1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Xem “ông đồ, cây mai” của “lão thêu” hàng đầu xứ Huế

(Dân trí) - Lấy nguồn cảm hứng từ bức tranh vẽ “Ông đồ” của Bùi Xuân Phái, thử thách chính mình với kỹ thuật thêu kim tuyến triều đình Huế lúc xưa lên chủ đề mai, lão nghệ nhân Lê Văn Kinh đã cho ra đời những bức tranh thêu rất độc đáo.

Xem “ông đồ, cây mai” của “lão thêu” hàng đầu xứ Huế - 1
Bức tranh thêu “Ông Đồ” của cụ Kinh phỏng theo nét vẽ Bùi Xuân Phái

 

Điều làm cho cụ Kinh nhớ mãi qua bức tranh của Bùi Xuân Phái vẽ ông đồ già là cái khom lưng của cụ đồ “bày mực tàu giấy đỏ trên phố” nắn nót viết những nét thư pháp chúc phúc thăng hoa. “Tài của cụ Phái thôi thúc tôi phải thêu những bức tranh cụ đồ sao cho thần khí phải toát ra từ từng sợi chỉ, đường kim. Điều nữa, do vốn học chữ nho từ bé nên tôi rất “cảm” ý nghĩa bài thơ Vũ Đình Liên. Hai nguồn cảm xúc ấy đã cho tôi vẽ được những bản phác thảo về cụ đồ trước khi lên khung thêu” – cụ Kinh tâm sự.

 

3 bức tranh về mai trên 2 nền chỉ thường và kim tuyến đã nói được phần nào đôi bàn tay tài hoa của lão nghệ nhân 82 tuổi này. Những cây mai cổ thụ thân già oằn xuống với hàng trăm cánh hoa mai nở bung ra rực rỡ. Thân mai già xù xì nhiều đường nứt, một vài lá lơ thơ nhường chỗ cho hoa mai vàng. Nhìn ở mọi góc, hoa mai đều ánh lên ánh sáng như thật.

 

Xem “ông đồ, cây mai” của “lão thêu” hàng đầu xứ Huế - 2

3 bức tranh thêu mai tinh xảo

Đặc biệt ở bức thêu mai kim tuyến có cảm giác như đang chiêm ngưỡng những sợi chỉ dát vàng thật múa lượn trên tấm thảm nhung đen huyền bí. Dấu vết vàng son cung đình triều Nguyễn hiện về qua bức tranh đầy ma lực của cụ Kinh.

 

“Tôi thêu bức mai bằng chỉ thường thấy thế mà không đơn giản. Mỗi cánh hoa mai đều có 3 sắc độ chỉ từ đậm đến nhạt để tạo độ nổi, trung bình mất 1,5 giờ để thêu xong 1 cánh hoa. Riêng nhụy gồm cánh nhụy và nụ nhụy được thêu bằng 2 màu. Chỉ tính riêng hoa mai thôi đã rất “kép” công. Tiếp đến thân mai phải dùng chỉ màu đà để tạo màu, chỉ màu rêu tạo mốc meo và sẹo cây…” – cụ Kinh nói qua cách thêu.
 
Thân sinh của cụ Lê Văn Kinh là cụ Lê Văn Hỡi, một thợ thêu có tiếng dưới triều Nguyễn. Công việc của cụ Hỡi là thêu mũ, nón, tranh ảnh... phục vụ cho vua quan nhà Nguyễn.

 “Nhưng nếu thêu kim tuyến thì khác hẳn. Đây là loại chỉ thêu “độc nhất vô nhị” có xuất xứ từ thời các vua Nguyễn. Đây là cách thêu chỉ duy nhất cửa hàng tôi làm theo kiểu cha truyền con nối, bí kíp không lộ ra ngoài. 

 

Sợi kim tuyến làm bằng kim khí rất sắc và rất dễ bị làm đứt nếu mạnh tay. Ngược lại kéo chỉ nhẹ quá sẽ làm kim tuyến phồng lên, bức tranh sẽ hỏng. Vì mấy không mấy thợ đạt yêu cầu, chỉ có những người thật khéo tay, kiên nhẫn, sức chịu đựng cao mới thêu được. Trung bình một bức tranh chỉ thường thêu 10 ngày xong, riêng đối với bức thêu chỉ kim tuyến, phải mất 15 ngày” – không tiết lộ nhiều về “tuyệt kỹ” này, đoạn rồi ông Kinh thêu một cánh mai cho tôi xem. Mất hơn 2 giờ đồng hồ để có 1 cánh mai từ khâu chọn chỉ, thêu, dằn, vuốt…

 

Xem “ông đồ, cây mai” của “lão thêu” hàng đầu xứ Huế - 3
 
Kỹ thuật thêu kim tuyến rất khó từ đời các vua Nguyễn, chỉ những ai có đủ tài năng thật sự mới thêu được

Tâm sự về nghê thêu, cụ Kinh rất tâm huyết cho rằng nếu không có cái mới, một ngày nào đó nghề thêu sẽ bão hòa. Tuy rằng mỗi bức tranh thêu tay đều “không cái nào giống cái nào” nhưng giá tranh không cao đã khiến nhiều thợ thêu giỏi bỏ nghề hay chuyển sang thêu “công nghiệp” – tức thêu nhiều bức giống nhau. Theo cụ, “quan trọng nhất của 1 nghệ nhân thêu là giữ được chính mình, không chạy theo lợi nhuận hàng loạt mà phải sáng tạo những mẫu thêu mới, có ý nghĩa cho cuộc sống và gợi nhớ về những gì xa xưa, tốt đẹp nhất nay đã không còn”.


Một số hình ảnh về cụ Kinh và những bức tranh ông đồ, cây mai mang hơi thở Tết:
 

Xem “ông đồ, cây mai” của “lão thêu” hàng đầu xứ Huế - 4

“Ông đồ già"

Xem “ông đồ, cây mai” của “lão thêu” hàng đầu xứ Huế - 5

Chân dung ông đồ
 
Xem “ông đồ, cây mai” của “lão thêu” hàng đầu xứ Huế - 6

Ở tuổi 82 nhưng cụ Kinh vẫn rất minh mẫn, nhiều tác phẩm về dân gian xưa được ông thể hiện rất có hồn trên tranh thêu

 
Xem “ông đồ, cây mai” của “lão thêu” hàng đầu xứ Huế - 7

Thư phòng của cụ Kinh đầy những dụng cụ thêu và đồ kỷ niệm do người yêu mến tặng
 
Xem “ông đồ, cây mai” của “lão thêu” hàng đầu xứ Huế - 8

hàng loạt tờ báo từ xưa đến nay đã viết về người nghệ nhân thêu xứ Huế tài ba
 
Xem “ông đồ, cây mai” của “lão thêu” hàng đầu xứ Huế - 9

Hàng loạt thợ thêu tranh đã rèn luyện nghề ở hàng thêu Đức Thành - nhà riêng của cụ ở đường Phan Đăng Lưu, TP Huế
 
Xem “ông đồ, cây mai” của “lão thêu” hàng đầu xứ Huế - 10

Cánh mai vàng đã nổi lên nhờ bàn tay tài hoa
 
Xem “ông đồ, cây mai” của “lão thêu” hàng đầu xứ Huế - 11

Một "lão" mai
 
Xem “ông đồ, cây mai” của “lão thêu” hàng đầu xứ Huế - 12

Bên bức tranh thêu tâm đắc về cây mai bằng chỉ kim tuyến
 
Xem “ông đồ, cây mai” của “lão thêu” hàng đầu xứ Huế - 13


Cụ thường vui vẻ chụp hình với những khách Tây vừa tìm được nhà cụ qua các guide book du lịch, đồng thời giới thiệu cho họ về nghề thêu xứ Huế
 
 

Cụ Lê Văn Kinh chính là người phục hồi, làm sống dậy nghề thêu tranh của Huế. Năm 1975, chỉ sau ngày đất nước giải phóng được 4 tháng, ông Kinh đã đứng ra lập tổ thêu tranh xuất khẩu đầu tiên của Huế mang hiệu Cẩm Tú, tiền thân của Hợp tác xã Thêu gia công Phú Hòa bây giờ.

Cụ Kinh được đón nhận danh hiệu Nghệ nhân cao quý do Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam trao tặng vì đã có “công lao giữ gìn, thực hành truyền dạy những giá trị, kỹ năng bí quyết về văn hóa để làm cho những giá trị tinh hoa trong văn hóa của dân tộc Việt Nam được sống mãi”.  Ngoài ra, cụ còn có nhiều danh hiệu như “Nghệ nhân dân gian”, “Báu vật nhân văn sống”…
 
 

Đại Dương














 

Dòng sự kiện: Chào Xuân Tân Mão 2011