Xin lệnh khẩn cấp của Thủ tướng để khôi phục cầu Gềnh

(Dân trí) - Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng về việc khôi phục khẩn cấp cầu Gềnh (tỉnh Đồng Nai), tại Km 1699+860 trên tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM vừa bị sập. Tổng mức đầu tư cho việc khôi phục khẩn cấp là 298,5 tỷ đồng.

Cầu Ghềnh bắc qua sông Đồng Nai bị sập hôm 20/3 (ảnh: Vĩnh Thủy)
Cầu Ghềnh bắc qua sông Đồng Nai bị sập hôm 20/3 (ảnh: Vĩnh Thủy)

Theo Tổng Công ty ĐSVN, vụ sập cầu Ghềnh hôm 20/3 đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, làm tê liệt đường sắt Bắc Nam. Vì vậy, các đoàn tàu phải gá gửi tại các ga dọc đường. Tổng Công ty giải thể 5 nhà ga, bãi bỏ 12 chuyến tàu hàng, tất cả các chuyến tàu khách phải trung chuyển bằng đường bộ.

Bộ Giao thông vận tải đã thống nhất về việc khôi phục công trình theo lệnh khẩn cấp, đảm bảo sớm thông tuyến đường sắt, đường thủy. Bộ Giao thông vận tải đồng ý giao Tổng Công ty ĐSVN làm chủ đầu tư dự án và ủy quyền cho chủ đầu tư quản lý thực hiện công trình: Xây dựng khôi phục theo lệnh khẩn cấp và báo cáo Thủ tướng theo quy định.

Với tình hình cấp thiết hiện nay, Tổng Công ty ĐSVN trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cho phép đơn vị triển khai thực hiện công trình theo lệnh khẩn cấp.

Công tác đầu tư khôi phục bao gồm: Giải phóng hiện trường (tổ chức khảo sát, thanh thải chướng ngại vật lòng sông); tổ chức khảo sát lập hồ sơ thiết kế, dự toán và thi công công trình; tổ chức xây dựng công trình tạm (sửa chữa cải tạo mở rộng ke ga, mái che nhà ga, nối dài và mở rộng thêm một số đường ga tại ga Biên Hòa, Hố Nai, Trảng Bom, để phục vụ vận tải hành khách và hàng hóa trong giai đoạn xây dựng khôi phục công trình).

Về nguồn vốn, Tổng Công ty ĐSVN dự toán chi phí khôi phục khẩn cấp là 298,5 tỷ đồng và đề nghị Chính phủ cấp vốn đầu tư từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2016. Thời gian triển khai dự án là 120 ngày kể từ ngày được Thủ tướng quyết định.

Châu Như Quỳnh