1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Bình:

Xuân no ấm nơi cái rét cắt thịt ở vùng cao biên giới

(Dân trí) - Một năm miệt mài trên nương rẫy đã kết thúc, đồng bào dân tộc vùng cao biên giới xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch đang náo nức đón chào xuân mới trong không khí vui tươi, ấm cúng. Năm nay, bà con dân bản được mùa lúa nước, đồng bào đã ấm no hơn, cuộc sống vật chất và tinh thần được cải thiện nhiều.

Quên đi cái rét cắt da cắt thịt của vùng cao biên giới, một ngày cận Tết cổ truyền, bà con bản 61 cùng với những người lính biên phòng tổ chức đón chào xuân mới bằng việc chuẩn bị các công đoạn để gói bánh chưng đón Tết. Không khí ấm cúng, thấm đượm tình quân dân đã xua tan đi cái lạnh giá của thời tiết, chỉ còn lại tiếng cười, tiếng nói làm rộn rã cả núi rừng.

Các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Roòng gói bánh chưng...
Các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Roòng gói bánh chưng...

Ông Đinh Liễn, Trưởng bản 61, xã Thượng Trạch không khỏi vui mừng chia sẻ: "Năm mô đồng bào miềng (mình) cũng được Bộ đội Biên phòng tổ chức gói bánh chưng và các hoạt động vui Xuân cho bà con dân bản, niềm vui vang vọng cả núi rừng ni, miềng cảm ơn cán bộ nhiều lăm".

Để có được những chiếc bánh chưng xanh, bà con dân bản và các cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Roòng đã chuẩn bị rất công phu và chu đáo với nhiều công đoạn. Khi cây nêu ngày Tết đã được dựng xong cũng là lúc đồng bào và chiến sĩ Bộ đội Biên phòng quây quần bên nhau dưới ánh lửa hồng cạnh nồi bánh chưng đậm đà hương vị ngày Tết cổ truyền dân tộc được làm từ những hạt lúa vàng do chính tay bà con dân bản gieo cấy và ché rượu cần ủ đầy men say của núi rừng Trường Sơn. Bên ánh lửa bập bùng và nồi bánh chưng sôi trên bếp, với đồng bào xã Thượng Trạch, mùa xuân thực sự đã về.

... và nấu cùng bà con
... và nấu cùng bà con

Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp Tết nguyên đán, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Roòng lại tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa để cùng vui xuân đón tết với bà con dân bản vùng biên giới. Năm nay, các chiến sĩ biên phòng chọn bản 61 - một trong những bản khó khăn nhất mà đồn nhận đỡ đầu để thực hiện chương trình “Xuân biên giới”. Trong niềm vui xuân, tình quân dân càng thêm thắt chặt gắn bó để mỗi một chiến sĩ biên phòng như thấy yêu hơn mảnh đất biên cương mà mình đang sống, để thấy như mình đang sum họp đón Tết cổ truyền cùng với gia đình.

Chiến sĩ trẻ Cao Văn Bảy, Đồn Biên phòng Cà Roòng tâm sự: "Đây là năm đầu tiên đón Tết tại đơn vị, được chia sẻ niềm vui với bà con dân bản, làm quên đi nỗi nhớ nhà và hứa sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao".

Cùng bà con dân bản cúng Tết
Cùng bà con dân bản cúng Tết

Những hoạt động quan tâm đến đời sống, sinh hoạt, sức khỏe của đồng bào vùng biên giới của các cán bộ chiến sĩ biên phòng mang ý nghĩa hết sức thiết thực nhằm sẻ chia những khó khăn, vất vả động viên bà con dân bản nỗ lực vươn lên xây dựng bản làng ngày càng ấm no, văn minh tiến bộ. Đón năm mới, các cán bộ quân y lại tổ chức khám, cấp phát thuốc miễn phí, hướng dẫn bà con cách tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, cộng đồng và nâng cao ý thức về vệ sinh môi trường khu dân cư. Nhờ vậy, đã tăng thêm sự gắn kết giữa bộ đội biên phòng và người dân vùng biên giới trong tình cảm yêu quý, trân trọng và thân thiết.

Đại úy Đinh Hồng Lĩnh, Quân y sỹ Đồn biên phòng Cà Roòng cho biết: "Những ngày giáp Tết, các cán bô chiến sĩ biên phòng cùng với chính quyền địa phương đi đến từng hộ gia đình các bản sâu, bản xa nhất khám và cấp thuốc miễn phí giúp bà con an tâm đón Tết".

Là một trong những xã miền núi khó khăn nhất của huyện Bố Trạch, với xuất phát điểm ban đầu thấp, những năm qua, được sự quan tâm của Cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương và đặc biệt phải kể đến vai trò đặc biệt quan trọng của Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng Quảng Bình mà trực tiếp là các cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Roòng, xã Thượng Trạch đã có nhiều bước tiến bộ vượt bậc. Đời sống vật chất và tinh thần của bà con dân bản ngày càng được cải thiện đáng kể, không còn tình trạng đói ăn, thiếu mặc. Nhiều hộ gia đình đã biết mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế như chăn nuôi gia súc, trồng rừng kinh tế nên đã xóa được đói, giảm được nghèo.

Đặc biệt, nhờ sự “cầm tay chỉ việc” của cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Roòng, dự án lúa nước Chăm Pu đã thành công. Bà con dân bản đã biết trồng lúa nước, thay thế cho hình thúc canh tác lạc hậu, kém hiệu quả như trước đây góp phần đảm bảo an ninh lương thực. Cùng với đó, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Roòng còn vận động nhiều học sinh bỏ học trở lại lớp học, quan tâm giúp đỡ con em đồng bào dân tộc trên địa bàn xã Thượng Trạch học tập tốt hơn qua chương trình “Nâng bước em đến trường”.

Trung tá Lê Văn Tính, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cà Roòng bộc bạch: "Ngoài nhiệm vụ bảo vệ biên giới thì việc chăm lo Tết cho bà con được Ban Chỉ huy Đồn đặc biệt quan tâm, từ đó đã tạo được niềm tin trong lòng quần chúng, nhân dân, sát cánh cùng đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ".

Với tâm niệm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Roòng đã thực sự yêu và gắn bó với mảnh đất và con người nơi đây, luôn gắn bó máu thịt, sâu sắc với bà con xã Thượng Trạch bằng tình quân dân cá nước để cùng nhau xây dựng, phát triển quê hương, bản làng, giữ gìn phên dậu biên cương của Tổ quốc.

Sau khi cúng xong, mỗi người dân đều được phát một cặp bánh chưng mang về nhà ăn Tết
Sau khi cúng xong, mỗi người dân đều được phát một cặp bánh chưng mang về nhà ăn Tết

Thượng tá Phạm Xuân Diệu, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Bình cho biết thêm: "Chúng tôi quán triệt mệnh lệnh cho bộ đội là bằng mọi cách tổ chức tốt các hoạt động vui Xuân, đón Tết cùng bà con và dù bất cứ giá nào thì cũng không thể để bà con thiếu đói trong dịp Tết Nguyên Đán"

Những ngày này không khí đón Tết khắp nơi ở miền xuôi đang rộn ràng. Ở các bản làng vùng biên cương Tổ quốc, không khí Tết cũng đang ngập tràn với tình cảm thân thương giữa những người lính biên phòng và đồng bào các dân tộc. Tết ở vùng cao chan chứa những niềm vui thật bình dị, là sự thiêng liêng của tình đồng bào ruột thịt và mang đến cho mỗi người lính xa nhà sự ấm cúng của không khí gia đình...

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Roòng cùng bà con dân bản bên ché rượu cần ấm tình “Xuân biên giới”
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Roòng cùng bà con dân bản bên ché rượu cần ấm tình “Xuân biên giới”

Những ngày đón Xuân Đinh Dậu 2017, bên bếp lửa hồng và ché rượu cần ấm tình đoàn kết, trong câu chuyện của bao thế hệ người Ma Coong, Vân Kiều, A Rem... sống trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, có hình ảnh của chiếc bánh chưng xanh được làm từ những hạt lúa vàng chính tay dân bản gieo trồng như là minh chứng ý nghĩa nhất về câu chuyện những người lính mang quân hàm xanh “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nhân dân, luôn xem đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt đã góp phần rút ngắn dần khoảng cách giữa miền ngược với miền xuôi. Hương sắc mùa xuân đã ấm nồng trong từng làn gió, mùa xuân sớm vùng biên cương bao giờ cũng ngọt ngào và đậm đà nghĩa tình như thế.

Quảng Trị: Xuân ấm no tại bản tái định cư “kiểu mẫu” nơi biên giới

Những ngày này, người dân bản Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo cũng như bà con đồng bào Vân Kiều dọc dãy Trường Sơn tỉnh Quảng Trị cũng đang hối hả chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Đây cũng là cái Tết ấm cúng đối với bà con sau Tết mừng lúa mới, theo phong tục của người Pa Kô, Vân Kiều. Đặt chân đến bản, chúng tôi cảm nhận được không khí Tết đã lan tỏa khắp nơi. Trước trục đường chính, bà con cắm cờ Tổ quốc bay phấp phới. Một mùa Xuân mới đang về, hứa hẹn mang đến nhiều sự đổi thay trong đời sống của người dân nơi đây.

Những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát tại bản Ka Tăng
Những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát tại bản Ka Tăng

Khu tái định cư bản Ka Tăng (thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) với khoảng 53 hộ dân, phần đông là đồng bào Vân Kiều sinh sống.

Trước đây, người dân ở bản Ka Tăng sinh sống dọc khu vực biên giới Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Năm 2013, Dự án quy hoạch, xây dựng và phát triển Khu Kinh tế Thương mại đặc biệt Lao Bảo được triển khai nên bà con phải di dời tái định cư dưới chân núi Ka Tăng. Ủy ban nhân dân thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã mạnh dạn cho bà con tự chọn đất để xây dựng nhà, chọn vị trí ở nhu cầu của bà con, dòng tộc. Theo đó, bản tái định cư Ka Tăng có 3 loại nhà được triển khai, tùy theo số lượng nhân khẩu mà phân bổ kinh phí hỗ trợ nên bà con đều đồng tình. Đặc biệt, những ngôi nhà một mặt được xây dựng hiện đại nhưng vẫn được làm theo kiểu nhà sàn phù hợp với lối sinh hoạt truyền thống của người Vân Kiều.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo cho biết: “Từ khi bà con đến khu tái định cư mới thì đời sống của từng bước ổn định, sản xuất của bà con có thuận lợi hơn. Đặc biệt, ngoài phát triển kinh tế, bà con Ka Tăng tham gia với nhân dân thị trấn Lao Bảo bảo vệ an ninh biên giới Quốc gia”.

Khu tái định cư Ka Tăng được xây dựng trên diện tích 25 ha, với tổng mức đầu tư trên 50 tỷ đồng. Đến nay, bên cạnh việc xây dựng nhà cửa, Khu tái định cư Ka Tăng đã được đầu tư hoàn chỉnh về cơ sở hạ tầng, phục vụ tốt cho việc phát triển sản xuất, học tập và sinh hoạt văn hóa của người dân.

Khu tái định cư Ka Tăng được xem là bản “kiểu mẫu” của tỉnh Quảng Trị nhờ vị trí phù hợp, kết cấu hạ tầng hoàn thiện, đảm bảo cho việc phát triển sản xuất, học tập và sinh hoạt văn hóa của người dân.

Nằm sát biên giới Việt-Lào, bản Ka Tăng còn kết nghĩa với bản Đen Sa Vẳn của nước bạn Lào bên kia Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Nhân dân hai bản vì thế thường xuyên giao lưu, gìn giữ tình bạn hữu nghị, cùng nhau bảo vệ an ninh biên giới và giữ gìn cột mốc chủ quyền biên giới của hai quốc gia.

Dẫn chúng tôi đi tham quan quanh bản, anh Lê Văn Hùng, Phó bản Ka Tăng cho biết, dân bản chủ yếu làm nương rẫy, thuận tiện ở gần cửa khẩu nên có thành lập đội xe kéo. Chính vì vậy, đời sống của người dân những năm qua cũng được cải thiện nhiều. Đa số bà con ổn định cuộc sống, năm nay được mùa rẫy nên đời sống ắt khá hơn. Về giáo dục, tất cả các cháu đều được đi học, khi nghỉ được chính quyền tạo điều kiện thuận lợi để làm ăn. Đặc biệt, bản cũng xây dựng được đội múa cồng chiêng để phục vụ vào các dịp lễ, Tết. Qua đó, thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó, tương trợ lẫn nhau cả trong cuộc sống lẫn sản xuất.

Anh Hùng cũng cho hay, ngày Tết bà con nơi đây tổ chức đại đoàn kết để đồng bào Vân Kiều lại cùng nhau ôn lại những câu chuyện thời khốn khó, những tháng ngày cùng sát cánh với các dân tộc anh em chiến đấu giành độc lập. Để hoạt động vui Tết, đón Xuân trở nên ý nghĩa còn biểu diễn văn nghệ hát, múa, cồng chiêng… Sau đó mới tổ chức đi giao lưu, thăm hỏi bà con trong bản.

Thượng úy Nguyễn Văn Cường, cán bộ Đội vũ trang (Đồn BP Cửa khẩu Lao Bảo) cho biết: Nằm trên địa bàn biên giới nên an ninh có phần phức tạp. Các đối tượng buôn hàng lậu, hàng cấm, sử dụng ma túy rất manh động. Trước đây chưa mở cửa thì an ninh rất lộn xộn. Tuy nhiên, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng của Đồn Biên phòng và chính quyền địa phương, cùng công tác tuyên truyền, vận động, bà con cũng phấn khởi chấp hành và có trách nhiệm hơn. Các hành vi vi phạm pháp luật giảm xuống, số lượng người nghiện ngập, trộm cắp, gây rối hạn chế đáng kể.

Xuân no ấm nơi cái rét cắt thịt ở vùng cao biên giới - 7

Từ ngày chuyển đến nơi ở mới, đời sống gia đình anh Lê cũng có sự thay đổi tích cực

Là một trong những hộ về sinh sống đầu tiên tại khu tái định cư Ka Tăng, giờ đây cuộc sống gia đình anh Hồ Văn Lê đã dần ổn định. Với diện tích đất còn lại ở làng cũ, vợ chồng ông đã tích cực lao động sản xuất, cái ăn không phải lo, tích lũy đã có, năm mới này gia đình ông đón xuân ấm áp hơn.

Chúng tôi rảo bước dọc bản Ka Tăng và thấy những ngôi nhà sàn cao tầng mọc lên san sát. Ở bản Ka Tăng mới, có khá nhiều ngôi nhà cao tầng, đẹp như vậy. Thậm chí, có nhà còn mua được ô tô để đi lại. Những niềm vui đó cho tôi cảm nhận về sự no ấm của bà con, người dân đã có của ăn, của để chứ không phải chờ vào sự trợ cấp của chính quyền.

Một năm mới nữa lại về trên khu tái định cư Ka Tăng, những người dân nơi đây không chỉ tự hào khi họ đã đi theo tiếng gọi của Đảng, của Nhà nước để có được cuộc sống ấm no hơn mà họ còn tự hào vì đã hy sinh quyền lợi của mình để đóng góp cho sự phát triển của quê hương. Dẫu biết sẻ còn rất nhiều khó khăn phía trước, nhưng từ những kết quả đạt được ban đầu, hứa hẹn nơi đây sẽ trở thành một vùng quê trù phú trong tương lai không xa.

Đăng Đức

Đức Trí – Đặng Tài