Ai đứng sau vụ “bứng” trộm cây bồ đề cổ thụ?

(Dân trí) - Cây bồ đề bị mất ở chợ 19-12 được tìm thấy trên địa bàn phường Tứ Liên (Tây Hồ) trong tình trạng bị xâm hại nặng nề, cần cứu gấp nhưng đột ngột được đưa về chợ 19-12 để… chờ chết. Ai là người đứng sau vụ “bức tử” cây bồ đề tâm linh này?

Ai đứng sau vụ “bứng” trộm cây bồ đề cổ thụ? - 1
Cây bồ đề được cẩu lên xe, đưa ra khỏi khu vực phường Tứ Liên, quận Tây Hồ.
 
Như Dân trí đã đưa tin, sáng 4/11, lực lượng chức năng đã phát hiện cây bồ đề cổ thụ bị “bứng” trộm từ chợ 19-12 bị bỏ lại tại một bãi đất cuối ngõ 310 Nghi Tàm (phường Tứ Liên, quận Tây Hồ). Ngay trong buổi sáng, các cơ quan hữu quan đã đến hiện trường làm việc. Tuy nhiên, trong vụ việc này có những điểm đáng ngờ, khiến nhiều người đặt câu hỏi nghi vấn về một thế lực nào đó đứng đằng sau “hỗ trợ” những kẻ xâm hại cây.

Theo một nguồn tin đáng tin cậy, sau khi bị “bứng” khỏi công trường xây dựng Trung tâm thương mại dịch vụ và chợ 19-12, cây bồ đề cổ thụ này đã được đem cất giấu tại một bãi rác trên địa bàn quận Hoàng Mai. Đêm qua, công việc vận chuyển cây đến khu vực phường Tứ Liên mới được tiến hành. Vậy ai là người chỉ đạo vận chuyển cây đến khu vực này?

Theo anh Nguyễn Văn Quỳnh, người được điện báo ra nhận cây để chăm sóc, anh được một người xưng là công an thành phố gọi điện bảo anh đào hố sẵn để giâm cây, chờ một thời gian cho cây phục hồi rồi sẽ đem đi. Trả lời câu hỏi liệu người gọi điện có phải là công an không, anh Quỳnh khẳng định chắc chắn vì “đây là chỗ người quen nhờ”.(!?) Như vậy, Công an thành phố Hà Nội sẽ không quá khó khăn để làm rõ ai là người “đặt hàng” anh Quỳnh.
 
Ai đứng sau vụ “bứng” trộm cây bồ đề cổ thụ? - 2
Các công nhân công ty cây xanh chăm sóc cây trước khi trồng lại.

Ghi nhận của PV Dân trí, cây bồ đề sáng nay bị dập nát khắp thân. Ngọn cây bị cưa cụt, rễ te tua, không còn một chiếc lá nào sót lại trên cây. Theo nhận định của những người trồng cây lâu năm ở khu vực và những cán bộ Công ty TNHH Nhà nước một thành viên cây xanh Hà Nội, khả năng sống sót của cây bồ đề này không cao, cần phải có sự chăm sóc đặc biệt may ra mới cứu được.

Trong suốt buổi làm việc sáng nay, đại diện công ty cây xanh và Thanh tra hạ tầng kỹ thuật đô thị đều khẳng định là sẽ đưa cây về Vườn ươm Cầu Diễn để phục hồi cây một thời gian trước khi mang trồng lại tại chợ 19-12. Đến 12h trưa, khi xe cẩu và xe tải đã sẵn sàng đưa cây đi, đột ngột địa điểm trồng cây được thay đổi sang chợ 19-12.

Việc bất ngờ thay đổi địa điểm trồng cây khiến nhiều người tỏ ra nghi ngờ. Cây bồ đề đang cần “cấp cứu” mới có thể sống được tại sao lại chuyển ngay về vị trí cũ, nơi điều kiện chăm sóc cây không thể bằng vườn ươm? Ngay khi biết được việc thay đổi địa điểm trồng cây, PV Dân trí đã đặt câu hỏi với lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường song không nhận được bất kỳ câu trả lời nào về nguyên nhân của việc thay đổi này.

Khi cây bồ đề cổ thụ được vận chuyển về đường 19-12, rất đông người dân khu vực này đã đến chứng kiến vụ việc. Hầu hết mọi người đều tỏ ra bất bình trước quyết định đưa cây về trồng tại đây vào thời điểm này.
 
Ai đứng sau vụ “bứng” trộm cây bồ đề cổ thụ? - 3
Nhiều người dân xót xa trước cảnh cây bồ đề bị xâm hại nặng nề.

Sống ở Hà Nội gần 60 năm, bác Đỗ Ngọc Châu (38A Hai Bà Trưng) không cầm được nước mắt khi chứng kiến cây bồ đề bị dập nát, te tua, chỉ còn như một khúc gỗ lớn bị đưa lên đưa xuống xe tải. Bác bức xúc: “Tại sao lại đưa về đây trồng ngay? Người ta trồng ở đây để cho cây chết rồi lại nhổ đi phải không? Ông Cường phải biết rằng mình có được ngày hôm nay là nhờ ai? Đó là nhờ máu thịt của bao nhiêu người đã ngã xuống chính tại nơi mà công ty của ông đang xây dựng. Chúng tôi đề nghị ông Cường phải chăm sóc cho cây thật cẩn thận, nếu để cây chết, ông Cường phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.”

Cùng quan điểm với bác Châu, bác Nguyễn Vĩnh Hùng - tổ trưởng tổ dân phố số 1 phường Trần Hưng Đạo, cho biết: “Cả tổ dân phố chúng tôi ai cũng bất bình trước việc cây bồ đề mang giá trị tâm linh to lớn này bị “bứng” đi mất. Nơi thể hiện lòng thành kính của chúng tôi đối với người đã khuất cũng bị phá bỏ. Một việc làm vô nhân đạo, cần phải nghiêm trị.”

Những điểm đầy nghi vấn và diễn biến bất ngờ của vụ việc khiến dư luận đặt câu hỏi về sự một thế lực nào đó đứng đằng sau “hỗ trợ” những kẻ “bức tử” cây bồ đề nằm trong danh mục được bảo vệ.
 

Ông Vũ Văn Mấm, Đội trưởng Đội Thanh tra hạ tầng kỹ thuật đô thị - Thanh tra Sở Xây dựng cho biết, Đội đã lập biên bản phạt Công ty TNHH Thủ đô II số tiền 12,5 triệu đồng về hành vi tự ý dịch chuyển cây, đồng thời yêu cầu phục hồi nguyên trạng cho cây.

Trước đó, chiều qua, 3/11, không hề có một đại diện nào của Công ty TNHH Thủ đô II đến làm việc với Ban Thanh tra Hạ tầng kỹ thuật đô thị - Sở Xây dựng Hà Nội theo lịch đã ghi trong biên bản vi phạm xâm hại cây xanh ngày 1/11 mà ông giám đốc Nguyễn Anh Cường đã ký nhận với lực lượng thanh tra.

 
Tiến Nguyên