Xúc động phút trùng phùng giữa biển khơi ở Trường Sa
(Dân trí) - Tận mắt chứng kiến những trở ngại khi tiếp cận nhà giàn DK1/Huyền Trân trong chuyến đến với Trường Sa, chúng tôi thêm phần khâm phục trước sự quả cảm , ý chí quyết tâm của cán bộ, nhân viên nơi đây.
Cờ Tổ quốc rực rỡ trên thềm lục địa phía Nam
Trong hải trình đến với Trường Sa từ 1/5 đến 9/5, Đoàn công tác số 8, Quân chủng Hải quân có kế hoạch thăm Nhà giàn DK1/Huyền Trân trên thềm lục địa phía Nam.
Thế nhưng khi đã đến rất gần, gió bất ngờ thổi mạnh, báo hiệu một vùng áp thấp mới sắp hình thành, có những đợt sóng cao 2,5-3m khiến tàu của đoàn công tác không thể tiếp cận nhà giàn, chỉ có thể di chuyển xung quanh.
Khi nhìn thấy chúng tôi từ xa, cán bộ, nhân viên của Trạm Dịch vụ Kinh tế - Kỹ thuật - Khoa học Huyền Trân giương cao cờ đỏ sao vàng chào mừng. Chứng kiến cảnh tượng ấy, ai cũng rưng rưng xúc động.
Tận mắt chứng kiến những trở ngại khi tiếp cận nhà giàn giữa lúc sóng gió dữ dội, rất nhiều đại biểu xúc động và khâm phục trước tinh thần quả cảm, nỗ lực vượt khó của các cán bộ, nhân viên nơi đây.
Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc được tổ chức ngay trên tàu 571.
Sau phần nghi lễ, đoàn công tác trò chuyện cùng cán bộ, nhân viên Nhà giàn DK1/7 thông qua hệ thống bộ đàm trong khoang lái.
Ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, chia sẻ có thể ở trên đất liền sẽ không cảm nhận hết được những hiểm nguy tại thềm lục địa phía Nam. Chỉ có đi thực tế mới hiểu rằng không một từ ngữ, không một thước phim nào có thể diễn tả hết được những khó khăn, vất vả của cán bộ, nhân viên đang làm việc tại đây.
Thay mặt Đoàn công tác số 8, PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia TPHCM Khu vực II, gửi lời nhắn nhủ: "Hôm nay sóng rất mạnh nên khi đứng đây, tôi và các đại biểu đều hiểu được những khó khăn, hiểm nguy mà các đồng chí hàng ngày phải đương đầu để giữ vững nhà giàn, giữ yên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Chúng tôi với trách nhiệm là những người ở hậu phương, sẽ lan tỏa tin tức, tuyên truyền về sự dũng cảm, hy sinh của các đồng chí để đất nước chúng ta được trường tồn, phát triển".
Sân khấu đặc biệt giữa biển khơi
Sự góp mặt của các văn nghệ sĩ đến từ Đội văn nghệ xung kích Hải Đăng (Khánh Hòa) khiến không khí cuộc điện đàm thêm nhiều tình cảm lắng động.
Giữa bốn bề là nước, những cơn sóng vỗ liên tục vào hai bên mạn tàu, tiếng hát của những văn nghệ sĩ Đội văn nghệ xung kích Hải Đăng cất lên khiến ai cũng bồi hồi, xúc động.
Tại sân khấu đặc biệt diễn ra ngay buồng lái, chiếc micro là thiết bị bộ đàm, mỗi bài hát đều làm tất cả mọi người nghẹn ngào, rơi nước mắt.
"Gần lắm Trường Sa!", lời bài hát như nói lên tấm lòng của những vị khách đang có mặt tại thời điểm đó.
Dù không thể đặt chân lên Nhà giàn DK1/7, dù không trực tiếp được bắt tay từng người, nhưng trái tim ai cũng hướng về cán bộ, nhân viên đang thực hiện nhiệm vụ tại trạm.
Ca sĩ Xuân Hân (Đội văn nghệ xung kích Hải Đăng) nhiều lần nghẹn giọng vì không nén được cảm xúc. Cất tiếng hát tại sân khấu đặc biệt, nữ ca sĩ muốn gửi gắm tình cảm từ đất liền tới những cán bộ, nhân viên phía bên kia đầu dây bộ đàm.
"Đây là lần đầu tiên tôi được đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1, thật sự xúc động và tự hào về biển, đảo và cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam. Yêu và thương cán bộ, nhân viên đang đứng trên nhà giàn, nên ngay khi cất lời, nước mắt của tôi không ngừng rơi", nữ ca sĩ trẻ bộc bạch.
Qua hệ thống bộ đàm, thiếu tá Nguyễn Văn Đông, Chính trị viên Nhà giàn DK1/7, xúc động nói, thời gian qua, đồng bào cả nước luôn quan tâm, động viên, tạo mọi điều kiện cả về vật chất lẫn tinh thần để các cán bộ, chiến sĩ nhà giàn yên tâm công tác.
"Với quyết tâm còn người còn nhà giàn, những lời ca, tiếng hát sẽ tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ trong sự nghiệp giữ gìn, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc", thiếu tá Nguyễn Văn Đông khẳng định.