1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Ý tưởng chống ùn tắc 100.000 USD: Mở tuyến taxi nước Hồ Tây

(Dân trí) - Liên danh Việt – Nhật đoạt giải nhì cho các giải pháp tổ chức giao thông, chống ùn tắc trên địa bàn TP Hà Nội, đã đề xuất phương án làm tuyến taxi nước trên Hồ Tây, góp phần phát triển du lịch và giải quyết một phần nhu cầu đi lại giữa 2 bờ hồ.

Chiều 11/9, Sở GTVT Hà Nội chính thức công bố nội dung ý tưởng đoạt 100.000 USD (giải nhì) trong cuộc thi ý tưởng phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Cụ thể, đơn vị đoạt giải nhì là liên danh giữa Viện Quy hoạch đô thị & nông thôn quốc gia và hai đơn vị của Nhật Bản đã nêu nhiều giải pháp tổ chức giao thông, chống ùn tắc trên địa bàn TP Hà Nội, trong đó có nội dung đề xuất phương án xây dựng tuyến taxi nước trên Hồ Tây.

Theo liên danh Việt – Nhật, việc xây dựng taxi nước trên Hồ Tây nhằm góp phần phát triển du lịch và giải quyết một phần nhu cầu đi lại giữa hai bờ Bắc - Nam Hồ Tây.

Ý tưởng của liên danh Việt – Nhật nêu rõ bến taxi nước trên Hồ Tây được bố trí tại các điểm quảng trường, công trình công cộng dịch vụ. Khoảng cách giữa các bến khoảng 1 - 1,2 km, còn kết nối 2 điểm có khoảng cách trên 5 km nếu di chuyển bằng đường bộ.


Đơn vị đoạt giải nhì cho giải pháp tổ chức giao thông trên địa bàn Hà Nội đề xuất làm taxi nước trên Hồ Tây.

Đơn vị đoạt giải nhì cho giải pháp tổ chức giao thông trên địa bàn Hà Nội đề xuất làm taxi nước trên Hồ Tây.

Trong phương án thi tuyển, liên danh Việt – Nhật còn đưa ra nhiều giải pháp khác nhau trong việc tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đơn vị đoạt giải cho rằng, quy hoạch giao thông Thủ đô chỉ tập trung vào việc hoàn thiện đường vành đai 3 và 2 trên cao. Điều đó sẽ không giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông ở cửa ngõ.

Từ bất cập trên, liên danh Việt - Nhật đề xuất xây dựng các tuyến đường hướng tâm trên cao liên kết các đường vành đai trên cao. Trong đó có việc xây dựng tuyến đường dọc sông Hồng để khép kín vành đai 2.

Ngoài ra, liên danh Việt – Nhật đề xuất phương án xây dựng đường vành đai 4 (giai đoạn 1) đoạn từ giao Đại lộ Thăng Long đến giao đường cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình vào trước năm 2020. Đây là cơ sở quan trọng để di dời các bến xe khách hiện đang quá tải trong trung tâm ra ngoài.

Đơn vị đoạt giải nhì cũng đưa ra phương án giảm ùn tắc giao thông dựa vào dịch vụ thu thập và và sử dụng dữ liệu hoạt động xe máy. Dịch vụ này sẽ sử dụng dữ liệu dò tìm vị trí có độ chính xác cao thông qua hệ thống vệ tinh dẫn đường nhằm nắm bắt chính xác thông tin về luồng di chuyển và ùn tắc của giao thông xe máy, từ đó hướng dẫn hướng di chuyển phù hợp, giúp giảm ùn tắc giao thông.

Trong đề xuất, liên danh Việt – Nhật còn đưa ra nhiều quy định chính sách kiểm soát phương tiện cá nhân, trong đó có việc áp dụng chế độ chứng minh có chỗ đỗ xe; xác định chỗ đỗ cho xe máy, xe ô tô, giúp không xảy ra tình trạng phương tiện đỗ xe mất trật tự trong đô thị.

Chiều 11/9, trao đổi với báo chí về các ý tưởng tham gia dự thi, ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, những giải pháp đưa ra chưa có nhiều điểm mới so với các nghiên cứu trước đây, tuy nhiên tính đột phá còn hạn chế, chưa toàn diện.

Theo ông Viện, phương án được trao giải nhì là phương án tốt nhất trong 5 phương án lọt vào chung khảo. Tuy nhiên, phương án này cũng chưa đạt được tất cả những tiêu chí mà ban tổ chức giải đặt ra.

Quang Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm