1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Xin ý kiến Quốc hội để Thủ tướng trả lời chất vấn tuần tới

(Dân trí) - Theo thông lệ, tại kỳ họp giữa năm, Thủ tướng không trực tiếp trả lời chất vấn mà giao Phó Thủ tướng đăng đàn. Tuy nhiên, danh sách dự kiến người trả lời chất vấn kỳ này được gửi xin ý kiến đại biểu, Thủ tướng là phương án chính được đề xuất.

Danh sách người trả lời chất vấn được Đoàn thư ký kỳ họp gửi xin ý kiến các đại biểu nêu dự kiến, sau hai ngày chất vấn 4 vị bộ trưởng, trưởng ngành, nửa ngày sẽ được dành cho Thủ tướng, hoặc một Phó Thủ tướng theo ủy quyền của Thủ tướng, đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp của đại biểu Quốc hội.

Xin ý kiến Quốc hội để Thủ tướng trả lời chất vấn tuần tới
Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao nếu Thủ tướng đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội 2 lần trong năm (ảnh: Việt Hưng).
 
Bình thường, tại các kỳ họp giữa năm, ngoài các Bộ trưởng, Phó Thủ tướng thường trực sẽ thay mặt Thủ tướng báo cáo thêm trước Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội, công tác điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu. Thực tế, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến nay, phiên chất vấn tại kỳ họp giữa các năm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều đăng đàn.

Ngoài việc xin ý kiến về việc để Thủ tướng đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp này, UB Thường vụ Quốc hội cũng gợi ý 5 bộ trưởng, trưởng ngành để trình Quốc hội xem xét là Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh.

Các nhóm vấn đề đươc xin ý kiến để tổ chức chất vấn các Bộ trưởng cũng được nêu cụ thể.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ trả lời về vấn đề nợ công, khả năng cân đối nguồn trả nợ và giải pháp giảm nợ công để bảo đảm an toàn nền tài chính quốc gia; Tình trạng chuyển giá, hoàn thuế sai và trốn thuế, gian lận trong kê khai thuế gây thất thu cho ngân sách nhà nước; việc kiểm soát và bình ổn giá thị trường, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu, tác động trực tiếp tới đời sống nhân dân; Tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và giải pháp thúc đẩy nhanh, hiệu quả hơn.

Các nhóm vấn đề dành cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến việc cho phép mở quá nhiều trường đại học, cao đẳng, nhiều loại hình đào tạo nhưng chất lượng đào tạo thấp, không phù hợp yêu cầu của thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên ra trường cao, gây lãng phí nguồn lực xã hội; Việc triển khai thực hiện cải cách về giáo dục, đổi mới chương trình sách giáo khoa, công tác quản lý xuất bản sách giáo khoa và sách tham khảo.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường được gợi ý các vấn đề: Tình hình triển khai thi hành Hiến pháp sửa đổi; Kết quả triển khai nghị quyết của Quốc hội về hướng dẫn thi hành và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống văn bản pháp luật đối với các dự án luật, pháp lệnh của UB Thường vụ Quốc hội, Quốc hội và nghị định của Chính phủ trong thời gian qua.
Xin ý kiến Quốc hội để Thủ tướng trả lời chất vấn tuần tới
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang tại diễn đàn Quốc hội (ảnh: Việt Hưng).

Đối với Tổng thanh tra Chính phủ, dự kiến chất vấn xoay quanh công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tồn đọng lâu ngày; Công tác thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng của thanh tra các cấp trong thời gian qua; công tác phòng chống tham nhũng trong nội bộ ngành thanh tra; Việc thực hiện kê khai và công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, công tác phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng; công tác tổng hợp, đánh giá, dự báo và kiến nghị giải pháp trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân được dự kiến trả lời về giải pháp áp dụng có hiệu quả kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ đời sống, sản xuất, quản lý xã hội, nhất là trong sản xuất nông nghiệp; Trách nhiệm của Bộ trong việc chủ trì, phối hợp thực hiện cơ chế, chính sách bảo đảm chất lượng sản phẩm hàng hóa, kiểm định công nghệ nhập khẩu theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Việc thực hiện chuyển đổi các tổ chức khoa học và công nghệ theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và việc phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ; thực trạng, hiệu quả hoạt động của các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia.

Bản báo cáo của UB Thường vụ Quốc hội nêu rõ, cùng với Thủ tướng Chính phủ (hoặc Phó Thủ tướng được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền), UB Thường vụ Quốc hội xin trình Quốc hội xem xét chọn ra 4 vị Bộ trưởng, trưởng ngày trực tiếp trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7 trong kế hoạch dự kiến như trên.

Đoàn thư ký kỳ họp cho biết, tính đến chiều ngày  2/6/2014, đã nhận được 95 văn bản chất vấn, với 110 chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng và 20 vị bộ trưởng, trưởng ngành. Trong đó, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận được nhiều chất vấn nhất (11 chất vấn cho mỗi người).

P.Thảo