Xóm “ung thư” - xóm trọ khốn cùng giữa Sài Gòn

(Dân trí) - Nằm nép mình bên gốc cây lớn và dọc hành lang phía sau Bệnh viện Ung bướu là nơi ở tạm bợ của những người mắc căn bệnh ung thư quái ác. Cùng chung cảnh ngộ nên họ chia sẻ, nương tựa vào nhau cùng sống lay lắt qua ngày.

Xóm trọ ung thư của những người nghèo khổ, mắc căn bệnh quái ác
Xóm trọ "ung thư" của những người nghèo khổ, mắc căn bệnh quái ác

Ở xóm trọ “ung thư” có người đã sống cảnh tạm bợ này cả năm, cũng có người chỉ mới sống vài ba tháng nhưng tất cả đều chung một cảnh ngộ nghèo khổ và bị căn bệnh ung thư quái ác hạnh hạ.

Bà Bùi Thị Rặt (46 tuổi, quê Bến Tre) bị ung thư tử cung giai đoạn cuối cho biết: “Tôi lên đây chữa bệnh đã được hơn 5 tháng, do nhà nghèo không đủ tiền thuê phòng trọ nên đành phải ở xóm trọ tự phát này. Lúc đầu ở thấy bất tiện cho việc sinh hoạt vì mình là phụ nữ nhưng dần dần cũng quen. Ở đây nắng thì có thể trùm mền nằm chứ mưa là phải đi vào khu nhà vệ sinh trú tạm”.

Bà Rặt với những nỗi niềm về căn bệnh hiểm nghèo của mình
Bà Rặt với những nỗi niềm về căn bệnh hiểm nghèo của mình

“Tôi nằm đây chờ đến lượt xạ trị thì đi xạ trị chứ không đi đâu. Cuối tuần nghỉ xạ trị muốn về quê nhưng không có tiền nên đành chịu. Ở đây không tốn tiền nhà trọ, ăn uống cứ đến bữa lại có người phát cơm từ thiện nên cũng đỡ tốn kém. Nếu không có xóm trọ tự phát này và không có cơm nước từ thiện không biết những người nghèo như chúng tôi sẽ ra sao” – Bà rặt tâm sự.

Bà Rặt rưng rưng nước mắt kể: “Tôi ở dưới quê đi làm thuê ngày được mấy chục ngàn/ngày nhưng từ khi bệnh đến giờ đành phải nghỉ việc lên đây chữa bệnh. Số tiền gần 50 triệu chữa bệnh cũng phải đi vay mượn bà con hàng xóm và bán hết đồ đạc trong gia đình rồi. Những tháng ngày tiếp theo nghe bác sĩ nói cũng phải vài chục triệu nữa không biết sao bây giờ. Nhiều khi nghĩ chỉ muốn chết cho khỏi khổ chồng con nhưng thấy ở đây nhiều người còn cực khổ hơn mình mà họ vẫn cố sống từng ngày nên lại thôi. Cứ đêm đến hầu như ai ở đây cũng ngồi tâm sự với nhau rồi khóc vì số phận quá nghèo khổ”.

Bữa cơm bên gốc cây của người nhà bệnh nhân 
Bữa cơm bên gốc cây của người nhà bệnh nhân 

Nằm chung với bà Rặt là bà Nguyễn Thị Nga (43 tuổi, quê An Giang) cũng bị ung thư vú giai đoạn cuối. Do xạ trị quá nhiều nên tóc bà đã rụng hết, đôi mắt đượm buồn bà cho hay: “Tôi ở đây cũng được gần một năm rồi, xạ trị hết đợt này đến đợt khác mà không thuyên giảm. Thôi trời cho sống ngày nào hay ngày đó vậy. Gia đình tôi ở dưới quê nghèo nên phải bán hết tài sản, nhà cửa lấy tiền đi chữa bệnh mà cũng không đủ. Giờ nợ nần chồng chất mà bác sĩ bảo lại sắp phải đóng tiền để xạ trị tiếp. Không biết đến bao giờ mới hết bệnh để về nhà với con cháu”.

Từ khi lên chữa bệnh, bà Nga chưa một lần dám về nhà vì tiết kiệm chi phí. Những ngày đầu lên chữa bệnh, bà Nga tỏ ra khá mặc cảm, tách biệt với xung quanh nhưng rồi cuộc sống cùng cảnh ngộ đã giúp bà hòa nhập, chia sẻ với những mảnh đời cùng chung số phận.

Trải qua nhiều lần xạ trị, tóc bà Nga đã rụng hết
Trải qua nhiều lần xạ trị, tóc bà Nga đã rụng hết

“Do không biết chữ nên mọi thủ tục nhập viện, xạ trị ở đây đều do mọi người xung quanh giúp đỡ. Nghĩ nhiều lúc thấy thương những người ở đây như người trong gia đình vậy. Ai được cho đồ ăn ngon gì cũng đều chia cho nhau ăn. Hễ ai đau quá cũng có người nằm bên cạnh xoa bóp và chia sẻ cho cách để hết cơn đau. Nếu không có những người cùng cảnh ngộ như ở đây và đùm bọc tôi chắc tôi chết từ lâu rồi” – Bà Nga chia sẻ.

Không chỉ có bà Rặt, bà Nga, nơi xóm trọ này còn hàng trăm người đến từ các vùng miền khác nhau cùng chống chọi với đủ căn bệnh ung thư quái ác. Vì nghèo khó nên họ đành phải chọn cảnh sống tạm bợ quanh bệnh viện để sống qua ngày. Dù không biết sống được bao lâu và ngày mai sẽ ra sao nhưng họ luôn đùm bọc, giúp đỡ nhau sống những ngày tháng cuối đời đầy tình người. 

Ở cái xóm trọ khốn cùng ấy, rất hiếm hoi có nổi một niềm vui le lói. Thời gian trôi qua mỗi lần xạ trị...

Xuân Hinh – Trung Kiên