1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Xử lý theo pháp luật những nhà ngoại cảm lừa đảo”

(Dân trí) - “Nếu chứng minh được nhà ngoại cảm lợi dụng lòng tin của người dân để lừa đảo kiếm lời trong quá trình tìm mộ thì có thể xem xét xử lý trước pháp luật” - Giáo sư Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Thanh thiếu niên nhi đồng Quốc hội nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Thanh thiếu niên nhi đồng Quốc hội Đào Trọng Thi trao đổi xung quanh việc những ngày qua, dư luận, báo chí liên tiếp phơi bày thông tin về sự thật nhiều cuộc tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sỹ bằng cách nhờ nhà ngoại cảm.

Ông nhìn nhận thế nào về tình trạng các nhà ngoại cảm hoạt động tràn lan trong thời gian qua?

Vài năm trước đây tình trạng ngoại cảm tìm mộ rất phổ biến. Có những lúc nhà ngoại cảm được tin tưởng cao hơn mức bình thường. Thế nhưng thời gian gần đây tôi thấy họ bộc lộ sai sót, kể cả trường hợp không cố tình lừa đảo.

Chủ nhiệm Ủy ban Thanh thiếu niên nhi đồng Quốc hội Đào Trọng Thi

Chủ nhiệm Ủy ban Thanh thiếu niên nhi đồng Quốc hội Đào Trọng Thi

Thời gian qua xảy ra một số vụ việc là do người dân quá tin tưởng, không kiểm tra lại tính chính xác của nhà ngoại cảm. Tôi phải nói thật cũng có những người tìm đến nhà ngoại cảm để giải quyết tâm lý. Khi nhà ngoại cảm tìm ra bộ hài cốt dù chưa tin tưởng chính xác 100% nhưng rút cuộc lại vẫn muốn tin nó vì muốn kết thúc vấn đề tâm linh để lòng mình thảnh thơi.

Như ông nói nhà ngoại cảm đã bộ lộ sai sót, vậy có cách nào xử lý những người cố tình lợi dụng lòng tin của người dân để trục lợi không?

Muốn quy kết trách nhiệm của nhà ngoại cảm, giữa hai bên phải có những giao kết hợp đồng thì mới xem xét được. Tuy nhiên, nếu chứng minh được những hành vi cố tình lừa đảo kiếm lời thì vẫn có thể xử lý theo quy định của pháp luật.

Ở góc độ quản lý nhà nước cần có biện pháp như thế nào để siết chặt hoạt động này?

Vấn đề ngoại cảm chúng ta không thể phủ nhận vì nó là hiện tượng có thật và được cả thế giới công nhận. Thế nhưng anh dùng nó như thế nào để phù hợp với khả năng, hiêu quả thực tế của nó mới là vấn đề. Nếu bản thân họ phát huy năng lực ngoại cảm để nghiên cứu một vài dự án trong khuôn khổ nhất định thì không có gì là vị phạm pháp luật.

Thế nhưng nhiều người đã lợi dụng lòng tin đó của người dân ra ngoài xã hội làm dịch vụ để kiếm tiền thì sao?

Khi họ đã dùng năng lực ngoại cảm để hành nghề như tìm mộ thì Nhà nước mới áp dụng những quy định để quản lý. Ngoại cảm chỉ dính đến pháp luật khi làm những hoạt động liên quan đến dịch vụ. Từ đó, chúng ta mới đưa được ra trách nhiệm cụ thể để xử lý những nhà ngoại cảm. Ví dụ như nhà ngoại cảm đi tuyên truyền những thứ vượt khả năng của mình, cam kết trong hợp đồng nhưng lại không hoàn thành, tìm hài cốt nhưng lại không đúng hoặc là đưa ra hài cốt giả.

Xin cảm ơn ông!

Quang Phong (ghi)