1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nghệ An:

Xót lòng “phu gạch nhí” những ngày rét dưới 10 độ C

(Dân trí) - Đứa nhỏ nhất mới học lớp 5, đứa lớn nhất học lớp 8. Trong giá rét, những đôi mắt trẻ thơ ngóng ra đường, trông chờ những chiếc xe tải. Chiếc xe vừa đỗ, bọn trẻ lao ra, nhảy lên xe, bốc xếp gạch như những cửu vạn thực thụ...

Một buổi đi học, một buổi đi bốc gạch, Hà và đám bạn chỉ kiếm được 10-20 nghìn đồng

Một buổi đi học, một buổi đi bốc gạch, Hà và đám bạn chỉ kiếm được 10-20 nghìn đồng


Đi bốc gạch sò lấy tiền mua sách vở...

Bãi sò (loại gạch được đóng bằng đá dăm và xi măng) ngay sát quốc lộ 1 thuộc xã Quỳnh Văn (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) đầy bụi bặm với tiếng máy chạy ầm ĩ suốt ngày. Những đống gạch sò chất cao bên đường, chờ xe tải tới bốc đi. Đoàn quân cửu vạn chia thành từng tốp đứng ngồi bên đường chờ có người gọi. Trong số đó có rất nhiều cửu vạn trẻ con, những đứa trẻ vẫn mang trên mình chiếc áo gió đồng phục mỏng manh.

Lê Thị Hà (lớp 8D, Trường THCS Quỳnh Văn) không ngồi với đám bạn mà lân la trò chuyện với các bác cửu vạn lớn tuổi. Không khẩu trang, chiếc áo đồng phục mỏng manh chẳng khiến cho em đủ ấm. Khuôn mặt Hà luôn cúi xuống nhìn những hình vẽ nguệch ngoạc do mình tạo nên giữa nền đất.

Nhà Hà có 4 chị em, Hà là con cả. Bố mẹ làm nông nghiệp nhưng không đủ nuôi các con ăn học nên cũng đi bốc sò kiếm thêm. Bởi vậy việc Hà đi bốc gạch sò cũng chẳng bị phản đối dù rằng mỗi buổi cô bé chỉ kiểm được từ 10-20 nghìn đồng. “Một buổi cháu đi học, một buổi đi bốc sò. Bữa mô học thêm thì cháu không đi bốc sò nữa. Số tiền kiếm được cháu đưa hết cho bố mẹ để mua sách vở, quần áo. Cháu đi bốc sò cũng được 1 năm rồi”, Hà cho biết.

Với cô học sinh lớp 8 này, đi bốc sò để kiếm tiền mua sách vở, nộp tiền học
Với cô học sinh lớp 8 này, đi bốc sò để kiếm tiền mua sách vở, nộp tiền học

Cậu bé Hồ Văn Quang (lớp 8, Trường THCS Quỳnh Văn) cũng có thâm niên đi bốc sò gần 1 năm. “Thấy các bạn đi thì cháu cũng đi, mỗi buổi cùng kiếm được vài ba chục nghìn đồng. Cháu đưa hết cho mẹ để mua thức ăn hay nộp tiền học. Nhà cháu nghèo lắm, 4 anh em đều đang đi học cả. Bố cháu đi hái cà phê thuê tận Đăk Lăk, mẹ cháu làm ruộng, khi rảnh rỗi cũng đi bốc sò”, Quang cho biết.

Từ xã Quỳnh Xuân, Hồ Thị Duyên (10 tuổi) cùng 2 người bạn đạp xe sang Quỳnh Văn đi bốc sò thuê. 3 đứa trẻ đứng líu ríu vào nhau, găng tay mang sẵn, dáo dác nhìn quanh bãi sò để tìm chiếc xe tải nào đó dừng lại bốc gạch. Duyên kể, nhà ít ruộng, bố mẹ phải đi làm đá trong lèn. Duyên đi bốc sò bữa này là bữa thứ 3. “Lúc sáng em được 8.000 đồng đấy”, Duyên khoe. Số tiền ấy đưa hết cho mẹ à? - tôi hỏi. Cô bé hồn nhiên trả lời: “Không, em góp lại để Tết mua áo mới”.

Có chiếc xe tải đỗ xịch trước đống gạch, Duyên và 2 người bạn của mình chạy tới. Nhìn mấy đứa trẻ lũn cũn, nhỏ thó, anh tài xế lắc đầu. 3 đứa trẻ tiu nghỉu quay trở lại chỗ dựng xe đạp, tiếp tục dõi mắt ra đường chờ chuyến xe khác đến.

“Phu gạch nhí” chuyên nghiệp

Đang nói chuyện dở với tôi, Hà vội vã chạy theo các bác cửu vạn tới một chiếc xe tải vừa đỗ. Nhanh thoăn thoắt, cô bé trèo lên thùng xe, đứng ngay đầu “dây”, nhận nhiệm vụ xếp gạch lên. Đôi bàn tay được bọc trong găng tay nhựa thoăn thoắt đỡ gạch, xếp gạch ngay ngắn thành từng hàng một cách chuyên nghiệp. Thùng xe đầy dần lên, thân hình nhỏ bé của Hà khuất dần sau đống gạch.

“Mấy bữa đầu chưa quen, sò kẹp vào tay, sưng, xây xước hết cả, đau lắm ạ. Giờ thì quen rồi, với lại đi găng tay nữa, vừa đỡ bị đau, lại ấm”, Hà lý giải. Mới đầu buổi chiều nên ít xe tới lấy gạch, bởi vậy có tới 14 người tham gia bốc sò lên chiếc xe có sức chứa 2.000 viên. Tiền công bốc 1.000 viên là 25.000 đồng. Tính ra, mỗi người chỉ được hơn 3.500 đồng. Từ 3h chiều trở đi, xe đến tấp nập, mọi người chia nhau ra làm, dù mệt nhưng thu nhập cũng khá hơn.

Duyên (bên trái, đang học lớp 5) đi bốc sò để có tiền mua áo mới mặc Tết
Duyên (bên trái, đang học lớp 5) đi bốc sò để có tiền mua áo mới mặc Tết

“Đó là tiền công của chủ bãi trả thôi. Thường thì các chú lái xe cho thêm mươi nghìn nữa. Mỗi buổi, may mắn có thể bốc được 7-8 chuyến xe, cũng kiếm được 40.000 đồng”, Nguyễn Đình Ngọc - 16 tuổi cho biết. 16 tuổi nhưng Ngọc nhỏ thó như học sinh lớp 7 và cậu bé cũng có hoàn cảnh đáng thương nhất trong số những đứa trẻ tôi đã gặp ở bãi sò.

Bố mất sớm, 2 mẹ con Ngọc nương tựa vào nhau để sống. Mẹ Ngọc cũng đi bốc sò ở bãi gần đây. Học hết lớp 9 thì Ngọc bỏ ngang và trở thành dân bốc sò chuyên nghiệp. Bãi sò toàn phụ nữ nên Ngọc ra dáng đàn ông lắm, cậu luôn dành phần xếp sò lên xe rồi trèo lên thùng, chằng buộc tấm bạt. Rồi cũng chính cậu nhận tiền từ chủ bãi sò và lái xe, tính toán để chia đều cho từng người. Khuôn mặt đen đúa, bàn tay đầy những vét sẹo nhưng nụ cười lúc nào cũng rạng rỡ trên môi.

Khi chúng tôi đặt vấn đề sử dụng lao động trẻ em là vi pham pháp luật, ông Cao Sỹ - chủ bãi sò cho biết: “Mấy đứa nhỏ nó tự đến làm chứ tôi có thuê đâu. Có xe thì chúng nó bốc sò lên, mình cứ tính tiền theo xe mà trả thôi. Mà nếu đuổi chúng nó đi thì cũng tội, chúng làm cùng với các bác, các dì lớn tuổi hơn nên cũng không đến nỗi vất vả lắm”.

Hỏi, có muốn đi học nữa không? Ngọc chỉ lẳng lặng nhìn ra nơi khác mà không trả lời. Có xe tới, Ngọc lại chạy đi. Hà, Quang, Duyên, Thúy… - những đứa trẻ khác cũng chạy theo. Những đứa trẻ bé xíu, lăn lóc trên bãi sò, bê mỗi lần 2 viên gạch đỡ lên xe, xếp cẩn thận thành từng chồng lên thùng. Trời lạnh nhưng trán chúng lấm tấm mồ hôi.

Vất vả và cực nhọc so với tuổi nhưng đứa trẻ nào cũng thấy vui bởi còn được đi bốc sò nghĩa là Tết này chúng sẽ có cái áo ấm mới hay việc học hành sẽ không bị gián đoạn.

Một số hình ảnh về những cửu vạn nhí tại bãi sò xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu, Nghệ An):

Chờ đợi những chuyến xe tải tới
Chờ đợi những chuyến xe tải tới
Nhưng khi đã vào việc thì hết sức nghiêm túc
 

Nhưng khi đã vào việc thì hết sức nghiêm túc
Nhưng khi đã vào việc thì hết sức nghiêm túc
Hoàng Lam

Hoàng Lam


Hoàng Lam

Hoàng Lam