50 năm Hải quân Việt Nam đánh thắng trận đầu:
Xuất kích đánh trả tàu khu trục Maddox
(Dân trí) - Chiến thắng trận đầu của Hải quân Việt Nam đã đi qua 50 năm, những người lính năm xưa nếu còn sống cũng đã già. Di chứng chiến tranh và tuổi già khiến người lính ấy có thể không còn minh mẫn nhưng ký ức về cuộc chiến oanh liệt vẫn in sâu...
Lật lại ký ức, ông Tư kể, vào những năm kháng chiến chống Pháp, nhà nghèo, bố mẹ ông sinh được hai chị em. Là con trai độc và là con út trong gia đình nên chính quyền xã ưu tiên không để ông tham gia kháng chiến, nhưng ông vẫn tình nguyện lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc khi chưa tròn đôi mươi.
Đầu tháng 2/1962, ông chuyển về căn cứ 2 Hải quân đóng tại Bến Thủy, làm nhiệm vụ trên tàu 142, Phân đội 3. Cuối năm 1962, con tàu này được chuyển về khu căn cứ đóng tại Bãi Cháy. Nhiệm vụ hoạt động tuần hành từ Bãi Cháy đến Sông Gianh (Quảng Bình).
Đầu tháng 6/1964, đế quốc Mỹ điều tàu khu trục Maddox vào tăng cường cho Hạm đội 7 hoạt động trinh sát dọc bờ biển miền Bắc nước ta. Đến đêm 31/7, tàu Maddox hoạt động gần dọc bờ biển từ Vĩnh Linh đến biển Thanh Hóa, bắn pháo lên bờ và đảo Mê.
Ông Tư nhớ lại: “Buổi trưa ngày 2/8/1964, tôi ở trên tàu 142 đang đi tuần về Hòn Nẹ cùng chiếc tàu 146 thì nhận được lệnh của Bộ Tổng tư lệnh Hải quân cho tàu về Đảo Mê ngay lập tức. 12h30, chúng tôi có mặt tại Đảo Mê, thả neo, ngụy trang cẩn thận đợi lệnh”.
“3 tàu phóng lôi cùng 2 tàu tuần tiễu chuẩn bị vũ khí chờ lệnh xuất kích. Lúc này, theo quan sát, chúng tôi phát hiện phía Đông Bắc đảo Mê có một tàu màu đen, phía trên sơn trắng, đang chạy về phía Bắc. Chúng tôi phán đoán chắc là tàu Maddox. Vài phút sau trạm ra đa báo, tàu Maddox đang đi về phía Bắc. Chỉ chờ có thế, sau khi kiểm tra lại một lần máy móc, vũ khí, đúng 2h15, đoàn gồm 3 tàu phóng lôi và 2 tàu tuần tiễu bắt đầu xuất kích”.
Tàu của ông Tư có nhiệm vụ liên tục quan sát, nhận thông tin và truyền đi đến các tàu. Khi phát hiện tàu Maddox ở mạn trái cũng là lúc tàu Maddox bắn dữ dội vào đội hình phân đội khiến cho đội hình phía ta bị dính nhiều mảnh đạn. Không thể để đội hình bị tiêu diệt, các thuyền trưởng tàu phóng lôi quyết định chọn góc mạn và cự ly tốt nhất vào hướng chiến đấu, phóng ngư lôi.
Còn chiếc T333 vượt qua làn đạn của địch, đi vào hướng chiến đấu, quả ngư lôi phải chuẩn bị, pháo 14 ly 5 bắn mục tiêu, đến cự ly 6 liên rồi 5 liên, pháo bắn quét lên boong tàu địch; phóng ngư lôi ở cự ly cách tàu Maddox 500 m. Lần phóng lôi này, tàu T333 đã phóng trúng buồng đựng dầu mỡ và đồ nghề của tàu địch khiến tàu địch hư hỏng nặng. Do đã đuối sức, tàu T333 quay ngược hướng với tàu địch rời khỏi vị trí chiến đấu. Trên không tốp máy bay phóng rốc két và pháo 20 ly yểm trợ cho Maddox tháo chạy.
Do trong quá trình chiến đấu, các tàu phóng lôi của ta bị địch bắn phá hư hỏng, hệ thống thông tin cũng không có tín hiệu và không thể liên lạc được với biên đội. Hai chiếc tàu phóng lôi T333 và T336 chạy về Sầm Sơn, còn T339 cùng tàu tuần tiễu của ông Tư chạy về Hòn Sụp cứu chữa thương binh và mai táng các liệt sĩ. Trên chiếc tàu tuần tiễu 142, ông Tư cho biết có 9 chiến sĩ thì hy sinh 5 người, 2 người bị thương.
“Sau ngày hôm đó, tàu 142 của tôi được lệnh áp tải chiếc tàu T339 về Vạn Hoa, Quảng Ninh - căn cứ bí mật tuyệt đối của ta. Xong việc, chúng tôi trở về thì đã đến ngày mùng 6 nên trong ngày mùng 5/8, tôi không được tham gia trận đánh ác liệt giữa ta và đoàn máy bay địch. Thế nhưng khi trở về, nghe đồng đội kể lại tôi vẫn hình dung ra cuộc chiến đấu hôm ấy. Cuộc chiến ngày 5/8, tại Lạch Trường có gần 60 chiến sĩ hy sinh, nhiều đồng chí khác bị thương. Chúng ta đã bắn rơi 2 máy bay của địch và bắt sống 1 tên phi công, góp phần làm nên chiến thắng oanh liệt trận đầu của Hải quân Việt Nam” - ông Tư cho biết.
Qua câu chuyện của đồng đội ngày ấy, ông Tư vẫn nhớ lời kể về liệt sĩ Đặng Đình Lống (quê Tĩnh Gia, Thanh Hóa) trên con tàu 146, pháo thủ số 1 đã bị trúng loạt rốc két đầu tiên của máy bay Mỹ trong ngày 5/8. Pháo thủ Đặng Đình Lống gãy cả hai chân nhưng vẫn ngoan cường chiến đấu. Anh yêu cầu đồng đội cột mình vào giá súng, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Chiến sĩ Lống đã hiên ngang nã đạn vào kẻ thù rồi liên tục hô vang “Hồ Chí Minh muôn năm, Đảng muôn năm” cho đến lúc ngã xuống!
Sau cuộc chiến đánh thắng trận đầu năm đó, người chiến sĩ Hải quân Trương Đình Tư tiếp tục cuộc hành trình từ Hà Bắc vào đến Tây Nguyên. Năm 1973, ông bị thương khi đang lượm thi hài liệt sĩ tại Buôn Mê Thuột. Tháng 5/1974, do vết thương nặng nên ông được phục viên và trở về quê.
Dù cống hiến không ít cho các cuộc kháng chiến và trở về với vết thương trên đỉnh đầu, luôn tái phát hành hạ ông mỗi lần trái gió trở trời, nhưng do bị mất hết giấy tờ nên đến giờ ông Tư vẫn không được hưởng chế độ chính sách nào. Vậy mà khi nhắc đến điều đó, người lính cụ Hồ ấy vẫn cười hào sảng: “Sống được đã là may rồi. Được cống hiến sức mình cho cách mạng cũng là một niềm vinh dự, nên tôi chẳng còn cần gì hơn nữa”.
Nguyễn Thùy