Thanh Hóa:

Xót xa nhìn “vàng trắng” chảy trên những đồi cao su

(Dân trí) - Mủ cao su mất giá, chi phí không đủ thuê người thu hoạch khiến cho hàng chục ha cao su đang bị người dân Thanh Hóa đốn hạ.

“Vàng trắng” tụt giá

Cây cao su từng một thời được ví như “vàng trắng” giúp bà con huyện vùng cao Như Xuân (Thanh Hóa) thoát nghèo. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, do giá trị kinh tế của cây su xuống tụt dốc, bà con nhân dân một số xã Hoá Quỳ, Xuân Quỳ, Cát Vân, Cát Tân… huyện miền núi Như Xuân đã tự ý đốn hạ sai quy định để trồng loại cây mới khi chưa có chủ trương cho phép.

Dọc tuyến đường từ thôn Đồng Tân, Đồng Quan, Liên Hiệp, Xóm Đon…xã Hoá Quỳ, không khó để chúng tôi phát hiện ra những khoảnh đồi cao su đã, đang bị đốn hạ không thương tiếc.

Bà Hà Thị Hoa (xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân buồn rầu: “Ở đây ai cũng trông chờ vào cây cao su cả, nhưng 3 năm nay thì bỏ hết, vì giá mủ xuống thấp quá”.

“Cây cao su ngày càng kiệt quệ, vừa sâu bệnh, mủ ít, gia đình cũng khó khăn về người, nói chung là không chăm sóc cho cây được” - Ông Hà Văn Ngân (xã Hóa Quỳ) than thở.

Người dân không khỏi xót xa tự tay chặt đi hàng chục ha ta cao su trồng nhiều năm trời
Người dân không khỏi xót xa tự tay chặt đi hàng chục ha ta cao su trồng nhiều năm trời

Lý giải về nguyên nhân chặt bỏ cao su, những người nông dân này không khỏi xót xa. “Chặt bỏ cây cao su với bao mồ hôi nước mắt, công sức chăm trồng có được, sao chúng tôi không thương xót! Tuy nhiên, do giá mủ cao su xuống thấp, giá trị ngày công cạo mủ không đảm bảo thu nhập. Giá mủ cao su cao có thời điểm lên tới 70 -80 nghìn đồng/kg thì nay rớt xuống chỉ còn có vài chục” – bà Hoa nói.

Ông Lê Đình Huấn, Phó Chủ tịch UBND xã Hoá Quỳ lo lắng: “Trước đây toàn xã đã có 1.132 ha cao su, nay chỉ còn 1.032 ha cao su, tức số diện tích cao su trên đã bị mất là hơn 100 ha, nguyên nhân do mưa bão gãy đổ, chết rét và bà con nông dân tự ý đốn chặt. Trong đó, đau xót nhất là thời gian 1 năm trở lại đây số diện tích cao su do bà con nhân dân chặt bỏ vì hiệu quả kinh tế thấp để chuyển sang cây trồng mới lên tới gần 30 ha. Nếu cứ đà cao su rớt giá “không phanh” thì không biết số diện tích cao su trên sẽ bị phá bỏ là bao nhiêu!”.

Không chỉ riêng gia đình bà Hoa, ông Ngân và cũng không riêng gì xã Hóa Qùy, nhiều gia đình trên địa bàn xã Xuân Qùy, Cát Vân, Cát Tân… không đủ kiên nhẫn chờ giá mủ tăng trở lại cũng đã thẳng tay phá bỏ những cây cao su đang trong giai đoạn cho thu hoạch.

Người dân cho rằng tiền bán mủ không đủ tiền thuê nhân công
Người dân cho rằng tiền bán mủ không đủ tiền thuê nhân công

Chỉ có rất ít hộ quá khó khăn đành cạo mủ bán cho tư thương với giá rẻ mạt từ 9.000 - 12.000 đ/kg. Số còn lại thì bỏ bê việc chăm sóc, thu hoạch mủ vì tiền bán mủ không đủ trả công thuê người khai thác. Chưa bao giờ người trồng cao su lâm vào cảnh khó khăn như giai đoạn hiện nay.

Công ty không thu mua?

Hiện ở Thanh Hóa có gần 20.000 ha cao su. Để khuyến khích người nông dân trồng, chăm sóc mở rộng diện tích cây cao su lên 25.000 ha, UBND tỉnh này đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cao su giai đoạn 2011 - 2015. Theo đó, mức hỗ trợ cho người trồng cao su là 9 triệu đồng/ha trồng mới và chăm sóc hai năm đầu. Năm 2015, Thanh Hóa đề ra kế hoạch trồng mới 800ha cao su. Tuy nhiên, do giá mủ ngày càng xuống thấp, nên nông dân không còn mặn mà với loại cây này.

Theo tìm hiểu, ngoài lý do giá mủ xuống thấp, người trồng cao su còn cho rằng phía Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa (đơn vị ký hợp đồng với người dân đầu tư ban đầu và thu mua mủ) không thu mua mủ cao su cho nông dân.

Những cành cao su được người dân phơi làm củi
Những cành cao su được người dân phơi làm củi

Người dân ở đây cho rằng, để bán được mủ thì bà con nông dân phải mang sang tận huyện Cẩm Thuỷ hoặc bán sang tỉnh Nghệ An vì phía Công ty cao su Thanh Hoá không hiểu vì lý do gì, lâu nay không tiến hành thu mua cho bà con.

Cũng từ đây, tình trạng xuất hiện các đầu nậu, tiểu thương đứng ra kinh doanh, thu mua mủ cao su xuất hiện ngày càng nhiều. Tình trạng tranh giành, ép giá gây rối loạn thị trường cũng diễn ra phức tạp. Cụ thể, sản phẩm thu mua trực tiếp với bà con từ 9 -10 nghìn đồng/kg mủ tươi; 20-21 nghìn đồng/mủ khô,và bán ra là 11-12 nghìn đồng/kg mủ tươi và 22-23 nghìn đồng/kg mủ khô.

Ông Phạm Văn Tuấn – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, toàn huyện có hơn 6.000 ha cao su, trong đó 1.600 ha là hợp đồng giữa Công ty cao su Thanh Hoá với các hộ dân, còn lại là diện tích cao su do các hộ đứng ra trồng. Tình trạng chặt bỏ cao su diễn ra lẻ tẻ thời gian qua, nguyên nhân do giá mủ cao su xuống thấp, thu nhập của bà con đi xuống; mật độ cây cao su không đảm bảo nên bà con tự ý chặt, tỉa…

Cũng theo ông Tuấn phân tích, hiện nay giá mủ cao su trên địa bàn huyện là 23 nghìn đồng/kg mủ khô, 1 ha cao su cho khoảng 1 tấn mủ khô, khi bán đi vẫn được 23 – 24 triệu đồng/ha/năm. Thời gian khai thác cũng chỉ mất 8 tháng, thời gian khai thác trong ngày cũng chỉ làm mất 3 - 4 giờ, thời gian còn lại bà con có thể là việc khác. Như vậy, thu nhập từ cây cao su vẫn có, công lao động mỗi người 1 ngày cũng được khoảng 200.000 đồng/người. Công ty có đặt một điểm thu mua ở xã Hoá Quỳ mà nay không mua nữa. Tuy nhiên, các điểm Hợp tác xã vẫn tập trung thu mua cho bà con.

Bình Minh