1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Xóa bến xe Lương Yên: Hơn 300 đầu xe lo bị "đẩy ra đường"

(Dân trí) - Nếu quyết định đóng cửa bến xe Lương Yên được thực hiện thì từ ngày 1/7 tới, hơn 300 đầu xe khách bị "đẩy ra đường". Quyết định quá gấp trong khi nhà xe chưa kịp lên phương án di dời sang bến mới có thể dẫn tới việc phá sản của nhiều nhà xe.

Bến xe Lương Yên (Hà Nội) đi vào hoạt động từ năm 2004, đến nay đã có khoảng 300 đầu xe, chủ yếu chạy các tuyến Hà Nội - Quảng Ninh, Hà Nội - Hải Phòng... Sau 8 năm bến xe đi vào hoạt động khá ổn định, ngày 6/6/2012, Công ty Lương thực cấp I LươngYên (đơn vị chủ quản bến xe Lương Yên) có văn bản gửi Sở GTVT Hà Nội “xin chấm dứt hoạt động của bến xe tạm” kể từ ngày 1/7 tới đây, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư - Tổng Công ty Lương thực Miềm Bắc xây dựng công trình hỗn hợp.

Xe tiền tỷ lo hóa giá… sắt vụn

Chưa đầy 20 ngày nữa bến xe Lương Yên sẽ bị đóng cửa. Tuy nhiên, nhiều nhà xe cho biết vẫn chưa nhận được văn bản chính thức nào đề cập đến việc trên.
 
Nhiều nhà xe cho biết họ vẫn chưa nhận được quyết định chính thức đóng cửa bến xe Lương Yên

Nhiều nhà xe cho biết họ vẫn chưa nhận được quyết định chính thức đóng cửa bến xe Lương Yên

“Thông tin đóng cửa bến chúng tôi mới chỉ nghe qua dư luận. Nếu thực sự ngày 1/7 tới quyết định được thực hiện thì quá gấp, chiếc xe 45 chỗ anh em chúng tôi vay ngân hàng gần 3 tỷ đồng để mua chưa biết đi đâu về đâu vì các bến xe hiện nay đều trong tình trạng quá tải”, anh Hải quản lý xe khách 14N-6307 chạy tuyến Lương Yên - Cẩm Phả lo lắng.

Sáng 11/6, hàng trăm lượt xe khách vẫn hối hả ra vào bến xe Lương Yên đón trả khách. Tuy nhiên, ẩn sau sự hối hả đó là nỗi buồn của các lái xe trước viễn cảnh thất nghiệp, của chủ xe trước nguy cơ bán nhà hoặc bán xe trả nợ ngân hàng. Theo anh Hải, hơn 300 đầu xe khách ở bến Lương Yên tính nhanh cũng có giá lên đến vài trăm tỷ đồng. Nếu đóng cửa bến xe, nhiều người sẽ lâm vào cảnh khó khăn.

“Cả tuần nay chủ xe chúng tôi chạy tá hỏa khắp nơi đi tìm bến mới nhưng có vào được bến thì chạy thời gian oái oăm, không có hoặc rất ít khách. Bến Gia Lâm khả thi nhất cả về hướng tuyến và lượng khách từ bến Lương Yên sang nhưng lốt xe (tuyến trong bến xe) còn lại không hợp lý cho hành khách ruột”, anh Hoàng Văn Thành - lái xe 14B-00159 - cho biết.

Theo anh Thành nếu bến xe Lương Yên di dời, một mặt đơn vị quản lý bến xe phải tạo điều kiện cho nhà xe thời gian chuẩn bị phương án. Mặt khác thành phố Hà Nội phải có kế hoạch sắp xếp các đầu xe ở bến Lương Yên về các bến hợp lý nhất và phải thay đổi lịch trình về bến, xuất bến xe khách để chủ phương tiện không bị thiệt thòi.

Cần Sở GTVT gỡ rối

Không chỉ những nhà xe đang hoạt động tại bến Lương Yên không biết đi đâu về đâu mà các doanh nghiệp đang hoạt động tại các bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình cũng tỏ ra lo lắng, bởi nếu số lượng xe lớn ở bến Lương Yên chuyển về các bến khác sẽ làm tăng tần suất xe hoạt động, trong khi lượng khách lại hạn chế. Hiện tại cung đã vượt quá cầu thì việc tiếp tục bổ sung xe vào bến sẽ gây ra hậu quả xấu cho các doanh nghiệp.
 
Sau 8 năm hoạt động, bến xe Lương Yên đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ

Sau 8 năm hoạt động, bến xe Lương Yên đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ

Giám đốc Bến xe Giáp Bát Nguyễn Tất Thành cho biết, bến xe này có thể đáp ứng thêm vài chục xe nữa, tuy nhiên việc điều chỉnh hướng tuyến rất khó vì lượng khách có hạn. “Nếu Sở Giao thông xếp thêm xe, bến Giáp Bát đáp ứng được khoảng gần 30 đầu xe chạy các tuyến Quảng Ninh và Hải Phòng. Tôi chỉ e lượng khách có hạn, nếu tăng tần suất lượt xe dẫn đến việc gây khó khăn cho nhà xe đang hoạt động ổn định trong bến”, ông Thành lo lắng.

Theo các lái xe, chuyển số xe chạy Hà Nội - Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương về Bến xe Gia Lâm là phương án khả thi nhất bởi các nhà xe không phải vào sâu trong nội thành, tránh ùn tắc giao thông, rút ngắn thời gian đi lại cho hành khách và vị trí 2 bến xe hiện tại cách nhau không xa; như vậy khách hàng đang đi tại bến Lương Yên có thể sang Bến xe Gia Lâm.

Giám đốc bến xe Gia Lâm Nguyễn Như Trúc cho biết đến nay bến xe này vẫn thoáng, có thể đáp ứng thêm rất nhiều đầu phương tiện. Theo ông Trúc nếu bến xe Lương Yên đóng cửa, Sở Giao thông có kế hoạch cụ thể thì bến Gia Lâm có thể đáp ứng thêm gần 200 lượt xe/ngày. “Chỉ cần nhà xe đáp ứng đầy đủ yêu cầu vận tải hành khách, chúng tôi sẽ tạo điều kiện hoạt động ở bến xe Gia Lâm”, ông Trúc khẳng định.

Quang Phong