Xem xét giảm lương lao động trong doanh nghiệp nhà nước
(Dân trí) - Do suy giảm kinh tế, Bộ LĐTB-XH vừa có công văn gửi Thủ tướng đề nghị xem xét mức lương đối với người lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, những doanh nghiệp lỗ sẽ có mức lương bằng 80% so với năm 2008.
Nếu thực hiện theo các quy định hiện hành thì tiền lương, thu nhập của người lao động ở một số công ty này sẽ giảm đáng kể, còn khoảng 30 - 40% so với mức lương bình quân thực hiện năm 2008. Điển hình như: Tập đoàn than và Khoáng sản Việt Nam tiền lương năm 2009 còn khoảng 2,6 triệu đồng/tháng, bằng 45% so với thực hiện năm 2008;
Tổng công ty thép Việt Nam khoảng 2,7 triệu đồng/tháng, bằng 40% so với năm 2008; Tổng công ty Hàng Không Việt Nam khoảng 2,8 triệu đồng/tháng, bằng 27% so với năm 2008. Như vậy, đời sống của người lao động sẽ gặp nhiều khó khăn.
Theo ý kiến của Bộ Tài chính, với tất cả các trường hợp có lợi nhuận, năng suất lao động giảm so với năm 2008 phải giảm trừ tiền lương tối đa bằng 30% tiền lương thực hiện năm 2008.
Về vấn đề này, Bộ LDTB-XH cho rằng, mức giảm trừ bằng 30% là quá lớn vì trên thực tế tiền lương của người lao động phải giảm tới 37 - 38% so với năm 2008 do cộng thêm yếu tố trượt giá năm 2009 là 7 - 8%. Điều này ảnh hưởng lớn đến thu nhập và đời sống của người lao động.
Vì vậy, Bộ LĐTB-XH đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ như sau: Đối với doanh nghiệp có năng suất lao động và lợi nhuận kế hoạch năm 2009 bằng hoặc tăng so với thực hiện năm 2008 thì được tăng tiền lương theo quy định.
Những doanh nghiệp có lợi nhuận giảm nhưng năng suất lao động và sản lượng tiêu thụ không giảm sẽ được giữ mức lương bằng năm 2008. Những doanh nghiệp có lợi nhuận, sản lượng tiêu thụ và năng suất lao động đều giảm thì cứ giảm 1% so với năm 2008 thì giảm lương 0,5%.
Những doanh nghiệp không có lợi nhuận hoặc lỗ sẽ có mức lương bằng 80% so với năm 2008. Hiện tại còn khoảng hơn 1.700 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước với khoảng 1,9 triệu lao động.
Lan Hương