Nam Định:

Xúc động một gia đình được Bác Hồ tặng áo lụa

(Dân trí) - Gia đình có 9 anh em thì có tới 8 người tham gia kháng chiến, trong đó có 5 người hi sinh trong kháng chiến. Gia đình ấy đã được Bác Hồ khen ngợi “Một nhà trung hiếu - Muôn thuở thơm danh” và còn được Bác tặng áo lụa.

Trong cái nắng gay gắt như đổ lửa của mùa hè, chúng tôi tìm về nhà ông Tạ Quang Tám (sinh năm 1931), ngụ đường Trần Thánh Tông, phường Thống Nhất, thành phố Nam Định. Đó là một gia đình giàu truyền thống cách mạng trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc. Gia đình ông có 9 người thì 8 người tham gia kháng chiến, 5 người hi sinh trong các trận đánh.

 Chiếc áo lụa Bác Hồ tặng cụ Tạ Quang Yên.
 Chiếc áo lụa Bác Hồ tặng cụ Tạ Quang Yên.

Mặc dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, đôi mắt đã mờ, nhưng khi kể về truyền thống cách mạng của gia đình mình, mắt ông Tám vẫn ánh lên một niềm tự hào. Hồi tưởng lại những kỉ niệm đã qua, từng chi tiết cứ dần ùa về trong ông như những thước phim quay chậm.

Cha đẻ của ông Tạ Quang Tám là cụ Tạ Quang Yên (sinh năm 1890) là người gốc Huế, một nhà hoạt động cách mạng ưu tú thời kháng chiến chống Pháp và tham gia vào Hội Liên Việt ngay từ những ngày đầu sau khi Cách mạng tháng Tám thành công. Mẹ ông là cụ Nguyễn Thị Nuôi cũng hoạt động trong Hội Phụ nữ cứu quốc.

Gia đình ông Tám sinh được 9 người con, 8 anh em trai và một chị gái, thì 8 người con trai đều tham gia cách mạng, ngọn lửa cách mạng ấy âm thầm nhen nhóm trong trái tim những người con trong gia đình từ những ngày còn bé, sau khi lớn nên tất cả đều tình nguyện theo cha trên con đường hoạt động cách mạng.

 Bằng khen, huân huy chương treo kín trên tường nhà ông Tạ Quang Tám.
 Bằng khen, huân huy chương treo kín trên tường nhà ông Tạ Quang Tám.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, 4 người con trai đầu của gia đình đều nhập ngũ chống Pháp. Người anh trai cả là Tạ Quang Trường, tham gia cách mạng trong phong trào công nhân của nhà máy dệt Nam Định từ trước Cách mạng tháng Tám. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông Trường xung phong lên đường vào Nam chiến đấu. Bốn người anh của ông Tám là Tạ Quang Khả, Tạ Quang Hồng, Tạ Quang Thuấn, Tạ Quang Đức đều là chiến sĩ của trung đoàn 34. Noi gương theo các anh mình đến năm 16 tuổi, ông Tám cũng nhập ngũ cứu quốc.

Trong một trận càn của địch vào tháng 3/1947 vào thành phố Nam Định, quân địch bao vây thành phố suốt 86 ngày đêm. Lúc này ông Tạ Quang Khả làm trung đội trưởng chỉ huy trận đánh, 3 người anh của ông Tám gồm ông Hồng, ông Thuấn và ông Đức được giao nhiệm vụ tiểu đội trưởng, tiểu đội phó...

Ảnh 9 anh em nhà ông Tám chụp lưu niệm năm 1947.
Ảnh 9 anh em nhà ông Tám chụp lưu niệm năm 1947.

Cuộc chiến diễn ra vô cùng ác liệt, hai bên dành nhau từng mét đất nhưng do lực lượng mỏng lại trang bị vũ khí thô sơ nên cuối cùng các anh của ông Tám và các chiến sỹ tự vệ đã rút lên gác chuông của thành phố để tiếp tục chiến đấu, nhưng cuối cùng cả 4 anh em và 7 chiến sỹ tự vệ đã anh dũng hy sinh.

Lúc này, ông Tám đang làm nhiệm vụ liên lạc cho đại đội 11, trung đoàn 34. Lúc 4 người anh hi sinh, ông không được đồng đội báo tin vì sợ ông suy sụp, mãi đến mấy ngày sau ông mới biết tin. Trong thời gian tham gia cách mạng ông Tám đã hai lần bị địch bắt và tra tấn dã man trong xà lim. Người em trai sau này của ông Tám làm nhiệm vụ ở sư đoàn pháo cao xạ, sau một trận đánh ác liệt ở Vĩnh Linh, Quảng Trị năm 1972, ông cũng đã anh dũng hi sinh.

Năm 1948, nhân ngày Quốc khánh 2/9, Bác Hồ đã tặng một áo lụa và gửi thư khen tới cụ thân sinh ra ông Tám là cụ Tạ Quang Yên về những đóng góp lớn lao của gia đình cụ cho cách mạng. Lễ đón nhận được diễn ra ở thôn Ngọc Tỉnh (nay thuộc huyện Xuân Trường, Nam Định).

Ông Tạ Quang Tám hồi tưởng lại những ký ức đã qua.
Ông Tạ Quang Tám hồi tưởng lại những ký ức đã qua.

Trong bức thư gửi gia đình ông Tạ Quang Yên, Bác Hồ viết: “Kính gửi cụ Tạ Quang Yên ở Nam Định: Tôi rất cảm động được báo cáo rằng cụ có 9 người con trong đó 6 người tham gia kháng chiến, mà bốn người đã oanh liệt hy sinh vì Tổ quốc. Tôi trân trọng thay mặt Chính phủ gửi lời khen ngợi và tặng cụ mấy chữ: “Một nhà trung hiếu - muôn thuở thơm danh”. Nhân dịp này tôi xin biếu cụ một chiếc áo mà đồng bào đã biếu tôi. Chúc cụ mạnh khỏe và sống lâu”.

Ông Tám nhớ lại: “Tấm áo lụa Bác Hồ tặng cụ thân sinh nhà tôi có màu vàng, cổ cao, trên ngực phải có thêu chữ: "Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Kim Sơn, Ninh Bình, ngực trái có ghi dòng chữ Hồ Chủ Tịch tặng kèm theo chữ ký của Bác".

Những năm 1948 - 1954 thực dân Pháp đánh chiếm Thái Bình và Nam Định, lo sợ sẽ bị gián điệp và quân địch lấy áo và bức thư Bác Hồ tặng, mẹ ông Tám đã xé tấm chăn bông để nhét tấm áo vào giữa rồi khâu kín lại. Cứ vậy, dù có đi đâu bà cũng mang chiếc chăn theo, quân địch và mật thám hỏi dò về chiếc áo thì bà bảo bị đốt cháy rồi. Còn bức thư Bác tặng, mẹ ông Tám bỏ vào một tuýp thuốc chôn xuống chợ ở Thái Bình, lúc trở về tìm thì cả chợ bị đốt cháy, tìm không thấy được bức thư.

 Tấm lụa thêu những dòng chữ Bác Hồ gửi tới gia đình ông Tám.
 Tấm lụa thêu những dòng chữ Bác Hồ gửi tới gia đình ông Tám.

Vào năm 1956, tỉnh đội Nam Định đã mượn chiếc áo Bác tặng đem đi triển lãm ở một số nơi và sau đó chuyển về cho một bảo tàng trong tỉnh, sau đấy ông Tám cũng đồng ý để chiếc áo lên bảo tàng trên Hà Nội.

Sau khi hòa bình lập lại, nhằm nhắc con cháu về truyền thống yêu nước và cách mạng của gia đình mình, mặc dù bức thư đã không còn, những những lời trong bức thư của Bác Hồ gửi tặng những thành viên trong gia đình ông đã tạc dạ trong lòng. Ông Tám đã thêu lại những dòng Bác Hồ gửi tặng vào tấm lụa, phía trên tấm lụa là tấm ảnh Bác Hồ cười hiền hậu.

Đức Văn