1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Xóm lồng đèn hiu hắt mùa Trung thu

(Dân trí) - Con đường nhỏ vào Giáo xứ Phú Bình (TPHCM) năm nay không còn ngập chìm trong sắc đỏ của những chiếc lồng đèn truyền thống. Làng nghề lồng đèn vang danh một thời, giờ phải đối diện với nguy cơ mai một...

Nhớ một thuở đèn lồng

 

Bao năm qua, dù đã không ít lần thay đổi, chia cắt về mặt hành chính nhưng người ta vẫn quen gọi xóm nhỏ nằm giữa lòng thành phố mang tên Bác (phường 5, quận 11) bằng cái tên Phú Bình quen thuộc. Đơn giản vì địa danh đó gắn bó với một sản phẩm truyền thống, đã nổi tiếng trên mọi miền đất nước: lồng đèn Phú Bình.

 

Hàng chục năm nay, xóm lồng đèn Phú Bình luôn là nơi cung cấp lồng đèn lớn nhất cho TPHCM, ĐBSCL và các tỉnh miền Trung.

 

Ông Nguyễn Văn Đoàn, 78 tuổi, một nghệ nhân của xóm lồng đèn Phú Bình, cho biết: “Hầu hết những nhà làm lồng đèn trong xóm này là đồng hương của nhau, quê ở Nam Định di cư vào đây từ những năm 50 của thế kỷ trước. Vốn có nghề truyền thống làm lồng đèn nên bọn tôi quyết định lấy đó làm nghề mưu sinh nơi đất khách. Vậy là  tụ tập về đất Phú Bình này, nương tựa vào nhau sống  bằng nghề của cha ông…”. Xóm lồng đèn Phú Bình ra đời từ đó, góp thêm sắc màu cho vùng đất Sài Gòn.

 

Khoảng chục năm trở về trước, cả xóm Phú Bình sống rộng rãi bằng nghề làm lồng đèn. Nhà nào làm đông khách thì bắt tay làm từ đầu tháng Giêng, ít thì đợi đến tháng ba, tháng tư. Phần lớn các khâu lên khuôn, dán giấy bóng kính phải hoàn thiện trước tháng Bảy để còn kịp tung ra thị trường dịp Rằm Trung thu.

 

Tháng Bảy, xóm lồng đèn Phú Bình rực rỡ trong sắc thắm của những chùm đèn treo lơ lửng đợi chờ. Sau thời gian “quá cảnh” ở Chợ Lớn, những chiếc đèn lồng mang đậm phong cách dân gian như ông sao, cá chép, bươm bướm... sẽ tỏa đi khắp mọi nơi, chắp cánh cho niềm vui của các em trong đêm hội trăng rằm. 

 

Chật vật giữ nghề

 

Những người làm lồng đèn ở Phú Bình không thể nào quên mùa Trung thu năm 1995, năm đầu tiên đèn Trung Quốc xuất hiện. Đèn điện tử Trung Quốc hấp dẫn trẻ em bằng những mẫu mã lạ mắt, nhiều tính năng ngộ nghĩnh, sinh động như phát nhạc, chớp đèn, phun hạt cườm… mà giá cả cũng rất phải chăng.

 

Đối mặt với một “đối thủ” có sức cạnh tranh quá mạnh, đèn lồng Phú Bình thua thảm thương. Lần lượt các hộ làm nghề kiếm kế sinh nhai khác, đồ nghề thân thuộc bao lâu nay đành xếp một bên làm kỷ niệm. Những nhà còn vương vấn với nghề cha ông cũng không còn xem đây là nghề chính. Làm lồng đèn trở thành nghề thời vụ, chỉ rộ lên vào những tháng cận Tết Trung thu.

 

 

Xóm lồng đèn hiu hắt mùa Trung thu  - 1

Mẫu đèn heo vàng được ưa chuộng trong năm nay.

Năm nay, không khí đèn lồng ở xóm Phú Bình càng buồn hơn vì giá nguyên vật liệu làm lồng đèn đều đang tăng giá. Cả xóm chỉ còn vỏn vẹn không quá mười nhà còn bám víu với nghề truyền thống. Số lượng lồng đèn Phú Bình được sản xuất trong năm nay cũng giảm đáng kể.

 

Cô Nguyễn Thị Hoa, một nghệ nhân chuyên làm lồng đèn loại lớn, cho biết: “Mùa Trung thu năm nay, nhà tôi chỉ làm hai ngàn cái, bằng một nửa năm trước. Lồng đèn giấy kiếng bây giờ không còn bán chạy như ngày xưa, vốn bỏ ra làm đèn lại cao nên không mấy người còn mặn mà với nghề này nữa”.

 

Không còn cái cảnh “nhà nhà làm lồng đèn, người người làm lồng đèn” như những ngày hoàng kim, người tham gia làm lồng đèn ở Phú Bình bây giờ chỉ là những lao động phụ trong gia đình, hoặc là người có thời gian nhàn rỗi, vì thế nên sản phẩm cũng không sắc nét như ngày nào.

 

Như nhà ông Đoàn, chỉ còn hai ông bà - đều đã gần tám mươi tuổi - làm lồng đèn; con cái trong nhà đều mưu sinh bằng nghề khác. Thi thoảng có những đứa trẻ phụ mẹ sau thời gian đến trường.

 

Năm nay, lồng đèn Phú Bình vắng bóng những loại đèn khó, phức tạp, đậm chất dân gian và đã từng là niềm tự hào của Phú Bình một thời, như đèn kéo quân, đèn cù... Màu sắc dân gian cũng mai một dần, khi vì miếng cơm manh áo, vì sự thay đổi của thị trường, nghệ nhân Phú Bình phải đầu tư cho những chiếc đèn lồng hợp thời, như đèn heo vàng, người nhện...

 

Đức Nguyễn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm