1. Dòng sự kiện:
  2. Cơn bão Yagi
  3. Người hùng cứu tài xế gặp nạn ở cầu Phú Mỹ

Hà Tĩnh:

Y bác sĩ phòng khám đi “xin ăn” cho hàng chục bệnh nhân bị lũ cô lập

(Dân trí) - Dòng nước lũ ập về quá nhanh, chỉ sau 1 đêm, Phòng khám đa khoa Đức Lĩnh (xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) bị lũ cô lập hoàn toàn. Thời điểm ngập lũ vào ngày cuối tuần nên chỉ còn 2 cán bộ trực và 4 nhân viên cùng 15 bệnh nhân. Hơn 4 ngày bị cô lập, các y, bác sĩ ở đây đã huy động hết mọi khả năng để cứu đói cho bệnh nhân.

Chúng tôi tìm tới Phòng khám đa khoa (ĐK) Đức Lĩnh thuộc Bệnh viện ĐK huyện Vũ Quang (Vũ Quang, Hà Tĩnh) vào một ngày sau cơn lũ lớn, khi mọi hoạt động ở đây đã trở lại bình thường. Chỉ trước đó ít ngày, tại phòng khám này, các cán bộ, nhân viên và bệnh nhân phải chia nhau từng bát cơm, chống chọi với lũ.

Bác sĩ Đặng Minh Hoàng, Trưởng phòng Phòng khám ĐK Đức Lĩnh cho biết, vào tối ngày 15/10, mưa lớn, nước sông dâng lên nhanh, đến sáng ngày 16/10, mọi tuyến đường dẫn vào phòng khám bị ngập 2-3m. Các vùng dân cư lân cận cũng bị chìm sâu trong lũ, phòng khám bị cô lập hoàn toàn.

Phòng khám ĐK Đức Lĩnh bị cô lập hơn 4 ngày trong nước lũ
Phòng khám ĐK Đức Lĩnh bị cô lập hơn 4 ngày trong nước lũ

“Hôm đó lại là ngày cuối tuần, sau ca trực mọi người tranh thủ về nhà, khi nước ngập thì không đến làm việc được. Phòng khám chỉ còn lại 2 cán bộ trực, 4 nhân viên và 15 bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cũng về hết. Do phòng khám không có nhà ăn tập thể nên nguồn dự trữ lương thực ít, nước ngập sâu không thể tiếp tế được. Ngoài việc điều trị cho bệnh nhân, mọi người trong cơ quan đều lo sợ nếu các bệnh nhân thiếu đói sẽ rất nguy hiểm. Thế nên anh em trong cơ quan đã tìm mọi cách để lo cho bệnh nhân từng bữa ăn” - bác sĩ Hoàng nói.

Bác sĩ Hoàng (ở giữa) tới thăm hỏi các bệnh nhân bị mắc lũ còn ở lại điều trị.
Bác sĩ Hoàng (ở giữa) tới thăm hỏi các bệnh nhân bị mắc lũ còn ở lại điều trị.

Tại khu nhà nội trú của phòng khám chỉ có duy nhất gia đình điều dưỡng Lê Xuân Ninh. Khi bị lũ cô lập, vợ chồng anh Ninh đã lấy tất cả thực phẩm dự trữ của gia đình để nấu ăn cho bệnh nhân và cán bộ phòng khám.

“Được 2 ngày, mọi nguồn lương thực trong nhà đều hết sạch mà nước vẫn chưa rút, cũng không có nguồn tiếp ứng. Lúc này tôi cùng các anh em đã mò mẫm băng qua đồi tìm đến các nhà dân cùng bị cô lập để xin gạo, mua gà về nấu cháo cho các bệnh nhân. Rất may là các hộ dân trong vùng bị cô lập đang còn thực phẩm dự trữ nên chúng tôi và bệnh nhân gắng gượng được đến khi nước rút” – anh Ninh nói.

Anh Ninh nhớ lại những ngày sống chung với lũ cùng các bệnh nhân
Anh Ninh nhớ lại những ngày sống chung với lũ cùng các bệnh nhân

Sau khi nước rút, các bệnh nhân hầu hết đã ra viện, trong số 15 bệnh nhân thì còn lại 3 bệnh nhân ở lại tiếp tục điều trị.

Ông Lê Chí Thiện (xã Đức Hương, Vũ Quang) là một trong số 3 bệnh nhân mắc lũ còn ở lại điều trị cho hay, ông vào đây điều trị từ ngày 12/10, vì nhà neo người, không có người thân chăm sóc nên hằng ngày tới bữa ăn là ông lại lủi thủi ra quán mua thức ăn về. Mấy ngày vừa rồi nước lũ dâng cao, phòng khám bị cô lập, cũng may nhờ có các y bác sĩ ở đây tận tình chu đáo, chăm lo từ thuốc thang đến cơm ăn, nước uống chứ mình ông không biết xoay xở ra sao.

Cũng giống như ông Thiện, ông Nguyễn Thanh Nhơn (ở Hương Phố, Đức Hương, Vũ Quang) cho biết, ông bị bệnh viêm da cơ địa, đã điều trị ở phòng khám này được hơn 1 tuần.

“Tôi đã từng đi nhiều bệnh viện rồi nhưng chưa khi nào ăn chung với các y, bác sĩ. Nhưng những ngày qua, hôm nào bệnh nhân chúng tôi và các y, bác sĩ ở đây đều ngồi chung bữa ăn. Không những khám chữa mà sự động viên về tinh thần này sẽ giúp tôi chóng lành bệnh. Thực sự tôi rất cảm động” - ông Nhơn chia sẻ.


Ông Thiện (bên phải) và ông Nhơn cảm động về tấm lòng của các y bác sĩ những ngày mưa lũ.

Ông Thiện (bên phải) và ông Nhơn cảm động về tấm lòng của các y bác sĩ những ngày mưa lũ.

Cả 3 bệnh nhân còn ở lại đây đều cho biết, các bệnh nhân ở cùng họ khi ra viện đều tới cảm ơn các cán bộ nhân viên của phòng khám đã tận tình chăm sóc họ trong những ngày mưa lũ khó khăn.

Nói về việc này, bác sĩ Hoàng chia sẻ đơn giản, đó là việc đương nhiên các bác sĩ phải làm trong hoàn cảnh khó khăn.

Tiến Hiệp