1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Xuất khẩu lao động Hàn Quốc 2014: Khe cửa hẹp!

(Dân trí) - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có được những thỏa thuận ban đầu trong việc đưa trở lại người lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc trong năm 2014. Tuy nhiên, cánh cửa vào thị trường này mới chỉ hé mở trong thời gian không dài.

Trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo Cục quản lý Lao động Ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH xác nhận, mới đây Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền và Bộ trưởng Việc làm Hàn Quốc đã ký Bản ghi nhớ về việc đưa lao động Việt Nam trở lại Hàn Quốc làm việc theo Chương trình cấp phép mới dành cho người lao động nước ngoài (Chương trình EPS). Tuy nhiên, bản ghi nhớ này chỉ thực hiện trong một năm. Theo đó, phía Hàn Quốc hứa sẽ xúc tiến việc tiếp nhận trở lại những lao động đã có chứng chỉ tiếng Hàn và hồ sơ đã được đưa lên mạng để chủ sử dụng Hàn Quốc lựa chọn.

Theo Cục quản lý lao động Ngoài nước, đến thời điểm này vẫn chưa có thỏa thuận cụ thể về số lượng lao động Việt Nam được Hàn Quốc tiếp nhận. Như vậy, đến năm 2014 vẫn còn 12.000 hồ sơ của người lao động nước ta đã có chứng chỉ tiếng Hàn vẫn đang chờ đợi xét tuyển.
 
Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lao động truyền thống của Việt Nam trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, do tình trạng lao động hết hạn hợp đồng không về nước, bỏ trốn, cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc ở mức cao (trên 50%), nên từ tháng 8/2012 đến nay, Hàn Quốc đã tạm dừng tiếp nhận hồ sơ lao động Việt Nam mới.

Trước tình hình này, phía Bộ LĐ-TB&XH đã yêu cầu các địa phương chưa mở lại các lớp dạy tiếng Hàn, tránh lãng phí thời gian, chi phí của người lao động.

Hàng nghìn người tại Nghệ An tham dự thi tuyển XKLĐ Hàn Quốc hồi cuối năm 2012
Hàng nghìn người tại Nghệ An tham dự thi tuyển XKLĐ Hàn Quốc hồi cuối năm 2012

Để giải quyết tình hình lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc, Chính phủ Việt Nam đã ban Nghị định 95 (có hiệu lực từ ngày 10/10) nhằm siết chặt tình trạng lao động bỏ trốn bằng những quy định như: Phạt 100 triệu đồng nếu lao động hết hạn hợp đồng nhưng không về nước; bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng; bỏ trốn tại sân bay sau khi nhập cảnh Hàn Quốc; lôi kéo dụ dỗ, ép buộc, lừa gạt lao động Việt Nam ở lại cư trú bất hợp pháp. Ngoài ra, những lao động này buộc phải về nước và không được đi làm việc trong 2 năm (nếu bỏ trốn tại nơi cư trú), 5 năm nếu bỏ trốn tại sân bay và dụ dỗ người khác ở lại Hàn Quốc trái quy định. Nếu tự nguyện về nước trong thời gian 3 tháng (từ ngày 10/10/2013 đến ngày 10/1/2014), lao động đã bỏ trốn sẽ được miễn xử phạt hành chính.

Theo báo cáo, trong năm 2013 tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn đã giảm xuống 38% (trên 50% năm 2012). Trước nỗ lực từ phía Việt Nam, nước bạn Hàn Quốc cũng đã bước đầu ký thỏa thuận Bản ghi nhớ về việc đưa lao động Việt Nam trở lại Hàn Quốc. Tuy nhiên,  biên bản này chỉ thực hiện trong  năm 2014. Sau đó, phía bạn sẽ có đánh giá lại để đưa ra những quyết định tiếp theo.

Bộ trưởng Bộ LĐ -TB&XH  Phạm Thị Hải Chuyền cho biết thêm, Bộ đã đề nghị Chính phủ  hỗ trợ triển khai thêm nhiều giải pháp đặc biệt, nhằm mục đích giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn như: Đề nghị cơ quan an ninh của ta phối hợp với phía Hàn Quốc ngăn chặn lao động bỏ trốn. Trong năm nay, nếu còn để tỷ lệ lao động bỏ trốn tăng cao, chắc chắn Hàn Quốc sẽ dừng không tiếp nhận lao động Việt Nam, chứ không còn là tạm ngừng nữa.

Phạm Thanh