1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An:

“Xẻ thịt” rừng phòng hộ để trồng rừng?

(Dân trí) - Khi trạm bảo vệ rừng Cao Vều thuộc Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ huyện Anh Sơn (Nghệ An) tổ chức phát thực bì để trồng rừng phòng hộ thì lực lượng cảnh sát môi trường phát hiện, bắt giữ một khối lượng gỗ đang bị “xẻ thịt”.

"Nham nhở" rừng phòng hộ

Tiểu khu 946 nằm tại bản Cao Vều - xã Phúc Sơn cách trung tâm thị trấn huyện Anh Sơn khoảng hơn 20km. Đây là khu vực rừng phòng hộ được BQL rừng phòng hộ huyện Anh Sơn giao cho trạm bảo vệ rừng Cao Vều quản lý, bảo vệ.

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, cuối tháng 7/2014, Trạm bảo vệ rừng Cao Vều tổ chức phát thực bì tại lô a, khoảnh 9 và lô a khoảnh 13 - thuộc Tiểu khu 946 để trồng rừng theo chủ trương được phê duyệt. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, lực lượng tham gia phát thực bì đã dùng cưa máy đốn hạ nhiều cây gỗ lâu năm rồi cắt thành khúc vận chuyển ra bên ngoài.

Gỗ nằm ngổn ngang trên diện tích phát thực bì (Ảnh: Doãn Hòa)
Gỗ nằm ngổn ngang trên diện tích phát thực bì (Ảnh: Doãn Hòa)

Con đường “độc đạo” từ Trạm kiểm lâm Cao Vều và trạm bảo vệ rừng Cao Vều đến tiểu khu 946 lởm chởm sỏi đá, một bên vách núi cao dựng đứng một bên là vực sâu. Ngày 26/8, dưới cơn mưa tầm tã, chúng tôi men theo con đường mòn được phát dọn dẫn vào khu vực rừng bị chặt phá.

Ghi nhận của PV Dân trí, ngoài số lau lách, tre nứa được phát dọn là hàng loạt khúc gỗ tròn có dấu vết vẫn còn rất mới bị chặt hạ nằm rải rác trong cánh rừng. Ẩn sau những tán cây rậm được “ngụy trang” là những gốc cây lớn cỡ 3 đến 4 người ôm bị cưa máy đốn ngã còn sót lại. Một số khúc gỗ lớn đã buộc sẵn dây thừng và tập trung một chỗ, sẵn sàng kéo ra khỏi rừng. Hiện trường còn những tấm ván và khúc gỗ ngắn không có giá trị bỏ lại.

Dấu cưa máy vẫn còn rất mới trên gỗ còn sót lại tại hiện trường (Ảnh: Doãn Hòa)
Dấu cưa máy vẫn còn rất mới trên gỗ còn sót lại tại hiện trường (Ảnh: Doãn Hòa)

Gỗ được xẻ thành từng tấm nằm dưới tán cây
Gỗ được xẻ thành từng tấm nằm dưới tán cây

Người dân địa phương cho biết, khu rừng này khoảng gần 20 năm trước là rừng khai thác và bãi tập kết gỗ của lâm trường Anh Sơn. Sau khi chuyển từ hoạt động khai thác sang bảo vệ và giao cho BQL rừng phòng hộ huyện Anh Sơn quản lý thì rừng đang trong quá trình phục hồi. Dư luận đang băn khoăn liệu có hay không việc chủ rừng lợi dụng việc trồng rừng phòng hộ để phá rừng như thực tế đã diễn ra?

“Tiền trảm, hậu tấu”

Năm 2014, BQL rừng phòng hộ huyện Anh Sơn được UBND tỉnh Nghệ An và Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An giao chỉ tiêu và phê duyệt dự án trồng 75,2 ha rừng phòng hộ. Tháng 7/2014, BQL rừng phòng hộ Anh Sơn ra quyết định phân công các Trạm bảo vệ rừng tổ chức phát thực bì để trồng rừng xen dặm.

Khúc gỗ lớn bị cưa tại hiện trường vụ việc
Khúc gỗ lớn bị cưa tại hiện trường vụ việc

Theo quyết định của BQL rừng phòng hộ huyện Anh Sơn thì Tiểu khu 946 được giao cho 2 chủ rừng Nguyễn Trọng Độ (Trạm trưởng trạm bảo vệ rừng Cao Vều) và Nguyễn Sinh Cùng (cán bộ trạm) phát và trồng rừng. Ngày 31/7, hai chủ rừng nói trên thuê nhiều nhân công để thực hiện phát thực bì theo kế hoạch.

Tuy nhiên, ngày 2/8, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường (PC49) Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với lực lượng kiểm lâm huyện Anh Sơn tổ chức bắt giữ tổng cộng 29,35m3 gỗ tại vị trí nằm trong diện tích BQL rừng phòng hộ Anh Sơn ra quyết định giao cho Trạm bảo vệ rừng Cao Vều tổ chức phát thực bì để trồng rừng phòng hộ.

Trao đổi với PV Dân trí, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Anh Sơn Đinh Nho Trọng khẳng định: “Trồng rừng phòng hộ có quy trình khác với trồng rừng sản xuất. Quy trình thiết kế trồng rừng phòng hộ ban đầu chỉ cho phép chặt, phát “băng chặt, băng chừa”, chỉ phát loại những cây còi, cây bụi, chuối…để thay bằng cây mới. Việc lực lượng tham gia dọn thực bì dùng cưa máy để đốn hạ cây lâu năm là sai”.

Khúc gỗ lớn bị cưa tại hiện trường vụ việc
Ông Phạm Đức Thế - cán bộ trạm kiểm lâm Cao Vều: "Sau khi cảnh sát môi trường vào cuộc thì họ mới gửi hồ sơ thiết kế trồng rừng sang cho chúng tôi".

Ông Phạm Đức Thế - cán bộ Trạm kiểm lâm Cao Vều cho hay: “Chiều ngày 31/7, nhận được thông tin chúng tôi đã có mặt tại khu rừng tiến hành kiểm tra và đình chỉ ngay việc phát rừng của hai chủ rừng. Khi thực hiện việc phát thực bì, trạm bảo vệ rừng Cao Vều cũng không hề thông báo cho lực lượng kiểm lâm. Đến ngày 4/8 sau khi cảnh sát môi trường vào cuộc thì họ mới gửi hồ sơ thiết kế sang cho Hạt kiểm lâm”.

Ông Nguyễn Tất Hòa - Trưởng BQL rừng phòng hộ huyện Anh Sơn - thừa nhận sự việc chặt, đốn hạ cây cao trong rừng phòng hộ là sai phạm. Hiện Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An đã đình chỉ việc phát thực bì tại trạm bảo vệ rừng Cao Vều. Chúng tôi cũng đang làm báo cáo giải trình vụ việc này.

Hiện toàn bộ số gỗ vi phạm hiện đang được tạm cất giữ ngay tại khuôn viên của Trạm bảo vệ rừng Cao Vều và Hạt kiểm lâm huyện Anh Sơn để chờ kết quả điều tra, xử lý.

Doãn Hòa - Nguyễn Duy