TPHCM:

Xóa các “điểm đen” tai nạn giao thông

(Dân trí) - Ban giám đốc Công an TPHCM vừa chỉ đạo Phòng CSGT đường sắt – đường bộ, Công an các quận, huyện rà soát các “điểm đen” về tai nạn để triển khai phương án khắc phục nhằm kéo giảm tai nạn giao thông.

Lực lượng CSGT sẽ đồng loạt ra quân xử lý vi phạm nhằm kéo giải tai nạn giao thông 
Lực lượng CSGT sẽ đồng loạt ra quân xử lý vi phạm nhằm kéo giải tai nạn giao thông 

Ngày 25/4, Công an TP.HCM đã triển khai đợt cao điểm phòng ngừa tai nạn giao thông tại các “điểm đen” ở TP.HCM, chống ùn tắc giao thông nhằm góp phần làm giảm số người thiệt mạng, bị thương do tai nạn giao thông. Theo kế hoạch, đợt cao điểm này bắt đầu từ ngày 25/4 đến 25/7/2014, tập trung tại những điểm đen về tai nạn giao thông. Các lực lượng được tổ chức đồng loạt tại 3 tuyến cửa ngõ ra vào thành phố, trong đó hướng Tây Nam bao gồm quận Bình Tân và huyện Bình Chánh, hướng Tây Bắc bao gồm huyện Củ Chi, Hóc Môn và quận 12, hướng Đông Bắc bao gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức.

Đây là 8 quận huyện có nhiều phương tiện từ các tỉnh ra vào thành phố, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông chưa cao, tai nạn giao thông xảy ra chiếm tỉ lệ trên 70% trên tổng số vụ.

Một vụ tai nạn chết người tại điểm đen giao thông nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam của thành phố
Một vụ tai nạn chết người tại "điểm đen" giao thông nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam của thành phố

Ngoài kiểm việc “xóa sổ” các “điểm đen”, lực lượng chức năng còn kiên quyết xử lý các hành vi chạy quá tốc độ, đi vào đường cấm, chạy sai làn đường, quá tải quá khổ, sử dụng rượu bia quá mức cho phép mà điều khiển phương tiện, tụ tập đua xe trái phép...Các đơn vị nghiệp vụ sẽ tăng cường tuần tra, kết hợp với hóa trang sau 22h để kiểm tra hành chính nhằm chủ động phòng ngừa tình trạng tụ tập chạy xe gây rối trật tự công cộng. Đồng thời với lực lượng tại địa phương để điều tiết luồng tuyến, không để xảy ra ùn tắc giao thông, chấn chỉnh dọn dẹp lòng lề đường, tạo cảnh quan thông thoáng, an toàn cho người tham gia giao thông, bảo đảm mỹ quan văn minh đô thị.

Công an TP.HCM xác định 6 tuyến đường trọng điểm giao thông phức tạp như quốc lộ 1, quốc lộ 13, xa lộ Hà Nội, tỉnh lộ 10… thường xuyên xảy ra TNGT. Những nguyên nhân dẫn đến sự cố giao thông thường rơi vào các trường hợp cụ thể như chạy xe quá tốc độ quy định, xử dụng rượu bia khi lái xe, lưu thông vào đường cấm ở nên cần phải có kế hoạch kiểm tra, xử lý những hành vi vi phạm giao thông.

Trong quý 1 năm 2014, khu vực ba cụm gồm 8 quận, huyện ngoại thành của TP. HCM đã xảy ra 122 vụ tai nạn giao thông (chiếm tỉ lệ 57,5 % toàn thành phố).
 
Xóa “điểm đen” ở chân cầu vượt Trạm 2
 
Đầu tháng 4/2014, tại nút giao thông Thủ Đức (vị trí dưới chân cầu vượt Trạm 2, giao lộ quốc lộ 1 – Nhánh rẽ phải từ ĐH Nông lâm ra Xa lộ Hà Nội) đã xảy ra 2 tai nạn thảm khốc chỉ trong vòng 3 ngày (6/4 – 8/4) làm 3 người chết. Theo người dân sống xung quanh khu vực này, đoạn chân cầu vượt Trạm 2, hướng từ quốc lộ 1 rẽ về Xa lộ Hà Nội là nơi liên tiếp xảy ra tai nạn giao thông giữa xe máy và các loại xe tải, xe container. Nguyên nhân là xe máy muốn lên cầu vượt để về hướng Đồng Nai phải chuyển từ làn hỗn hợp ra làn ô tô, trong khi đó nếu có xe tải chạy cùng chiều rẽ phải ra Xa lộ Hà Nội về trung tâm thành phố sẽ giao cắt với hướng di chuyển của xe máy. Trong tình thế này, nếu xe máy thiếu quan sát khi chuyển làn và xe tải chạy nhanh không thắng kịp sẽ rất dễ xảy ra tai nạn.

Trước tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp tại đây, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã tổ chức nghiên cứu nguyên nhân gây ra “điểm đen” này. Đến nay công tác nghiên cứu đã hoàn tất, Sở GTVT đã có phương án cụ thể và lên kế hoạch xóa “điểm đen” tai nạn này. Theo kế hoạch, Sở GTVT giao cho Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 tổ chức điều chỉnh lại giao thông khu vực nút giao thông Thủ đức theo phương án cụ thể đã được duyệt.

Xóa các “điểm đen” tai nạn giao thông
Luồng di chuyển của xe máy lên cầu (màu xanh) và xe container rẽ phải (màu đỏ) giao cắt nhau tại giao lộ

Cụ thể, Khu 2 được giao lắp đặt 3 mô giảm tốc bằng vật liệu bê tông nhựa nóng trên phần đường dành cho xe ô tô trên Quốc lộ 1, tại vị trí gần giao lộ Quốc lộ 1 – nhánh rẽ phải từ ĐH Nông Lâm về Xa lộ Hà Nội (thuộc nút giao thông Thủ Đức). Các mô giảm tốc có chiều dày tăng cao dần để cảnh báo người đi đường, lần lượt là 3cm, 5cm, 7cm. Đồng thời, Khu 2 sẽ lắp đặt biển cảnh báo phía trước có mô giảm tốc.

Tại vị trí này, Sở GTVT cũng yêu cầu kéo dài dải phân cách bê tông ngăn làn đường dành cho xe ô tô và làn đường dành cho xe hỗn hợp trên Quốc lộ 1 thêm 10m. Tại vị trí kết thúc dải phân cách, Khu 2 sẽ lắp đặt bổ sung đèn cảnh báo chớp vàng. Tại vị trí mũi tàu giao lộ này, Sở GTVT yêu cầu đổ bê tông bao quanh khu vực mũi tàu, lắp đặt tấm phản quang có dán mũi tên chỉ hướng lưu thông, lắp đặt bổ sung bảng hướng dẫn chỉ hướng lưu thông, lắp đặt đèn cảnh báo chớp vàng.

Trên phần đường hỗn hợp của Quốc lộ 1 (đoạn trước “điểm đen”), Sở GTVT yêu cầu sơn bổ sung các cụm vạch sơn giảm tốc, điều chỉnh kích thước biển cảnh báo “Đoạn đường thường xảy ra tai nạn giao thông” để người tham gia giao thông dễ dàng nhận biết và chủ động giảm tốc độ lưu thông. Đồng thời, Sở GTVT cũng yêu cầu xóa bỏ trạm dừng xe buýt ngay trước “điểm đen” để tạo luồng lưu thông thoáng đãng hơn cho giao lộ này.

Trung Kiên - Tùng Nguyên