1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Xin lỗi người hàm oan trong vụ án trộm cổ vật ở Bắc Giang

(Dântrí)- Sáng 23/7, VKSND Bắc Giang đã công khai xin lỗi công dân đầu tiên trong số 8 bị can bị truy tố, giam giữ hơn 2năm trong vụ án “trộm tượng Phật” ở Bắc Giang năm 2006.Vụ án oan đã có hồi kết bi kịch mà không gì có thể bù đắp được cho các “nạn nhân”.

Lời xin lỗi đổi nỗi oan 2 năm “nằm khám”

Tại trụ sở UBND phường Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội sáng nay, đại diện cơ quan công tố tỉnh Bắc Giang đã tổ chức buổi công khai xin lỗi với anh Dương Phúc Thịnh (SN 1959, nhà số 10, ngõ 112, phố Ngọc Khánh, phường Giảng Võ) - một người bị hàm oan trong vụ án.

8 nghi phạm trong vụ án bị cáo buộc gây ra hàng loạt vụ trộm cắp tượng, cổ vật trong nhiều đình, chùa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong khoảng thời gian tháng 6/2001 và tháng 6-7/2003. Tổng số có 27 tượng và cổ vật bị đánh cắp, giá trị ước tính gần 6 tỷ đồng.

Nguyễn Quý Đoan (tức tiểu Thích Đạo Sơn) được coi là bị can “đầu vụ”, người bị khởi tố, bắt giam đầu tiên. Sau khi bị bắt, Đoan đã khai nhận tham gia 7 vụ trộm cắp và “xì” ra “đồng bọn”.

Các bị can bị truy tố, cáo buộc về tội “Trộm cắp tài sản” trong đó bị can Dương Đức Thịnh bị quy kết đã thuê và lái xe chở đồ trộm được từ Bắc Giang về Hà Nội, Hà Tây, “đổ mối” cho một số chùa để tiêu thụ.
 
Xin lỗi người hàm oan trong vụ án trộm cổ vật ở Bắc Giang - 1
Anh Thịnh (trái) đã đối mặt với cơ quan công tố nhiều lần tại toà.

Trong suốt thời gian bị tạm giam hơn 2 năm, trải qua 4 phiên toà, không đủ chứng cứ buộc tội những người bị truy tố, 8 bị can được đình chỉ điều tra, xác định bị làm oan.

Trước khi được “giải oan”, bị can Phan Hữu Hường, một nhà sư, đã chết trong trại giam Kế (Bắc Giang), được kết luận là do bị bệnh. Những người khác sau đó đều nhất loạt tố cáo tại các phiên xử công khai là đã bị tra tấn, nhục hình, ép cung…

Phiên toà mở lại lần thứ 4 (tháng 6/2006), TAND tỉnh Bắc Giang đã tuyên cả 8 bị cáo đều vô tội và trả tự do.

Sau hơn 2 năm, kể từ ngày được xác định bị oan, anh Dương Phúc Thịnh hôm nay mới được “xóa án tích” công khai ở cộng đồng, nơi cư trú. Phó viện trưởng VKSND tỉnh Bắc Giang, Vũ Mạnh Thắng công bố: “Ông Dương Phúc Thịnh là người đã bị khởi tố oan sai kể từ ngày 17/4/2004 (ngày CQĐT - CA tỉnh Bắc Giang quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam)”.

Người đại diện cơ quan công tố khẳng định, việc khới tố oan sai là do sơ suất của cơ quan thực thi pháp luật của cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang nói chung và VKSND tỉnh Bắc Giang nói riêng. Thiếu sót này đã gây ra tổn thất về tinh thần và vật chất với anh Thịnh.

VKSND tỉnh Bắc Giang cũng cho biết đã công khai cải chính việc khởi tố oan sai với anh Thịnh trên báo Nhân dân và Hà Nội Mới.

Ông Thắng đưa ra lời xin lỗi với anh Dương Đức Thịnh, thay mặt VKSND tỉnh Bắc Giang. Đại diện cơ quan công tố tỉnh bày tỏ ý mong nhận được sự cảm thông của anh với thiếu sót của cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang.

Viện phó VKSND tỉnh cũng hứa, sau buổi xin lỗi công khai này, Viện sẽ tiếp tục thực hiện phần trách nhiệm của mình theo quy định của Nghị quyết 388 của UB Thường vụ Quốc hội về việc bồi thường thiệt hại đối với người bị oan sai.

Ngày trở về tay trắng và cuộc “mặc cả” 20 triệu đồng

Buổi xin lỗi công khai kết lại cũng đã được tổ chức sau rất nhiều thời gian chờ đợi, rất nhiều yêu cầu của anh Dương Phúc Thịnh. Người đàn ông đã gần qua tuổi 50 không còn một người thân để cùng chia niềm vui ngày được phục hồi danh dự.

Dương Phúc Thịnh từng công tác tại Học viện Quốc phòng, trước khi bị bắt anh đang là một nghệ nhân làm cây cảnh, gia đình đuề huề, sung túc. Hơn 1000 ngày bị khởi tố oan, khi được tuyên trắng án, trở về thành ra tay trắng. Bố chết khi Thịnh bị tạm giam. Trở về gia đình, nỗi ám ảnh khi bị cùm trói, sinh hoạt ngay bên cạnh một bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối, lở loét đầy mình khiến anh xa lánh, không dám gần gũi vợ con. Không thể sống tiếp cuộc sống đầy mặc cảm của người chồng mất cả khả năng “đàn ông”, vợ Thịnh đã quyết định ra đi.

Không gia đình, không người thân, không một xu dính túi, không còn chỗ làm, không còn công việc… anh Thịnh chỉ mong bắt nhịp lại với cuộc sống từ những đồng tiền được bồi thường oan sai.
 
Xin lỗi người hàm oan trong vụ án trộm cổ vật ở Bắc Giang - 2
"Hôm nay coi như ngày khai sinh lần nữa của tôi".

“Hôm nay coi như ngày khai sinh lần nữa của tôi” - người đàn ông mái tóc đã bạc quá nửa rớm nước mắt thốt lên. Anh thoáng nhăn mặt khi nhắc tới bà Lê Thị Vân - tổ trưởng tổ dân phố số 64; anh Trần Văn Phúc - công an phường Giảng Võ, những người đã chứng kiến việc khởi tố, khám nhà, bắt giam mình hơn 4 năm về trước.

Phát biểu trong buổi được công khai xin lỗi, anh Thịnh cũng thẳng thắn đưa ra các đề nghị VKSND tỉnh Bắc Giang phải tích cực nhận sai và sửa sai, phia tích cực giải quyết vấn đề đền bù, giúp anh sớm trở lại cuộc sống.

Theo thông tư số 04 ngày 22/11/2006, VKSND tỉnh Bắc Giang mới thống nhất trả phần bồi thường danh dự (đây là khoản cứng quy định bắt buộc, không thể thương lượng), còn khoản bồi thường thiệt hại về thu nhập trong thời gian bị giam giữ đến nay vẫn trong tình trạng bất nhất. Đã 4 lần thương lượng với anh Thịnh, VKSND tỉnh Bắc Giang vẫn chỉ giữa quan điểm, lao động của một nghệ nhân như anh không khác lao động của một ô-sin, giúp việc gia đình.

Theo đó, thu nhập của anh Thịnh được đề nghị là 24.545đ/ngày. Với cách tính này, 2 năm nằm khám của anh được “quy đổi” bằng gần 20 triệu đồng. “Viện phải có một cái nhìn thực tế, không thể theo quan điểm bồi thường “đổ đồng” kiểu chú tiểu cũng như hoà thượng, người không công ăn việc làm cũng như người nghệ nhân. Cũng chỉ có thể bù đắp cho chúng tôi một phần nào, sao đền bù được cho chúng tôi tất cả, nỗi nhục nhã, đau đớn, tan nát gia đình…” - anh Thịnh không giấu vẻ bức xúc trong giọng nói.

Người được xin lỗi cũng công bố đã làm đơn khởi kiện ra TAND quận Ba Đình để đòi công bằng cho mình.

P.Thảo