1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Xé toang chiếc áo giả dối ngành giáo dục!

(Dân trí) - Kết quả kỳ thi đại học, cao đẳng vừa được công bố, những con số gọi là điểm thi của thí sinh đã khiến cho những người quan tâm đến giáo dục phải khóc thầm. Không ai có thể tưởng tượng nổi hàng ngàn học sinh đi thi, cả ba môn thi đều điểm 0. Hàng vạn thí sinh chỉ đạt dưới ba điểm.

Đơn cử như tại khối A - Trường đại học Đà Nẵng, có đến 5.000 thí sinh đạt từ điểm 0 đến điểm 3. Còn điểm 0 một môn thì không kể xiết. Xin được lưu ý rằng, nếu loại điểm kém này chiếm tỷ lệ thấp là chuyện bình thường, nhưng một khi nó là con số quá lớn thì là việc đại nguy.

Kết quả thi với những con điểm khủng khiếp này chứng minh cho thấy lâu nay ngành giáo dục khoác lên mình chiếc áo thành tích giả dối để che đậy một tấm thân bệnh tật. Trường nào, lớp nào cũng chạy theo thành tích.

Báo cáo từ địa phương đến trung ương cũng nổ bôm bốp kết quả tích cực, thành tích to tát. Nhưng phần lớn học sinh được lên lớp hàng năm với thành tích học tập khá giỏi đó, cọ xát với đề thi thông thường thôi lại đạt điểm rất kém.

Nếu một học sinh thi đại học mà lịch sử điểm 0, địa lý điểm 0, thậm chí cả ba môn đều điểm 0 thì tại sao lại lên đến lớp 12 và thi đỗ tú tài? Sự giả dối sờ sờ như vậy nhưng nhiều năm nay không được phân tích, ngăn chặn.

Các nhà quản lý giáo dục không dám đối diện với sự thật đó, thầy cô giáo bị sức ép thành tích phải chấp nhận làm theo, phụ huynh cũng thất thần và mơ mộng về con cái. Cả một xã hội mất bình tĩnh, trượt dài theo cái đà ảo tưởng về thành tích giáo dục.

Cái bảng thành tích học sinh giỏi đồ giả mà con cái mang về hàng năm cho bố mẹ lại tạo nên sự hoang tưởng khác - con của mình phải thi vào đại học. Đến khi cầm kết quả thi trên tay các bậc phụ huynh mới thấy thất vọng tận cùng. Thi cả ba môn đều bị điểm kém hoặc điểm 0 thì đi thi làm gì cho mất thì giờ và tiền bạc của gia đình cũng như của xã hội.

Ở các nước văn minh, dân trí cao, việc định hướng học hành và nghề nghiệp rất sát với thực tế của cá nhân cũng như xã hội. Ở Việt Nam, do dân trí thấp, nên cứ nghĩ một chiều là phải có bằng đại học mới thành công, thành đạt. Vì quan niệm đó nên đại học giả, bằng “dỏm” ngày càng nhiều khiến xã hội lắm thầy kém nhưng thiếu thợ giỏi. Cả xã hội đều là ông Cử, ông Nghè nhưng không mấy ai làm được việc đúng với trách nhiệm được giao.

Đã có một vài cánh tay đưa lên xé chiếc áo giả dối hoang tưởng của bệnh thành tích trong giáo dục. Cần nhiều cánh tay nữa, mạnh mẽ hơn, trung thực hơn, thuốc thang và mổ xẻ phải đúng bài và dứt khoát hơn. Có như thế may chăng còn cứu chữa được căn bệnh thành tích vốn đã quá trầm trọng.

Lê Chân Nhân