tê liệt do sạt lở đất. Huyện Trạm Tấu vẫn bị cô lập.
Vẫn còn 16 người mất tích
Theo báo cáo mới nhất của Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, đến 20h ngày 12/10, đợt mưa lũ lịch sử đã khiến 6 người chết, 16 người mất tích, 7 người bị thương.
Trước đó, sáng cùng ngày 12/10, lực lượng cứu hộ huyện Văn Chấn đã tìm thấy 2 nạn nhân mất tích do lũ cuốn là anh Hoàng Văn Quân (SN 1979, trú tại bản Thón, xã Phúc Sơn, huyện Văn Chấn) và anh Lường Văn Nghĩa (SN 1990, ở thôn Sang Thái, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ).
Toàn tỉnh có 1.280 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó sập, trôi hoàn toàn 65 nhà. Quốc lộ 37 sạt ta luy dương ước khoảng 1.500 m3, Quốc lộ 32 sạt lở ta luy dương ước khoảng 20.577 m3.
Ngoài ra, các công trình cầu Ngòi Thia (mới), cầu Ngòi Nung, cầu suối Đôi 1, cầu suối Đôi 2 bị thiệt hại, kè ốp bờ, mố cầu, trụ cầu bị xói lở; cầu Ngòi Thia bị sạt lở 100 m kè rọ thép bảo vệ mố cầu phía Văn Chấn.
Các tuyến đường do huyện quản lý, sạt ta luy dương 15.430 m3/53 vị trí, sạt ta luy âm 542 mét dài/5 vị trí, hư hỏng công trình thoát nước 6 cầu và 7 cống, hỏng đường giao thông 555 mét dài/2 vị trí, hư hỏng kè bê tông 1.380 mét dài/2 vị trí.
Ước thiệt hại lên tới trên 160 tỷ đồng.
Đến chiều 12/10, đã có 4.750 người tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn, vệ sinh môi trường; trong đó quân đội, công an, dân quân tự vệ 2.650 người, người dân các địa phương 2.100 người.
Đáng chú ý, huyện Trạm Tấu vẫn bị “cô lập” con đường độc đạo nối từ thị xã Nghĩa Lộ đến huyện Trạm Tấu vẫn bị chia cắt. Theo ông Trịnh Văn Xuê - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trạm Tấu, tuyến đường tỉnh lộ 174 dài 30 km từ Nghĩa Lộ đi Trạm Tấu có hàng chục điểm ta luy dương bị sạt lở, giao thông tê liệt.
Cũng theo ông Xuê, trong trận mưa lũ kinh hoàng vừa, xã Hát Lừu là nơi gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất với 9 người chết và mất tích, toàn bộ diện tích hoa màu, nuôi trồng thủy sản của người dân đang đến mùa thu hoạch bị vùi lấp.
Đây là trận lũ ống khủng khiếp nhất trên địa bàn huyện Trạm Tấu từ hàng chục năm qua. Mưa lũ còn khiến 22 ngôi nhà bị nước lũ cuốn trôi, 8 nhà sạt lở phải di dời khẩn cấp; 1 cầu treo, 1 cầu sắt bị cuốn trôi.
Tan hoang vì lũ
Ghi nhận tại thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn, có thể thấy những thiệt hại nặng nề do trận mưa lũ lịch sử này gây ra.
Tại phường Pú Trạng (thị xã Nghĩa Lộ), 2 hộ gia đình anh Nguyễn Hồng Hải (tổ 2) và gia đình anh Mè Văn Thi (tổ 15) có nhà bị sập hoàn toàn, toàn bộ tài sản đã bị nước lũ cuốn trôi, hiện đang sống nhờ nhà người thân. Đến cuối giờ chiều 12/10, nhiều điểm thuộc phường Pú Trạng nước đang rút, người dân khẩn trương khắc phục hậu quả sau mưa lũ.
Trung tâm Y tế dự phòng thị xã Nghĩa Lộ bị bị ảnh hưởng nặng bởi trận lũ. Nước lũ dâng cao gây ngập toàn bộ khu vực tầng 1 của Trung tâm, khiến nhiều đồ đạc, máy móc… bị hư hỏng. Lực lượng chức năng và cán bộ, nhân viên Trung tâm mất rất nhiều công sức san gạt lượng lớn bùn đất. Máy xúc cũng được điều động để hỗ trợ.
Hai bên bờ dọc suối Thia nhiều điểm bị sạt lở nghiêm trọng. Thiệt hại nặng nề nhất là cầu Ngòi Thia (thị xã Nghĩa Lộ) bị sập khiến một số người mất tích.
Tại khu vực đập tràn Hoong Lốm ngăn cách xã Hạnh Sơn và Phúc Sơn (huyện Văn Chấn), nước lũ đã cuốn trôi 4 ngôi nhà, trong đó có một nhà gồm 4 người mất tích. Sáng 12/10, lực lượng cứu hộ tìm thấy một nạn nhân trong gia đình này.
Suối Thia bị trận lũ ống làm đổi dòng. Chiều tối 12/10, nước lũ vẫn đục ngầu, cuộn cuộn chảy. Đập tràn Hoong Lốm vẫn bị phong tỏa, người dân phải di chuyển qua đường tránh lũ, đi qua cầu treo cách đó khá xa. Nhiều người dân bất chấp nguy hiểm lội ra suối vớt gỗ, củi bị mắc lại sau khi nước rút đỡ.
Nước lũ làm sạt lở gần như hoàn toàn đường vào Điểm trường Muông Hán (trường tiểu học Phúc Sơn). Theo người dân địa phương, trước đó, đoạn đường này rộng chừng 3 m. Chỉ sau một đêm, con đường bị thu hẹp lại còn chưa đầy 50 cm. Lực lượng quân đội được huy động đắp kè đá giữ đất, tạo điều kiện cho người dân đưa các cháu nhỏ đến trường.
Tỉnh lộ 174 lên huyện Trạm Tấu nhiều đoạn bị lở đất, sạt taluy. Đất lở khiến lòng đường bị thu hẹp. Nhiều đoạn bị sạt taluy dương, đường bé lại gần 1 nửa.
Bùn đất gây trơn trượt khiến các phương tiện di chuyển vô cùng khó khăn. Xe máy, ô tô, thậm chí cả xe tải cũng phải nhờ tới sự giúp sức của máy ủi. Bánh máy ủi được quấn xích mới có thể di chuyển trên đoạn đường trơn trượt.
Hiện lực lượng chức năng tỉnh Yên Bái đang huy động tối đa lực lượng san gạt lượng đất đá rất lớn cuốn trôi theo trận mưa lũ để tuyến tỉnh lộ 174 sớm được thông xe.
Dự kiến chiều nay, 13/10, con đường độc đạo này mới có thể thông xe.
Tiến Nguyên - Trần Thanh