Thanh Hóa:
Xóm chạy thận mơ một cái Tết sum vầy
(Dân trí) - Những ngày cuối năm, khi ngoài kia hối hả chuẩn bị đón Tết, mọi người về quê đoàn tụ thì xóm nghèo chạy thận ở gần Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa vẫn âm thầm chiến đấu với căn bệnh nan y. Họ nhớ về mâm cơm đoàn viên, ao ước được đón một cái Tết trọn vẹn bên gia đình mà nước mắt rưng rưng.
“Gia đình” đặc biệt
Xóm chạy thận nhỏ bé nằm len lỏi, khuất sau sự hào nhoáng, vội vã của thành phố, của những ngôi nhà cao tầng sang trọng. Mỗi người một hoàn cảnh, một quê hương, nhưng căn bệnh suy thận đã kéo họ xích lại gần nhau và cùng quây quần trong một xóm nhỏ thuộc ngõ 252, đường Hải Thượng Lãn Ông (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) như một gia đình.
Ghé đến đây vào một ngày cuối năm, khi cái Tết đã cận kề, cái không khí tất bật, hối hả của ngày Tết đã nằm lại ngoài phố; trong xóm nghèo chỉ có những bệnh nhân chạy thận lặng lẽ chờ đợi. Họ mong chờ những đứa con, đứa cháu tới thăm mang theo quà tết, mong chờ được xếp lịch chạy thận không trùng vào những ngày Tết để có thể về quê 1 ngày thắp lên bàn thờ ông bà tiên tổ nén hương…
Xóm có hơn 10 phòng thì tới 8 phòng có bệnh nhân suy thận nặng, phải lọc máu liên tục để kéo dài sự sống. Mỗi phòng trọ chỉ khoảng 8m2, tồi tàn, ẩm thấp. Trong số những bệnh nhân chạy thận có ít người được người nhà ở bên cạnh chăm sóc, đa số đành phải nương tựa vào nhau để chống chọi với bệnh tật. Người còn khỏe chăm sóc người yếu hơn, cũng có khi phải nhờ đến hàng xóm, láng giềng nơi đây.
Mai Văn Thành, 28 tuổi (xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Lộc) đã có “thâm niên” 10 năm chạy thận. Bệnh tật đã lấy đi cả thanh xuân của chàng trai này. Với Thành, xóm trọ này chính là nhà và những bệnh nhân ở đây như là người thân trong gia đình.
Ông Lê Hồng Ý (ở Thọ Bình, Triệu Sơn) cũng đã có tới 4 năm chạy thận và gắn bó với xóm trọ. Trong căn phòng người đàn ông này, chỉ có 1 chiếc bếp ga mi ni, vài cái nồi hoen gỉ.
Vừa pha bát mì tôm ăn tạm, ông Ý tâm sự rằng, cuộc sống khó khăn nên bữa ăn bữa không. Vợ ông Ý mất từ năm 2014, 1 năm sau ngày vợ mất thì ông cũng lâm bệnh. Nhà có 4 cô con gái thì lấy chồng cả, điều kiện hoàn cảnh khó khăn nhưng cũng cố gắng gom góp để mỗi tháng bố có vài triệu trả tiền thuê phòng và thuốc men.
“Cuộc sống như tầm gửi ấy cô ạ, bám riết vào máy móc, bác sĩ, con cái. Mở mắt ra thấy mình còn sống thì vui nhưng nhiều lúc chán cảnh sống này mà rồi lại mong chết quách cho xong” – ông Ý thở dài.
Mặc cho bên ngoài ồn ào, một người đàn ông gầy gò vẫn bình thản ngồi trên giường. Đó là ông Lang Văn Bắc, 70 tuổi, trú tại xã Bát Mọt (Thường Xuân). Ông chia sẻ: “Lúc mới bệnh, tôi cứ sợ không sống nổi vì bi quan và mặc cảm. Nhưng giờ tới đây, ai cũng như ai, đều gắn đời mình với chiếc máy chạy thận, trải qua những năm tháng còn lại của cuộc đời ở nơi không phải là nhà. Nỗi nhớ cùng sự mặc cảm ngắn đi nhiều vì có những người chung cảnh ngộ sớm tối bên nhau, san sớt buồn vui và nỗi đau bệnh tật”.
Mỗi khi chạy thận về, mọi người lại tụ tập nói chuyện, kể cho nhau nghe những câu chuyện của đời, của người rồi của chính mình... Trong những câu chuyện đó, có những lời hỏi thăm, quan tâm, động viên, có sự sẻ chia khó nhọc hằng ngày, giống như cha mẹ chăm lo cho con cái, giống như những người anh, người chị tưởng như đã gắn bó từ lâu.
Ước mơ đón một cái Tết trọn vẹn!
Mai Văn Thành kể Thành chỉ mong ước được một lần đón tết trọn vẹn cùng gia đình như trước khi anh chưa mắc bệnh.
“11 năm qua, mình chưa từng có được cái Tết nào trọn vẹn. Đến 29 Tết mới bắt xe về quê. Về được 2 ngày thì lại bắt xe xuống thành phố cho kịp lịch chạy thận. Mình chỉ ước có được một lần đón Tết trọn vẹn cùng gia đình, nhưng với mình bây giờ điều đó thật xa vời” – Thành nói.
Vài năm trở lại đây, Thành không về nhà đón giao thừa nữa, việc đón cái Tết bên những người thân ở xóm chạy thận đã trở thành thói quen. Hỏi về ước mơ, anh chẳng biết mình ước mơ điều gì nữa khi mà sức khỏe cứ sút đi từng ngày.
Còn vợ chồng ông Bắc thì Tết đã từ lâu không còn là khái niệm khiến ông khắc khoải. 3 năm nay, bà đưa ông xuống đây và 2 ông bà gắn bó với nơi đây như nhà mình. Từ nhà ông đến bệnh viện xa cả trăm km, bởi thế mấy năm trở lại đây ông bà đều đón giao thừa ở nơi này.
“Già bằng này tuổi rồi, chỉ mong được đón Tết ở căn nhà nơi có bàn thờ tổ tiên. Ngày 30 Tết thắp lên bàn thờ nén hương vậy là mãn nguyện. Nhưng điều đó đã lâu trở nên xa xỉ với chúng tôi quá rồi” – ông Bắc buồn rầu.
“2 năm nay tôi ở lại ăn Tết ở xóm trọ luôn. Bởi có về cũng chỉ ở nhà được hơn một ngày, chưa kịp nghỉ ngơi đã lại phải khăn gói lên đường, vì chậm lịch lọc máu là nhiễm độc nguy hiểm tới tính mạng. Biết là buồn và rất sốt ruột nhưng vì bệnh tật nên phải chịu đựng. Bệnh nhân chạy thận chúng tôi đủ mọi khó khăn bao vây, nên cứ ổn định mà điều trị được đã là may mắn lắm” - Vợ ông Bắc chia sẻ.
Chia tay xóm chạy thận, chúng tôi ra về trong lòng bộn bề những suy nghĩ, lại một năm nữa những số phận không may mắn đó phải đón tết xa nhà...
Bình Minh