1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Hà Nội:

Xem xét xử lý hình sự vụ “bứng” trộm cây bồ đề cổ thụ

(Dân trí) - Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh cho biết, sai phạm của Công ty TNHH Thủ đô II trong vụ việc tự ý “bứng” cây bồ đề tại chợ 19-12 đi là rất rõ ràng. Thành phố đang cân nhắc xử lý hành chính hay xử lý hình sự vụ việc này.

Trước đó, ngày 4/11, cây bồ đề cổ thụ bị “bứng” trộm đã được đem về trồng lại tại chợ 19-12 trong sự vui mừng của đông đảo người dân thủ đô. Tuy nhiên, đằng sau sự vui mừng đó là nỗi lo cây sẽ khó có thể tồn tại được sau khi bị “hành hạ” mấy ngày liền. Toàn bộ phần rễ cây đã dập nát te tua. Nhiều người không khỏi nghi ngờ về khả năng ra rễ, đâm chồi của cây bồ đề với một thân thể già cỗi như vậy.
 
Xem xét xử lý hình sự vụ “bứng” trộm cây bồ đề cổ thụ - 1
Người dân đã lập bàn thờ tại nơi cây bồ đề được trồng lại.

Khi trồng cây trở lại, các công nhân Công ty TNHH Nhà nước một thành viên cây xanh Hà Nội đã sử dụng mọi biện pháp đảm bảo dinh dưỡng, kích thích tăng trưởng để cây có thể mau ra rễ, phát triển bình thường. Cụ thể, công ty đã tiến hành làm vệ sinh, cắt gọt nhưng phần rễ bị tổn thương, sử dụng biện pháp chát bùn, đổ bùn, đất màu vào hố trồng và đưa cây vào vị trí; đồng thời bơm thuốc kích thích phát triển rễ cho cây.

Do đây là mùa hanh khô nên việc khắc phục sự sống cho cây cũng gặp rất nhiều khó khăn. Công ty phải sử dụng lưới đen bịt xung quanh cây nhằm chống mất nước, giữ độ ẩm cho thân và rễ cây.

Theo nhiều người có kinh nghiệm về trồng và chăm sóc cây, sau khi ra rễ tôm (rễ non), cây cần có một không gian tĩnh trong khoảng 1 tháng để giúp rễ cây bám được xuống đất và hút dinh dưỡng nuôi cây. Song, trong thực tế, từ khi cây bồ đề được trồng lại ở chợ 19-12, công trình xây dựng chợ vẫn được tiến hành bình thường.

“Máy xúc, máy khoan làm uỳnh uỵch cả ngày, đến chúng tôi ở cách công trường cả một đoạn xa còn đau đầu thì làm sao cây có không gian tĩnh mà hồi phục được. Đề nghị dừng hoạt động công trường này đến khi nào cây bồ đề phát triển bình thường mới được làm tiếp”, một số người dân bức xúc.

Ghi nhận của chúng tôi, ngày 5/11, công trường hoạt động khá “nhộn nhịp”. Nước từ công trường đục ngầu chảy ra lênh láng hè đường 19-12, ngay sát vị trí cây bồ đề được trồng lại.
 
Xem xét xử lý hình sự vụ “bứng” trộm cây bồ đề cổ thụ - 2
Nước xi măng vẫn đổ lênh láng ngay cạnh gốc cây bồ đề mới được trồng lại. (Ảnh chụp lúc 12h45 ngày 5/11)

Trao đổi với PV Dân trí, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh cho biết, trách nhiệm trong vụ việc này là do Công ty TNHH Thủ đô II. “Công ty làm dự án ở đó, lấy lý do là cây bị đổ để đào mang đi chỗ khác. Tuy nhiên, qua dư luận báo chí, qua điều tra, cây đó không phải bị đổ mà do ảnh hưởng đến dự án đó, hay là họ muốn mở rộng dự án về thiết kế xây dựng nên mới đào bỏ” - Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh nói.

Về vấn đề xử lý sai phạm, Trung tướng cho hay, sai phạm của công ty TNHH Thủ đô II đã rất rõ ràng và thành phố còn đang cân nhắc xử lý hành chính hay xử lý hình sự vụ này. Nếu xử lý hình sự sẽ đưa vào tội hủy hại tài sản xã hội chủ nghĩa là cây xanh. “Sai phạm của công ty thể hiện vì lợi ích của doanh nghiệp, coi thường kỷ cương về vấn đề bảo vệ cây xanh cho thành phố. Nếu họ làm đúng thì dù cây bị đổ, mục nát hay có chết, họ vẫn phải xin phép Công ty môi trường đô thị của thành phố”.

Trước băn khoăn của dư luận về việc nếu không xử lý nghiêm như vụ cây sưa, nhiều người sẽ cho rằng doanh nghiệp được bảo vệ, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh khẳng định, cơ quan điều tra bảo vệ lợi ích cho cộng đồng, bảo vệ lợi ích cho pháp luật. Song hiện cơ quan điều tra đang làm nên chưa thể khẳng định là sẽ xử lý hình sự hay xử lý hành chính.

Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh cũng khẳng định, thái độ lãnh đạo thành phố rất kiên quyết, còn xử lý thế nào thì để cơ quan điều tra đề xuất.

Cấn Cường - Tiến Nguyên