“Xóm bập bềnh” trên sông Sài Gòn
Thuyền là nhà, tấm lưới chài là tài sản, quanh năm sống cùng con nước lớn nước ròng, với họ, mái nhà trên bờ là một ước mơ xa xôi đến mức có khi cả đời này vẫn không thể có được.
Bà Niệm nhóm bếp nấu bữa cơm chiều trên thuyền |
Xóm chài Bình Lợi nằm dưới chân cầu Bình Lợi (quận Bình Thạnh, TP.HCM) giờ chỉ còn ba gia đình theo nghề chài cá. Trong số đó có gia đình anh Nguyễn Ngọc Ái (43 tuổi, quê ở Việt Trì), đã có khoảng thời gian 17 năm sống tại xóm chài này. Chỉ với một nghề chài cá, anh Ái nuôi cả gia đình 4 người gồm mẹ già là bà Ngô Thị Niệm (80 tuổi), vợ là chị Nguyễn Thị Nhung và con trai tên Nguyễn Tiến Đạt.
Chúng tôi đến xóm chài vào một buổi chiều mưa dầm, mái nhà che mưa của gia đình anh Ái là hai chiếc thuyền mắc cạn đã mục nát, che chắn tứ bề, ngày nắng thì oi bức, ngày mưa thì dột ướt. Gặp bà Niệm đang loay hoay nhóm bếp nấu cơm chiều trên thuyền lớn, bà cho biết, ngày trước thuyền còn tốt, cả nhà neo thuyền trên sông, trôi nổi quanh năm kiếm cái ăn bằng nghề chài cá. Mấy năm nay, thuyền hư nên phải cặp bờ mà cũng không có tiền sửa chữa. Có hôm trời mưa to, cả nhà phải thức để tát nước mưa, cả thuyền ướt hết, không còn chỗ ngủ.
Mái nhà mục nát của vợ chồng anh Ái |
Vừa kết thúc chuyến đi chài lưới về, anh Ái cho biết: “Mấy năm trước nguồn nước chưa ô nhiễm, mỗi ngày bắt được 5 – 7kg. Còn bây giờ, một ngày chài 2 - 3kg cá là cùng. Cá rô được 30.000 đồng/kg, cá trê, rô phi thì rẻ hơn. Làm suốt năm không dám nghỉ ngày nào cô chú ạ, nghỉ thì tiền đâu đong gạo. Nếu một con nước không có cá thì phải đi hai ba con nước”.
Từ độ tháng 6 - 7 trở đi, không có cá nhiều. Chỉ khoảng thời gian từ Noel đến Tết thì cá mới về nhiều trên sông. Nói là nhiều nhưng mớ cá bắt được mỗi ngày cũng chỉ đủ chạy ăn từng bữa cho bốn miệng người. May nhờ hàng xóm thương tình, trả giúp tiền điện nước mấy năm nay. Dạo trước có người đến cho cái bếp gas. Đến hôm nay bình gas đã dùng hết từ lâu rồi mà vẫn chưa có tiền để thay gas mới.
Cậu bé ngày ngày theo cha đánh cá |
Chạy ăn ba bữa đã khó, mấy năm nay, bà cụ Niệm lại trở bệnh của tuổi già, đau ngực và tay chân. Đi khám bác sĩ tư nhưng chưa tìm ra bệnh, mua thuốc về uống cũng không khỏi. Mỗi ngày, bà tiếp tục chịu những cơn đau với vài viên thuốc cầm cự, ngày có ngày không.
Vợ anh Ái đi bán bàn chải đánh răng, miếng chùi xoong, mấy ngày nay cũng sinh bệnh đau phong thấp mà không khám bác sĩ, chỉ tìm thầy cắt lể. Anh Ái, lao động chính trong gia đình cũng đang bị chứng đau xương bả vai do quăng kéo lưới nặng nhiều năm nay. Người nghèo thường xem thường bệnh tật, mỗi ngày hai cha con vẫn rong ruổi trên sông Sài Gòn để tìm cái ăn cho gia đình.
Anh Ái (phải) mấy năm nay đã trở bệnh đau bả vai do kéo lưới nặng mà vẫn không có tiền thuốc thang |
Có lần, anh Ái lưới được một cái xác trôi sông. Anh kể: “Lần đó tôi vừa hốt hoảng vừa sợ, định bỏ mặc nhưng cũng thấy tội nên vớt lên bờ. Công an tới nhận diện thì ra là một tên tù trốn trại. Những năm sau đó, thỉnh thoảng xác người chết cứ hay mắc lưới. Riết cũng quen”.
Khổ nỗi, cứ hễ mắc phải người chết là tấm lưới của anh lại bị mục nát, phải mua thêm lưới vá lại. Một lần khác, anh vớt được người mẹ buộc con vào bụng mình cùng nhảy cầu Bình Lợi tự tử. Đứa con mới 6 – 7 tháng. Anh tâm sự: “Thấy mình đã khổ mà có người còn khổ hơn mình, đến nỗi phải tìm đến cái chết”.
Mong ước của anh giản dị lắm, chỉ mong có một miếng đất cắm cái chòi nhỏ cho bà cụ có chỗ nghỉ ngơi trong những ngày tháng tuổi già. “Nghe nói họ đang chuẩn bị xây bờ kè ở khúc sông này. Tới chừng đó, chắc họ không cho ở đây nữa!”. Còn đi đâu, làm gì thì anh chỉ nhìn ra xa ngoài sông, nói khẽ: “Không biết, đến lúc đó rồi tính”.
Thuyền thứ hai chúng tôi ghé thăm là gia đình “ông lão vớt xác”. Nguyễn Văn Chúc là tên thật của ông, nhưng nhiều người biết đến ông với biệt danh “ông già vớt xác”. Bởi đã gần 40 năm nay, ông cùng vợ là bà Nguyễn Thị Hinh đã làm công việc này, chỉ với chiếc thuyền nhỏ neo bập bềnh cạnh chân cầu Bình Lợi.
Vợ chồng ông Chúc neo đậu tại bến sông này mấy chục năm nay với nghề chài lưới và cứu người trên sông Sài Gòn |
Công việc ngày thường của ông là đánh bắt cá trên sông. Cũng như anh Ái, việc chài cá của ông Chúc đang trở nên khó khăn do nguồn cá tôm đang ít dần. Ông kể: “Trước kia nơi đây có đến hàng trăm ghe, đậu kín cả khúc sông như một khu làng nổi. Nhưng rồi cá tôm mỗi ngày một ít, họ đã chuyển đi nơi khác làm ăn. Chúng tôi là những người dân chài cuối cùng trên khúc sông này”.
Khá hơn anh Ái, ông Chúc có cái thuyền máy. Mỗi ngày, vợ chồng ông phải chạy thuyền hàng chục cây số trên sông để đánh bắt cá. Ngày nhiều cá thì đỡ, ngày ít cá chỉ kiếm được hai ba chục ngàn. Nhờ cái, năm đứa con đều đã lớn, đi làm có đồng ra đồng vô nên cũng đỡ khổ.
Trong ngần ấy thời gian, ông Chúc cũng không nhớ nổi đã có bao nhiêu sinh mạng được cứu sống, bao nhiêu thi thể được vớt lên khỏi dòng nước lạnh. Chỉ biết rằng “mỗi năm nơi đây có khoảng 10 người tìm đến cái chết” trong đó cứ 10 người rơi xuống thì ông cứu được khoảng 5 người.
Ông Chúc với chiếc thuyền máy chuyên cứu người tại cầu Bình Lợi |
Bà Hinh cho biết, vài năm trước có một thanh niên quê Nghệ An, trong khi tu sửa cầu đã bị rơi xuống lòng sông, được ông bà cứu sống, người thanh niên này đã xuống thuyền xin nhận ông bà làm cha mẹ. “Từ đó đến nay cứ mấy ngày nó lại gọi điện hỏi thăm cô chú, nó cũng nói ba mẹ có cần tiền thì cứ gọi cho con… Nhưng mình đâu nghĩ đến việc đó, biết nó nhớ tới mình là vui rồi”.
Chài lưới ngày một khó khăn nhưng ông Chúc vẫn tiếp tục neo đậu tại đây để được tiếp tục làm công việc vớt xác cho đến cuối đời. Ông quan niệm: “Mình nghèo, không có cái gì để lại cho con. Thôi thì tranh thủ tích chút đức cho con cái sau này”.