Quảng Bình:
"Xẻ thịt" di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng
(Dân trí) - Nhiều năm nay, khu vực vùng đệm di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng vùng thuộc địa phận xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đang bị "xẻ thịt" nghiêm trọng bởi nạn khai thác đá trái phép diễn ra rầm rộ.
Công trường khai thác đá
Theo phản ánh của nhiều người dân xã Phúc Trạch, chúng tôi đã có chuyến thị sát để tìm hiểu rõ hơn về vấn nạn này. Chúng tôi được một người thanh niên dẫn vào các điểm khai thác đá ở thôn Hà Lốt, xã Phúc Trạch. Từ UBND xã chạy theo đường Hồ Chí Minh nhánh Đông mất khoảng gần 4km là đến tâm điểm của vùng đệm - nơi đang diễn ra nạn khai thác đá trái phép.
Bên con đường dẫn vào thôn Hà Lốt có cắm tấm biển: “Nghiêm cấm khai thác, sản xuất vật liệu đá, nghiêm cấm các loại phương tiện ra vào vận chuyển đá”. Thế nhưng, điều “ngạc nhiên” là lưu lượng xe ra vào vận chuyển đá với mật độ rất cao (khoảng 30 phút đã có hàng chục xe ra vào).
Nắm chút tình hình, người thanh niên này dẫn chúng tôi “đột nhập” vào các điểm khai thác đá tại thôn Hà Lốt. Đặt chân tới thôn Hà Lốt, tôi thật sự hoảng hốt khi nghe tiếng mìn nổ như giáng bên tai, khói bụi bay trắng xoá cả một vùng trời. “Cứ đà này, chẳng mấy chốc nữa dãy núi đá vôi ở thôn Hà Lốt sẽ biến mất thôi” – anh thanh niên này chặc lưỡi.
Phát hiện chiếc xe IFA đang đi vào mỏ đá, chúng tôi trong vai nhà thầu đang cần khối lượng đá xây dựng rất lớn. “Các anh ưa mấy chúng tôi cũng cung cấp đủ hết” – vị lái xe thật thà nói. Anh bạn đi cùng tiếp tục rú ga băng qua eo Phoóc Mông để tiến sâu vào phía trong vùng đệm. Tại đây tôi thật sự “choáng” khi chứng kiến cảnh khai thác đá diễn ra rầm rộ như một công trường. Cả một vùng núi đá vôi rộng lớn thuộc vùng đệm di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng đang bị “xẻ thịt” nham nhở.
Theo ghi nhận của PV, trong khu vực này ít nhất cũng có tới trên 20 điểm khai thác đá. Anh Lương, chủ một địa điểm khai thác đá niềm nở: “Các anh mua đá xây dựng phải không? Ở Bố Trạch này tìm chỗ mua đá khó lắm. Mua ở đây là thuận tiện nhất, vận chuyển lại dễ dàng, giá cả phải chăng. Hơn nữa đá ở đây chất lượng tốt lắm. Các anh cứ xem đi”.
Theo anh Lương, giá một khối đá hộc chưa tính công bốc lên xe là 90 ngàn đồng, còn đá xay khoảng từ 160 đến 180 ngàn đồng. Thấy chúng tôi lưỡng lự, anh Lương liền nói thêm, các anh đi các điểm khai thác khác mà hỏi và khảo sát giá cả rồi có gì quay lại. Tôi không nói thách đâu.
Khi được hỏi: “Các anh khai thác đá ở đây làm sao để “qua mặt” được chính quyền”. “Nếu họ làm căng thì chúng tôi đem máy về nhà nghỉ một thời gian, thấy nguôi ngoai chúng tôi lại tiếp tục ra khai thác tiếp” - một chủ khai thác đá trái phép tại thôn Hà Lốt cho hay.
“Chính quyền biết nhưng khó cấm triệt để”
Trước tình trạng khai thác đá trái phép diễn ra rầm rộ tại khu vực vùng đệm di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng, vùng thuộc địa phận xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, chúng tôi đã có cuộc làm việc với lãnh đạo chính quyền địa phương này.
Ông Trương Văn Xá, Trưởng thôn Hà Lốt – một trong những điểm nóng về khai thác đá trái phép cho biết, thôn có 88 hộ với hơn 400 nhân khẩu. Hà Lốt là thôn nghèo, cuộc sống người dân ở đây rất bấp bênh, đất canh tác không có nhiều chỉ trồng được ngô, lạc và ít lúa nhưng mấy năm trở về đây do lũ lụt mất mùa liên miên, dân không có nghề kiếm sống ổn định, ngày trước thì bám rừng, giờ chỉ bám đá mà kiếm cơm thôi.
Theo quan sát của chúng tôi, tình trạng khai thác đá trái phép không chỉ diễn ra ở thôn Hà Lốt mà vấn nạn này còn diễn ra ở thôn 3 Phúc Đồng, thôn 4 Thanh Sen và cả người ngoài Troóc vào khai thác nữa.
Theo quan sát của PV Dân trí ở thôn Hà Lốt cũng có đến ít nhất trên 20 điểm khai thác đá
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Hiền, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Trạch khẳng định, việc người dân tự ý khai thác đá đã tồn tại nhiều năm nay, ban đầu chỉ vài ba hộ khai thác lẻ tẻ nhưng bây giờ đã lên đến khoảng trên 20 điểm khai thác.
Chính quyền địa phương đã nhiều lần gọi các hộ ra kiểm điểm, xử phạt hành chính, cắm biển cấm nhưng cũng chỉ được một thời gian vì nhu cầu sử dụng đá rất lớn. “Để xử lý dứt điểm về tình trạng này là rất khó. Người dân ở đây mong muốn Nhà nước tạo công ăn việc làm cho họ để họ từ bỏ nghề đá” – ông Hiền nói.
Cũng theo ông Hiền, vừa qua xã đã gọi 7 hộ gia đình lên kiểm điểm, xử lý vi phạm hành chính (mỗi hộ bị phạt 500 ngàn đồng) và yêu cầu chấm dứt khai thác đá không phép. “Nói chính quyền không biết về sự việc này là không đúng, việc khai thác đá ở vùng đệm là vi phạm pháp luật nhưng vì thấy dân tội quá nên chính quyền xử lý không quyết liệt. Đại đa số các hộ khai thác đá là các hộ nghèo, họ làm đá ra bán chỉ đủ mua gạo sống qua ngày thôi” - ông Hiền thẳng thắn.
Ông Nguyễn Văn Huyên, Phó ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng cho biết, vùng đệm là vùng bảo vệ bên ngoài vùng lõi chống sự xâm lấn tác động tới di sản. Muốn bảo vệ tính nguyên vẹn của vùng lõi thì phải bảo vệ vùng đệm.
Trách nhiệm bảo vệ vùng đệm thuộc về chính quyền địa phương. Còn trách nhiệm của Ban quản lý Vườn với vùng đệm chưa được quy định rõ ràng. Việc khai thác đá ở vùng đệm di sản đã xảy ra lâu rồi, chính quyền xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch cũng đã nhiều lần kiểm tra, xử lý nhưng mọi chuyện đâu lại vào đó.
Khi hỏi về trách nhiệm của Vườn về vấn nạn này, ông Huyên cho hay, trách nhiệm chính thuộc về chính quyền địa phương, Vườn chỉ có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương để xử lý thôi. Vườn không thể đem người ra cấm dân khai thác mỏ đá được.
Cứ theo như ý kiến của ông Hiền và cách trả lời “đá bóng trách nhiệm” của vị lãnh đạo Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng này thì chỉ trong nay mai thôi những giá trị về cảnh quan, không gian và môi trường sinh thái vùng đệm khu di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng sẽ bị hủy hoại nghiêm trọng. Và lúc đó, danh hiệu di sản sẽ đứng trước nhiều nguy cơ khó lường!
Đặng Tài