Xúc động bức thư viết cho con trong "mùa chiến dịch" của nữ đại úy công an
(Dân trí) - "Có thể mẹ vẫn phải vắng nhà; con và em vẫn phải tự ăn, tự học, tự chơi... Mẹ tin, con sẽ hiểu và thông cảm cho mẹ! Bởi mẹ yêu màu áo của mình, nhiều như yêu các con!".
Đó là những dòng tâm sự của Đại úy Phan Thùy Dung - Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Nghệ An, gửi hai con trai của mình.
Cùng với công an cả nước, Công an tỉnh Nghệ An đang triển khai làm thủ tục cấp căn cước công dân (CCCD). Nghệ An là 1 trong 10 tỉnh trọng điểm được Bộ Công an lựa chọn thực hiện "chiến dịch 50 triệu CCCD", bắt đầu từ tháng 3/2021.
Suốt hơn 2 tháng thực hiện chiến dịch, khó có thể nói hết những khó khăn, vất vả mà lực lượng công an đã trải qua, trong đó, có nhiều cán bộ nữ đang nuôi con nhỏ. Bởi vậy, tâm sự của Đại úy Phan Thùy Dung - mẹ của 2 cậu con trai 9 tuổi và 6 tuổi, cũng là tiếng lòng của nhiều người mẹ - người lính khác.
"Vì nhiệm vụ, có đồng chí phải cai sữa sớm cho con, có đồng chí phải gửi con nhỏ về quê cho ông bà hay nhờ hàng xóm đưa đón đi học. Chồng tôi cũng ở trong ngành, thường xuyên phải đi công tác nhưng may mắn tôi được bố mẹ hai bên giúp đỡ, tạo điều kiện để hoàn thành công việc.
Đi sớm về khuya nên cả tuần mẹ con hầu như không được gặp mặt, trò chuyện với nhau. Có đêm, về đến nhà đã gần 12h, đọc bức thư của con khoe hôm nay vào Đội thiếu niên tiền phong, dặn mẹ ăn kẹo, nhắc mẹ xem khăn quàng đỏ con để trong cặp, hỏi mẹ cuối tuần có được nghỉ để đưa em đi chụp ảnh mà ứa nước mắt...", Đại úy Phan Thùy Dung tâm sự.
Dân trí xin lược trích bức thư Đại úy Phan Thùy Dung gửi cho con để độc giả hiểu hơn về những khó khăn của người lính đang thực hiện nhiệm vụ làm CCCD.
"Con trai của mẹ!
Khi con đang say giấc nồng, mẹ bỗng không ngủ được, dù suốt 2 tháng nay một giấc ngủ thật sâu luôn là điều ao ước. Nhìn con ngủ say, khuôn mặt tựa thiên thần, đôi môi vẫn mỉm cười vì đã lâu lắm rồi mới được mẹ hát ru ngủ, mẹ bỗng thấy có lỗi với con nhiều quá.
Nhưng con ơi, vì mẹ là người chiến sỹ công an, luôn thấm nhuần lời dạy "vì nhân dân phục vụ", nên thời gian qua, dù chưa làm tốt trách nhiệm của một người mẹ, nhưng mẹ tin rằng, vì con là con của lính, con sẽ hiểu. Sau này lớn lên, có thể tự hào nói rằng "ngày xưa, mẹ mình là một trong những người đầu tiên tham gia làm căn cước công dân"!.
"Chiến dịch" 50 triệu căn cước công dân mà Bộ Công an triển khai, tỉnh Nghệ An được lựa chọn là 1 trong 10 tỉnh trọng điểm. Với mẹ - một chiến sỹ công an Phòng Cảnh sát quản lý hành chính Công an tỉnh Nghệ An - được tham gia chiến dịch quan trọng này là một vinh dự, cũng là trọng trách lớn lao.
Bắt tay vào chiến dịch, mẹ và các đồng đội của mình đã lường trước những khó khăn sẽ phải trải qua. Mọi người đã động viên nhau và động viên chính mình để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.
Mẹ không còn biết Thứ bảy hay Chủ nhật, không còn biết ngày nghỉ hay ngày lễ. Công việc nối tiếp nhau, "vắt" từ ngày này qua ngày khác, bởi chỉ một người chậm lại thôi, là cả một "guồng máy" đang rầm rập sẽ bị gián đoạn.
Những bữa ăn vội vã, những phút ngả lưng mà ngủ say như chết chỉ trong vài phút, những đêm muộn vẫn cặm cụi bên máy... đã quá quen thuộc với những người lính làm công tác quản lý hành chính như mẹ.
Cuộc chiến này không có tiếng súng nhưng đòi hỏi mỗi người lính phải luôn trong tư thế quyết tâm cao nhất.
Lúc viết những dòng này, bên má mẹ bỗng thấy tê tê, cảm giác của cú tát như trời giáng của một công dân là bệnh nhân tâm thần vẫn còn rất rõ. Có những lần người dân phải chờ lâu vì đông quá nên to tiếng, mẹ thấy tủi thân lắm nhưng không dám khóc, cũng không dám trách, chỉ cố gắng giải thích giúp họ hiểu và thông cảm.
Có những lần vì mưa, việc tiếp nhận hồ sơ làm căn cước công dân bị gián đoạn do mất điện, không bỏ phí thời gian, mọi người hò nhau kéo máy đến địa điểm khác. Áo mưa che máy, người ướt đẫm cũng mặc, bởi mỗi giây, mỗi phút đều không được bỏ phí.
Mẹ đã rưng rưng xúc động khi người dân nửa đêm mang túi ngô luộc nóng hổi đến và nói "các con ăn đi cho ấm bụng mà làm". Một cô bé lúc 2h sáng đưa cho mẹ một cái bánh chưng lót dạ và muốn đưa mẹ về. Rồi những anh chị học sinh cấp 3 trong lúc chờ đến lượt đã hát cho mẹ và đồng đội nghe. Và cả ánh mắt đầy hi vọng của gia đình một bệnh nhân khi được làm gấp căn cước công dân để kịp đi cấp cứu.
Chỉ cần người dân tin tưởng và yêu thương, mẹ thấy mình được tiếp thêm sức mạnh nhiều lắm.
Nhưng mẹ cũng chỉ là một người mẹ như bao phụ nữ khác. Mẹ cũng muốn sáng sáng cuống cuồng giục con đến lớp. Chiều muộn có thể tới xem một màn đồng diễn mà con và các bạn dày công luyện tập trong ngày biểu diễn. Hay đêm về, mẹ được hít hà mùi mồ hôi của con và nghe con kể chuyện trường, chuyện lớp.
Nhưng rồi, công việc, nhiệm vụ, trách nhiệm cứ cuốn mẹ đi, từ 4h sáng đến qua ngày hôm sau, khi trở về con đã say giấc. 2 tháng qua, dẫu chỉ là một đứa trẻ mới 9 tuổi thôi nhưng con dường như đã lớn, đã biết tự lập hơn, biết chăm lo cho bản thân, biết tự giác học bài.
Chiến dịch đang đi đến những ngày cuối cùng, khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Vừa làm CCCD, vừa chống dịch, vì thế nhiệm vụ mà mẹ và đồng đội càng nặng nề hơn. Có thể mẹ vẫn phải vắng nhà nhiều hơn; con và em vẫn phải tự ăn, tự học, tự chơi; những bữa cơm cả nhà quây quần bên nhau hiếm hoi như trước.
Mẹ tin, con sẽ hiểu và thông cảm cho mẹ! Bởi mẹ yêu màu áo của mình, nhiều như yêu các con!".