1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Xét xử vụ UBND TPHCM bị hai doanh nghiệp kiện

Hôm nay, tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ hai cơ sở sản xuất mỹ phẩm Lan Hương và Thành Nam kiện UBND thành phố. HĐXX đã tuyên hủy một phần các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Ủy ban đối với hai cơ sở này.

Theo đó, tòa đã tuyên hủy hình thức xử phạt chính bằng tiền và hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của hai cơ sở trên.

 

Trước đó, Lan Hương và Thành Nam đã bị phạt 150 triệu đồng do vi phạm quyền sở hữu công nghiệp khi sử dụng nhãn hiệu "Miss" của Công ty cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn. Ngoài phạt tiền, 2 cơ sở còn bị tịch thu, tiêu hủy hàng nghìn chai và vỏ chai nước hoa hiệu Miss Tatiana, Miss Madens… đồng thời phải khắc phục bằng cách thay đổi mẫu mã, nhãn hiệu trên những chai nước hoa khác đang bị niêm phong.

 

Theo HĐXX, việc xử phạt của UBND TP là phù hợp với các quy định của pháp luật nhưng không đúng vì đã quá thời hạn để ra quyết định xử phạt. Dù Đội Quản lý thị trường 5A (Chi cục Quản lý thị trường TPHCM) có văn bản xin gia hạn thời gian làm việc với hai cơ sở này nhưng đây là việc làm vi phạm thẩm quyền. Đội 5A không phải là cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính nên không có thẩm quyền xin gia hạn.

 

Bên cạnh đó, HĐXX cũng tuyên giữ nguyên phần quyết định của Ủy ban buộc chủ kinh doanh cơ sở Lan Hương và Thành Nam loại bỏ yếu tố vi phạm quyền sở hữu công nghiệp (tức chữ "Miss") trên các loại hàng hóa.

 

Nhận được đơn khiếu nại của Công ty cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn, cuối tháng 5/2003, Đội quản lý thị trường 5A (Chi cục Quản lý thị trường TPHCM) kiểm tra hệ thống sản xuất của Lan Hương (gồm 2 cơ sở Thành Nam và Lan Hương). Cơ quan này phát hiện có một số loại nước hoa, vỏ hộp bao bì giống với sản phẩm của Công ty Mỹ phẩm Sài Gòn. Vì vậy, đơn vị này đã lập biên bản về việc Lan Hương vi phạm quy chế ghi nhãn hàng hóa và có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu công nghiệp.

 

Ngày 11/8, UBND TPHCM ra các quyết định xử phạt hành chính hai cơ sở do vi phạm quy định về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và sản xuất hàng hóa vi phạm quy chế ghi nhãn hàng hóa. Hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh 1 năm và một số biện pháp khác.

 

Sau đó, chủ cơ sở gửi đơn khiếu nại nhưng không có thay đổi nên đã khiếu kiện quyết định xử phạt của UBND thành phố ra tòa nhờ phân xử vì cho rằng quyết định này của Ủy ban là trái luật.

 

Theo VnExpress