Vụ nhân viên kiện Cục trưởng:
Xử lý không theo quy định của pháp luật
(Dân trí) - Ngày 8/9/2006, chúng tôi đã đưa tin "Nhân viên kiện Cục trưởng ra toà". 19-20/9/2006 Toà án nhân dân tỉnh Lạng Sơn sẽ xét xử sơ thẩm vụ án hành chính nhân viên kiện Cục trưởng. Để bạn đọc tiện theo dõi chúng tôi xin thông tin thêm về vụ việc lần đầu tiên xảy ra trong ngành Hải quan ở Lạng Sơn.
Vụ án đưa và nhận hối lộ tại cửa khẩu Tân Thanh đình đám một thời do Bộ Công an khám phá đã đưa toàn bộ nhân viên Hải quan Tân Thanh ra toà. Vì tính chất vụ việc cực kỳ phức tạp nên Toà án Nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã tuyên xử ở nhiều mức án khác nhau trong đó có 7 án treo. Câu chuyện “nhân viên kiện Cục trưởng” ra toà bắt đầu từ việc thi hành kỷ luật 7 nhân viên này.
Sau khi bản án số 15/ST-HS có hiệu lực, đến tháng 6/2005 nghĩa là hơn một năm Cục Hải quan Lạng Sơn mới đem các cán bộ này ra kỷ luật. Trong khi đó quy định của nghị định 35/CP ngày 17/5/2005, là trong vòng 3 tháng phải xử lý kỷ luật. Pháp lệnh cán bộ công chức quy định với vụ việc phức tạp chậm nhất là 6 tháng.
Cũng trong tháng 6/ 2005 Cục Hải quan Lạng Sơn có quyết định kỷ luật cảnh cáo 7 cán bộ công chức nhưng đến tháng 8 năm 2005, lại huỷ các quyết định kỷ luật đó và xử lý với điều kiện ai xin chuyển ngành hoặc tự thôi việc sẽ… không bị kỷ luật. Tính từ ngày 8/8/2005 đến 8/11/2005 nếu ai không xin chuyển, hoặc không có đơn xin thôi việc thì buộc thôi việc.
Trước sức ép của Cục Hải quan Lạng Sơn 5 công chức đã phải viết đơn xin thôi việc, chuyển ngành. Nhưng khi họ đến cơ quan mới thì cơ quan mới không dám tiếp nhận vì Toà án đã giao họ cho cơ quan Hải quan giáo dục. Riêng sự việc này diễn ra hàng mấy tháng trời có công chức viết đơn rồi lại xin rút đến 4 lần.
Trong số 7 nhân viên có nhân viên Phan Hoài Thanh và nhân viên Trần Minh Thuỳ không chịu viết đơn xin thôi việc nên bị kỷ luật buộc thôi việc. Theo họ, việc xử lý như trên là quá vô lý vì cùng một hành vi như nhau mà Cục xử lý ai xin chuyển, xin thôi việc thì không kỷ luật. Việc kỷ luật trên cũng trái quy định của Chính phủ về thời hiệu xử lý kỷ luật ( theo khoản 2 khoản 3 điều 9 nghị định 35 ngày 17/3/2005 của Chính phủ về thời hiệu xử lý kỷ luật là 3 tháng). Như vậy đã hơn 1 năm bản án có hiệu lực do đó thời hiệu của việc xử lý kỷ luật không còn. Trong thời hiệu kỷ luật nhân viên Trần Minh Thuỳ đang có thai vậy điều này càng trái với pháp lệnh cán bộ công chức.
Đồng thời theo hướng dẫn số 254/PLHS-HC ngày 28/1/2005 của Bộ tư pháp đối với công chức cho hưởng án treo giao về cho cơ quan quản lý giáo dục đã nêu rõ cơ quan không được chuyển các cán bộ, công chức này ra khỏi ngành nhưng tất cả các văn bản hướng dẫn đều bị bỏ qua.
Lâm Tấn Tài
Ông Phan Hoài Thanh - nguyên đơn. Tôi tin nên tôi mới kiện
Xin ông cho biết vì sao ông lại kiện ông Vũ Văn Điệp Nghĩa Cục trưởng của mình?
Vì tôi biết họ đã làm sai Pháp lệnh cán bộ công chức, Nghị định 35 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ tư pháp. Tôi đã rất thấm những bài học này, cho nên tôi không muốn họ đi theo tiền lệ sai trái đó.
Ông có thể nói rõ họ là ai?
Là Cục trưởng và bộ phận tham mưu cơ quan tôi và cả Tổng cục Hải quan.
Ông tin là mình sẽ thắng kiện?
Ông Phan Hoài Thanh: Tôi tin nên tôi mới kiện, tôi tin sự công bằng của luật pháp và tôi không muốn có một tiền lệ ai muốn làm gì thì làm.
P.V |