Xuống biển cào tiền
Một chiếc thúng chai không rõ từ đâu xuất hiện tại bãi tắm Furama, Đà Nẵng. Chàng thanh niên thọc sâu chiếc chĩa sắt xuống biển, vớt lên một vật gì đó. Tôi bơi đến, nhìn vào đáy thúng: Tiền! Dưới biển có tiền!
1. Không nói không rằng, người thanh niên tiếp tục chèo thúng dọc bờ, thỉnh thoảng dừng lại, cúi người xuống vớt tiền lên. Nhiều người tắm biển muộn như tôi cứ tần ngần nhìn theo, rồi bất giác nhìn quanh xuống nền biển, biết đâu… có tiền! Tất nhiên đây không phải lần đầu ở các vùng ven biển nước ta xuất hiện cái "nghề" có một không hai này, nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy ở Đà Nẵng.
Mùa hè, người tắm biển đông như kiến. Nhất là những ngày cuối tuần, trên 15 km từ Mỹ Khê đến Non Nước có ngày lên đến 50.000 người theo nhau ào xuống biển. Người cẩn thận thì bỏ tư trang trong cốp xe hoặc gửi chủ bãi. Nhưng cũng không ít người, cứ đồng hồ, nhẫn vàng, dây chuyền, tiền mặt lận theo trong người rồi bị sóng đánh mất khi nào không biết. Không ít lần tôi chứng kiến cảnh mấy cô nàng đi Spacy nhưng sau buổi tắm không có được 2.000đ trả tiền gửi xe! Lý do thật đơn giản, những con sóng của "hà bá" đã đánh trôi tuồn tuột số tiền họ lận theo.
2. Có người mất tiền, tất có người được tiền và họ chính là những ngư dân hành nghề cào biển. Lang thang vài hôm tôi gặp được mấy anh chàng có nghề tay trái khá độc đáo này và đôi ba người trong số họ chịu tiết lộ đôi điều.
| |
Những chiếc ghe cào ở xa xa. |
Một "kình ngư" làm công tác cứu hộ ở biển Bắc Mỹ An tiết lộ: Cách nay 2 tháng, ông Thảng ở Phước Mỹ trúng chiếc nhẫn 2 triệu đồng. Còn các anh em trong đội cứu hộ, mỗi năm mỗi người cũng trúng vài chiếc đồng hồ điện tử loại xịn, không vô nước. Một "kình ngư" khác kể chi tiết hơn: Mờ sáng khi các đôi thúng trở ra biển kéo lưới thì vài anh em - hết giờ trực - dùng thúng bơi ra các ao sóng tìm tiền. Có người, với tài bơi như rái cá kèm thêm bộ đồ nghề gồm mặt nạ, ống lặn, chĩa đơn, chĩa đôi, lưới vớt (tiền) và tấm xốp nổi (móc cá) đã bơi 15 km từ biển Non Nước về tới biển Mỹ Khê. Thậm chí có hôm nhằm ngày nghỉ, họ bơi ra tận Bãi Bụt, Sơn Trà, Hòn Chão, Hải Vân… và trúng đậm cá, ốc, dây chuyền, nhẫn, hột xoàn và cả chân vịt người nhái nước ngoài!
Kinh nghiệm cho thấy tiền giấy thường trôi theo con nước và quần tụ nhiều như… lá tại các ao sóng cách bãi tắm chừng 50 - 100m. Nếu các ngư dân chỉ có thể vớt tiền liệng qua liệng lại trong nước biển thì thợ lặn có ưu thế hơn nhờ kính lặn và ống thở. Chữ trong nghề gọi là "lặn rà" và mỗi khi "rà" sát đáy họ lại phát hiện tiền nằm sắp lớp, khi vài trăm ngàn đồng, khi cả triệu! Ai phát hiện trước thì được nhiều, ai lặn hôi thì được ít. Với các loại tư trang khác nặng hơn nằm dưới cát hoặc vướng rác, đôi khi tình cờ sóng đánh, chúng chao qua chao lại, lòi ra sáng bóng, thế là họ cứ thò tay nhặt cho vào túi, khỏe re!
| |
Một "kình ngư" chuẩn bị |
Tôi thắc mắc: "Hôm trước thấy một thúng rái vớt tiền gần bãi Furama. Có tiền đô không?". Anh cười, không trả lời ngay vào câu hỏi: "A! Đó là thằng Tám. Lều quán nhà nó bị giải tỏa, thất nghiệp, nay đi cào tiền. Bữa vài chục ngàn, cũng có bữa cả trăm. Tiền đô, tiền Lào, tiền Campuchia cũng có nhưng không nhiều. Hôm trước nó tưởng bở ăn, bơi bộ ra một cái ao, suýt chết. Thường mấy cái ao là do xoáy ngầm tạo ra, biến đổi liên tục và rất nhanh. Như anh em tụi tui, lặn hụp hoài để phát hiện ao, cắm cờ báo nguy cho khách tắm biển mà có khi còn thấy lạ”.
“Nhưng… - anh trầm giọng - chính mấy chỗ đó lại tập trung nhiều tiền nhất nên mấy thúng cào như thằng Tám ham cũng phải!". Đoạn anh Xang kết luận: "Săn tiền nghe thật phiêu lưu và thú vị nhưng không phải lúc nào cũng có. Những khi ấy, anh em xoay sang săn cá. Gặp cá lưỡi trâu, chình bông, cá đuối thì dùng chĩa đôi đâm xuyên như cảnh ta thường thấy thổ dân vùng Amazone biểu diễn trên ti vi. Ngoài bữa nhậu đã đời ông địa, có hôm cũng bán được bộn tiền". Thế rồi, anh đọc tôi nghe mấy câu thơ vừa sáng tác sau một buổi… cào: "Nhớ bến lắm rồi em biết không? Một ngày chưa gặp một ngày mong. Vũng Thùng muôn thuở thuyền ôm bến. Non Nước ngàn năm đá tạc lòng…". Theo anh, đi đâm (cá) đi cào (tiền) lấy vui làm chính nhưng qua đó trực tiếp chứng kiến cảnh họ hàng nhà cua cá bị đội thúng cào tàn sát, cũng đau lòng!
3. Hồi ở Vũng Tàu, tôi từng chứng kiến từng đoàn hàng chục người kéo nhau bới tung bờ biển lên hòng kiếm vàng, kim cương, hột xoàn... sau những cơn bão biển. Ở Đà Nẵng, thật may tình trạng ấy chưa xảy ra nhưng với những gì thu thập được, một mối lo cần được đặt ra với nhà chức trách: các sinh vật biển ven bờ có nguy cơ cạn kiệt do phương thức lưới cào hiện nay. Chúng đang ở bên bờ tận diệt do mùa cào nghêu, cào… tiền, cũng là mùa chúng vào bờ sinh sản!
Theo Đặng Ngọc Khoa
Thanh Niên