1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Phú Thọ:

Xôn xao chuyện người dân đào được rễ cây ba kích “khủng”

(Dân trí) - Khi đi vào rừng, ông Nguyễn Văn Phong ở xã Phú Lộc, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ đã phát hiện và đào được một rễ cây có kích thước “khủng” với chiều dài gần 3m, nặng gần 10kg, được tin là rễ cây ba kích.

Ông Nguyễn Văn Phong kể lại: "Vài ngày trước tôi có đi vào khu vực núi rừng thuộc khu 9, xã Phú Lộc để đào ba kích cho con gái làm thuốc. Khi phát hiện, tôi chỉ nghĩ đó là một gốc của cây sắn dây, phải mất cả một buổi mới đào và đưa được bộ rễ “khủng” trên lên khỏi mặt đất".

Theo ông Phong, rễ cây ông đào được là rễ ba kích, thuộc loại ruột tím, vỏ vàng, nặng 9,8 kg và dài gần 3m. Có thể cây ba kích trên đã có tuổi thọ lên đến hàng trăm năm.

Ông Nguyễn Văn Phong bên rễ Ba Kích khổng lồ nặng 10kg do ông đào được trong rừng.
Ông Nguyễn Văn Phong bên rễ nặng gần 10kg mà ông tin là rễ ba kích.

Những người dân địa phương xác nhận, họ cũng thường xuyên vào rừng đào ba kích đem bán nhưng chưa ai đào được rễ ba kích nào to như vậy. Đã có một số người trả giá cao để được sở hữu rễ cây thuốc quý này nhưng ông Phong chưa muốn bán.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Chu Xuân Khoát, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, cho biết, phòng chưa tiếp nhận thông tin về việc người dân phát hiện và đào được rễ cây ba kích "khổng lồ". Qua hình ảnh mà PV Dân trí cung cấp cũng chưa thể khẳng định chính xác đó có phải là cây ba kích hay không. Để xác định cần có sự thẩm định, đánh giá của các nhà chuyên môn và việc xem xét, khảo sát các bộ phận như lá, ruột, thân cây...

“Tại Phú Thọ, đã có nhiều công trình nghiên cứu và đưa cây ba kích vào trồng tại một số xã vùng núi và các vườn thuốc nam. Huyện Phù Ninh có thể có cây ba kích mọc nhưng không phải là vùng phổ biến như một số huyện Tân Sơn, Thanh Sơn. Rễ cây ba kích được phát hiện trong vùng thường cũng chỉ to bằng ngón tay trỏ, chưa bao giờ nặng đến vài cân, mặc dù chiều dài có thể có đến 3m" - ông Khoát cho biết.

Theo một số tài liệu y học thì ba kích thuộc loại cây thảo, sống lâu năm, leo bằng thân quấn. Thân non mầu tím, có lông, phía sau nhẵn. Ba kích còn có tên khoa học là Morinda officinalis stow thuộc họ cà phê. Một số vùng còn gọi là Dây ruột già, Chẩu phóng xì (Quảng Ninh), Sáy cáy (Thái), Thao tày cáy (Tày), Ba kích thiên (Trung Quốc).

Ba Kích mọc hoang, phân bố nhiều ở vùng đồi núi thấp của miền núi và trung du ở các tỉnh phía Bắc như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Bắc, Lạng Sơn, Hà Giang, Hà Tây. Theo quan niệm dân gian, rễ ba kích dùng để ngâm rượu nhằm tráng dương, bổ thận, tăng sinh lực, sức khỏe cho con người.

Q. Cường