1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Xóm không chồng đón Tết

Đang chơi tha thẩn đầu ngõ, thấy có người đến, Long lao vào nhà hét: "Mẹ ơi có khách". Chị Huệ bỏ bó lá dong đang rửa đứng lên đón khách với cái gật đầu và nụ cười mà như không phải cười, vô số nếp nhăn hằn sâu trên khuôn mặt chỉ hơi giãn ra, rồi lập tức rúm lại.

"Xóm không chồng" gồm những nóc nhà lúp xúp, nằm rìa một làng quê nghèo ven sông Cà Lồ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Theo chị Hoàng Thị Huyền, Chi hội trưởng phụ nữ thôn, gần 30 "hộ" của xóm là ngần ấy hoàn cảnh cuộc đời với những éo le trắc trở khác nhau. Có người vì chồng đánh đập không sống được phải chia tay, có người vì lý do nào đó mà quá lứa lỡ thì phải kiếm một đứa con thỏa nỗi khát khao làm mẹ.

Ngày 27 Tết, trong khi những hộ dân giữa làng đang tíu tít chuẩn bị gói bánh chưng, phòng khách của nhiều nhà đã đỏ rực hoa đào hay phấp phới cánh mai vàng thì "xóm không chồng" vẫn vắng lặng như ngày thường. Đã qua giờ Ngọ, nhưng đa số chị em còn bận ở ngoài đồng hoặc đi đổ thuê bêtông ở cách đó vài chục km chưa về. Chị Huyền cho biết, phải đến 8h-9h tối thì mọi người mới đi làm về hết.

Người phụ nữ đầu tiên chị Huyền giới thiệu là chị Nguyễn Thị Hạnh. Mới đến đầu ngõ, một thằng bé mặt đen nhẻm đang tha thẩn chơi một mình ù té chạy vào trong nhà hét: "Mẹ ơi có khách". Người phụ nữ ngoài 40 tuổi bỏ bó lá dong đang rửa ở bờ giếng ra đón khách. Sau cái gật đầu, chị thoăn thoắt đi trước dẫn khách vào căn nhà cấp 4 lợp ngói xi măng thấp tè, mà chị dành dụm trong nhiều năm mới xây được.

Trong căn phòng nền đất rộng khoảng gần 20 m2, ngoài bồ thóc đã cạn đến đáy ở góc nhà và chiếc giường cũ kỹ phát ra tiếng kêu kẽo kẹt, chẳng còn thứ gì khác đáng giá. Không có bàn ghế, chiếc giường của chị trở thành bàn tiếp khách.

Đã 27 Tết, nhưng ngoài bó lá dong chị đang rửa ngoài giếng và giá gạo nếp nhỏ để giữa nhà, thì chưa có một chút gì gọi là "không khí Tết". Như hiểu được suy nghĩ của khách, chị Hạnh tủi thân: "Năm nay còn có tiền mà mua hơn cân gạo nếp, ít đỗ, vài miếng thịt để gói bánh chưng, chứ mọi năm làm gì có...".

Cũng như bao cô gái khác, đến tuổi cặp kê, chị Hạnh cũng đã thương yêu một người con trai cùng xóm. Kết tinh tình yêu của anh chị là lễ kết hôn với đủ mặt bạn bè làng xóm. Sống với nhau được 2 năm, chồng chị bắt đầu nảy sinh nhiều thói hư tật xấu. Sau những lần rượu chè cờ bạc thâu đêm suốt sáng bao giờ cũng là những trận đòn khủng khiếp với như đòn làm chị thâm tím mặt mày hàng tuần. Cuối cùng không chịu đựng nổi, chị phải chia tay người chồng đó.

Sau này, cũng có nhiều đám "ngấp nghé", nhưng nhớ lại những trận đòn khủng khiếp của người chồng trước, chị đành khép mình lại không dám đi bước nữa. Không muốn lấy chồng, chị Hạnh đành đi "xin" đứa con để nuôi cho vui cửa vui nhà. Khi thằng Long chào đời, chị dọn ra "xóm không chồng" ở với những chị em khác.

Được sự giúp đỡ của gia đình, cuộc sống của Bích đỡ vất vả hơn chị Hạnh. Mới ra "ở riêng" được hơn 1 năm, Bích đã xây được gian nhà cấp 4 và một số đồ dùng thiết yếu như bàn ghế, giường, tủ... Trên ban thờ nhà Bích đã thấy bày biện 2 hộp mứt, mấy gói kẹo và hộp chè.

"Em mới ra ở xóm này được Tết trước và Tết này. Tết trước, có gia đình cho nên em cũng đủ cả bánh chưng, mứt, kẹo. Cậu em trai lại còn mua cho một cành đào nhỏ để cắm, nên cũng đỡ tủi thân...", Bích tâm sự.

Trong một lần đi chợ, xe đạp của Bích bị hỏng, cô dắt vào hàng sửa xe của một người đàn ông ở đầu làng để chữa. Chú sửa xe ôm lấy Bích âu yếm khiến cô bé không còn khả năng kháng cự. Sau lần đó thì cô mang thai. Với cái lắc đầu ngán ngẩm của bố mẹ và các anh chị, Bích phải ẵm con ra xóm không chồng "nhập hộ khẩu".

Còn cuộc đời của chị Thanh thì bi kịch hơn. 48 xuân xanh thì chị đã phải trải 24 năm sống trong cơ cực của cảnh vừa làm mẹ, vừa làm bố nuôi dạy 2 con. Những lúc nhà dột, bóng đèn bị cháy, chị phải "vào vai" người chồng để dọi nóc, chữa điện, thay bóng đèn.

"Tết năm đầu tiên mình ra đây ở, trèo lên thang định dui lại cái mái cho đỡ dột, bị ngã xuống đất đau điếng, tủi thân chỉ còn biết bưng mặt ngồi khóc. Dần dà, cũng chẳng còn nước mắt để mà khóc. Điện vẫn chập, nhà vẫn dột mà chẳng có ai làm thay, mình vẫn phải làm tất, lâu dần thành quen", chị nói tỉnh queo.

Chán ngán với chuyện yêu đương, tình duyên trắc trở, chị Thanh quyết tâm "kiếm" một đứa con để còn nương tựa lúc về già. Chị đặt vấn đề rất thẳng thắn với một thanh niên ở Bắc Ninh kém chị đến gần 10 tuổi là tặng chị đứa con, chị sẽ không quấy rầy làm ảnh hưởng đến gia đình của cậu ta.

Và vì thế thằng cu Tâm cất tiếng khóc oe oe chào đời năm 1983. Sau đó 5 năm, tình cũ không rủ mà đến, anh người yêu đầu tiên của chị quay lại, và... đứa con thứ 2 là cái Hương ra đời. Khi biết chị có bầu, anh ta lại cao chạy xa bay.

Cuộc sống của chị đỡ vất vả hơn rất nhiều vì thằng Tâm đã lớn khôn, cưới vợ và đi làm kiếm tiền giúp chị. Giờ chị chỉ việc ngồi nhà trông giúp con cho vợ chồng nó đi làm kiếm tiền. Chị chỉ cành đào khá đẹp ở giữa nhà khoe đó là của thằng Tâm mới mua hôm qua những 150.000 đồng. Ngoài sân, nồi bánh chưng đang sôi thoang thoảng tỏa hương vị của Tết vào gian nhà nhỏ ấm cúng.

"Nhớ lại hồi mình chửa con Hương đến tháng thứ 7, người yếu không thể đi làm thuê được nữa, mấy tháng liền mình với thằng Tâm mỗi ngày chỉ có mấy củ khoai lang ăn cầm hơi. Cực khổ, tủi nhục, mình chỉ muốn chết đi cho xong. Nhưng cứ nghĩ đến thằng Tâm và đứa con trong bụng, mình lại cố sống...", chị Thanh rưng rưng nước mắt.

Mỗi người mỗi hoàn cảnh, nhưng chị em ở xóm không chồng thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Quanh năm vất vả tất bật, Tết đến, chị em mới có dịp quây quần bên nhau, dành tình thương chăm sóc con cái. Cả xóm gần 30 nóc nhà thì chỉ có 5 cái tivi. Tối đến là khoảng thời gian đầm ấm nhất của các bà mẹ lẫn lũ nhỏ. Họ góp bánh trái, mứt tết, ai có gì góp đấy, tập trung ở những nhà có tivi cùng ăn, cùng xem, rồi tranh thủ tâm sự hoặc "buôn" những chuyện họ "nhặt" được trong khi đi làm thuê làm mướn.

Tia nắng ban mai đầu tiên ngày 28 Tết đã lại lung linh nhảy nhót trên mái nhà, làm rạng lên một chút màu xám xịt của mái ngói xi măng "xóm không chồng". Dù còn nhiều khó khăn, nhưng trong ánh mắt của những người phụ nữ nơi đây cũng ánh lên một niềm tin vào tương lai tươi sáng về những đứa con thân yêu của họ.

Theo Hà Thành
VnExpress

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm