Chờ kết quả “giải cứu” của nữ bộ trưởng
Kết thúc năm 2013 cũng đồng nghĩa hơn 1,2 vạn chứng chỉ tiếng Hàn của người lao động (NLĐ) cả nước hết hiệu lực. Liệu chuyến công cán của Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền với phía Hàn Quốc có “cứu” được niềm hy vọng mong manh của hơn 1,2 vạn NLĐ?
Trên chuyến xe về Nghệ An, lao động Nguyễn Văn Toàn (TP Vinh, Nghệ An) cho biết, anh thi đỗ kỳ kiểm tra tiếng Hàn vào tháng 12/2011. Sau 2 năm chưa được xuất cảnh, anh Toàn phải lặn lội ra Hà Nội làm nghề rửa xe, kiếm sống qua ngày.
“Theo quy định, chứng chỉ tiếng Hàn của em đã hết hiệu lực. Nếu không được đi, coi như khoản tiền hơn 20 triệu đồng đầu tư học tiếng, ăn, ở, đi lại, thi cử coi như mất trắng”, anh Toàn nói. Cũng theo anh Toàn, không phải chỉ có anh mà rất nhiều lao động tại Nghệ An đang thấp thỏm, lo âu trước việc chứng chỉ tiếng Hàn hết giá trị.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Văn Thúy, Quyền trưởng Phòng Việc làm Lao động Tiền lương (Sở LĐ-TB&XH Nghệ An) cho biết, đến thời điểm này, Sở LĐ-TB&XH Nghệ An vẫn chưa nhận được chỉ đạo nào từ Bộ LĐ-TB&XH liên quan đến việc xử lý chứng chỉ tiếng Hàn của NLĐ hết hiệu lực. Theo ông Thúy, Nghệ An có tới hơn 2.456 lao động đã có chứng chỉ tiếng Hàn, chưa được xuất cảnh.
“Mấy ngày qua lao động hỏi, chúng tôi chỉ biết trả lời là phải chờ. NLĐ rất kỳ vọng, đặt hết niềm tin vào địa phương, nhưng địa phương cũng lực bất tòng tâm”, ông Thúy nói.
Đại diện Phòng Lao động Tiền lương và Bảo hiểm xã hội (Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa) cũng cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 2.000 lao động có chứng chỉ tiếng Hàn, đã hoàn chỉnh hồ sơ, chưa được xuất cảnh. “Nếu từng đó lao động không sang được Hàn Quốc làm việc, sẽ gây lãng phí hàng chục tỷ đồng của NLĐ”, vị lãnh đạo nói.
Ông Lưu Văn Bản, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hải Dương cho biết, địa phương có khoảng hơn 500 lao động có chứng chỉ tiếng Hàn, chưa được xuất cảnh. Hàn Quốc là thị trường có việc làm ổn định, thu nhập cao nên thu hút đông đảo lao động Hải Dương tham gia. Tuy nhiên, thị trường đang bị dừng nên NLĐ bơ vơ.
Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Quản lý Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, từ Bộ xuống địa phương đang tích cực xây dựng các quy trình để thực hiện việc giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc. Đặc biệt là xây dựng quy chế, các căn cứ để xử phạt và quản lý tiền ký quỹ của NLĐ, để 2 bên sớm ký kết được bản ghi nhớ đặc biệt, tiếp tục đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc.
Theo ông Hải, việc Hàn Quốc tiếp nhận trở lại lao động Việt Nam “chỉ là vấn đề thời gian”. Về chủ trương, Chính phủ hai nước đồng thuận trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác lao động. Hiện, các cơ quan liên quan 2 nước cũng đang đưa ra những biện pháp để chấn chỉnh Chương trình cấp phép mới-EPS (đặc biệt giải quyết tình trạng lao động bỏ trốn).
Trước tình hình trên, theo thông tin PV Tiền Phong có được, bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng LĐ-TB&XH đang dẫn đầu đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH sang Hàn Quốc để đàm phán.
Một nguồn tin tin cậy còn cho biết, tham gia đoàn còn có ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Quản lý Lao động Ngoài nước và ông Phan Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Lao động Ngoài nước. Nếu không có gì thay đổi, trong ngày hôm nay (1/1/2014), đoàn công tác sẽ có mặt tại Hà Nội và công bố kết quả chuyến đi. “Được biết, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ trưởng Việc làm Hàn Quốc đã ký kết thỏa thuận tiếp tục thực hiện EPS. Còn nội dung thế nào, hiện chưa được rõ”, một cán bộ Bộ LĐ-TB&XH nói.
Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS từ tháng 8/2004. Từ đó đến nay, có trên 71.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc. Trung bình, mỗi năm, NLĐ gửi về nước khoảng gần 1 tỷ USD. |
Theo Phong Cầm
Tiền Phong