1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Xúc động những kỉ vật thời chiến

(Dân trí) - Rất nhiều hiện vật quí, “độc bản” từng gắn bó với các anh hùng, các cựu binh đã được hiến tặng trong cuộc vận động sưu tầm “Những kỉ vật kháng chiến”. Số lượng hiện vật đóng góp trong ngày đầu phát động đã vượt mong đợi của những người tổ chức.

Tại lễ phát động tổ chức ở Hà Nội chiều 14/2, Trung tướng Phạm Xuân Thệ, người từng vào Dinh Độc Lập buộc Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện trong ngày 30/11/1975 đã tặng lại ban tổ chức những tấm hình của hãng thông tấn AP chụp lại diễn tiến của sự kiện này. Đặc biệt, khẩu súng lục Tổng thống ngụy Dương Văn Minh nộp lại cho đại uý Phạm Xuân Thệ lúc đó cùng chiếc mũ cối ông đội từ 1972 đến khi chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng cũng đã được đóng góp vào “Những kỉ vật kháng chiến”.

Xúc động những kỉ vật thời chiến - 1
Trung tướng Phạm Xuân Thệ trao lại những kỉ vật quí giá của mình.
 
Bắt xe buýt từ Bắc Ninh về Hà Nội, bác sĩ Tạ Lưu mang theo 20 kỉ vật đóng góp vào kho tàng kỉ vật chiến tranh. Trong đó có chiếc dù pháo sáng, những bức thư của ông suốt từ 1954 đến khi hoà bình lập lại… Tấm huy hiệu anh hùng lực lượng vũ trang do Chủ tịch Hồ Chí Minh kí quyết định ban tặng năm 1969, trước thời điểm Người đi xa của bác sĩ Lưu cũng nằm trong 20 kỉ vật này.

Gia đình anh hùng Tạ Quốc Luật, người bắt sống tướng Đờ Cát trong chiến dịch Điện Biên Phủ cũng hiến tặng tấm dù, từng là quà tặng của ông cho người vợ yêu quí. Món quà giản dị, đậm chất thời chiến này đã được vợ và con ông Tạ Quốc Luật sử dụng trong suốt nhiều năm.

Xúc động những kỉ vật thời chiến - 2
Vỏ bom bi, bom dứa Mỹ sử dụng trong cuộc chiến cũng được trao lại cho BTC cuộc vận động.

Chiếc máy quay phim gắn bó với Nhà quay phim, NSƯT Nguyễn Văn Nẫm, từng ghi lại nhiều hình ảnh của cuộc chiến tranh, trong đó có những hình ảnh khốc liệt tại chiến trường năm 1972 và hình ảnh B52 rơi tại Hà Nội… cũng được ông hiến tặng vào kho tàng kỉ vật.

Những cựu nữ thanh niên xung phong Ninh Bình, áo xanh, mũ tai bèo mang ba lô nặng trĩu đã hào phóng hiến tặng rất nhiều kỉ vật, vốn là những vật dụng gần gũi với các chị trong những năm chiến đấu. Cựu binh Phùng Luận mang đến nhiều vật dụng được ông chế tạo từ xác máy bay, bom Mỹ trong những lúc im tiếng súng ở chiến trường, nhất là chiếc lược nhỏ có hình chim bồ câu biểu trưng cho hoà bình khiến nhiều người xúc động…

Xúc động những kỉ vật thời chiến - 3
Trao lại những vật dụng giản dị của thời chiến.
 
Thiếu tướng Lê Mã Lương, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự, Trưởng Ban tổ chức cuộc vận động cho biết, ngay trong Lễ phát động đã có 300 kỉ vật được đóng góp. Số lượng kỉ vật như vậy là ngoài sự hình dung của những người tổ chức.

Ông Lê Mã Lương cho rằng, những hiện vật sưu tầm được trong những năm qua, tức trước khi có cuộc vận động này là không đáng kể. Số lượng hiện vật đang nằm trong nhân dân vẫn đang là một “thách thức” đối với công tác sưu tầm...

“Nếu không có cuộc vận động, không có hình thức sưu tầm nào, trong tình hình kinh tế phát triển, những hiện vật sẽ bị lãng quên, rất đáng tiếc”, ông Lương nhấn mạnh.

Ban tổ chức cho biết, sẽ có những nỗ lực để có thể sưu tầm từ các cựu chiến binh ở các nước từng là đối phương của ta trong cuộc chiến, trao đổi hiện vật với các bảo tàng của các nước này cũng như một số nước khác. Công tác bảo tàng ở các nước này được làm tốt và những người tổ chức cuộc vận động hi vọng sẽ sưu tầm được nhiều hiện vật, trong đó có những hiện vật “độc bản”.

Cuộc vận động sưu tầm sẽ được tiến hành trong 3 năm, từ nay đến 2010 và những người tổ chức đã đặt mục tiêu 15.000 hiện vật cho khoảng thời gian này.

Kim Tân