Thanh Hóa:
Xe quá tải vẫn lọt trạm cân, hàng trăm phương tiện đường thủy chưa đăng kiểm
(Dân trí) - Không những xe quá khổ, quá tải vẫn ngang nhiên “qua mặt” cơ quan chức năng mà hàng trăm phương tiện đường thủy vẫn chưa được đăng kiểm là thực trạng đang diễn ra trên địa bàn Thanh Hóa. Điều này đồng nghĩa với việc nguy cơ mất an toàn giao thông vô cùng lớn.
Theo báo cáo của Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa, đến ngày 30/6, trên địa tỉnh có 18.701 phương tiện xe tải, trong đó có 665 xe ô tô ben có kích thước thành thùng lớn và có tải trọng từ 10 tấn trở lên, đây chủ yếu là dòng xe Howo, Dongfeng, Thaco… do Trung Quốc sản xuất. Và ghi nhận từ thực tế cũng cho biết, đây chính là loại xe chuyên chở vật liệu quá tải, phá đường, làm hư hỏng cầu cống...
Nguyên nhân tình trạng xe quá khổ, quá tải vẫn lưu hành là do những xe này chủ yếu được nhập khẩu về nước trước Thông tư 32 của Bộ GTVT, trong số 665 xe thì có 415 xe được nhập trước khi có thông tư. Vì vậy, những xe này được phép lưu hành, không thể bắt chủ xe cắt thùng, mà giải pháp là vận động tuyên truyền chủ các phương tiện này tự nguyện cắt.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn còn một số doanh nghiệp coi trọng lợi ích trước mắt, chưa tự giác cắt bớt thùng xe quá khổ. Thậm chí, có doanh nghiệp, chủ phương tiện cố tình không chấp hành kiểm tra, gây khó khăn cho lực lượng thi hành công vụ.
Bên cạnh đó, cũng còn một số địa phương chưa thực sự vào cuộc, quyết liệt kiểm soát tải trọng phương tiện hoặc thiếu trang thiết bị cần thiết, chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp vi phạm. Công tác phối hợp giữa lực lượng chức năng với chính quyền địa phương trong thực hiện nội dung nêu trên chưa đạt hiệu quả cao. Cập nhật tình hình cho biết, hiện tỉnh Thanh Hóa mới vận động được 202 xe, còn 213 ôtô tải ben có kích thước thùng lớn, trọng tải từ 10 tấn trở lên vẫn chưa được cắt thùng.
Tại buổi chất vấn kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa 16 ngày 17/7, cử tri tại thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) phản ánh vẫn còn trình trạng xe quá tải ngang nhiên chạy qua trạm cận lưu động. Trong đó chủ yếu là xe biển Ninh Bình. Đặc biệt, những chiếc xe này thường chạy vào ban đêm từ 22h đến 4h sáng nhưng không bị lực lượng chức năng xử lý.
Trả lời câu hỏi của cử tri, ông Mai Xuân Liêm, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa thừa nhận tình trạng trên là có thật. Theo ông Liêm đây là trạm cân xe tải trọng lưu động do Cục Quản lý đường bộ 2 (Tổng cục đường bộ Việt Nam), được điều về đây tăng cường 2 tháng.
“Ngày 15/7 vừa qua, trạm này đã rút khỏi địa bàn sau 2 tháng tăng cường. Việc cử tri phản ánh là đúng, tôi đã nhiều lần đi công tác Hà Nội qua đây, nhưng chưa bao giờ thấy trạm này cân bất cứ một xe nào, việc này tôi cũng đã gọi điện phản ánh đến lãnh đạo Cục quản lý đường bộ 2. Tuy nhiên, do trạm cân này không thuộc quản lý của Sở nên chúng tôi chỉ phối hợp xử lý” – ông Liêm khẳng định.
“Còn việc trong số 213 xe chưa cắt thùng, nếu vi phạm chở quá tải 2 lần, thì lần tiếp theo nếu vi phạm thì sẽ bị chúng tôi cưỡng chế cắt bỏ thành thùng” – ông Liêm nói.
Ngoài tình trạng xe quá tải “lọt” trạm cân, tình trạng hàng trăm phương tiện đường thủy chưa đăng ký, đăng kiểm cũng được nhiều cử tri, đại biểu HĐND quan tâm phản ánh.
Cũng theo báo cáo của Sở GTVT Thanh Hóa thì hiện trên địa bàn tỉnh này có 1.519 phương tiện vận tại thủy nội địa. Trong số 880 phương tiện bắt buộc phải có đăng ký, đăng kiểm, mới chỉ thực hiện được 567 phương tiện.
Không những thế, trong số này 313 phương tiện không đăng ký, đăng kiểm có không ít phương tiện còn được sử dụng vào mục đích khai thác cát sỏi trái phép, tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự trị an trên các tuyến sông.
Trước thực trạng trên, những năm qua, Sở GTVT đã mở nhiều đợt tuyên truyền cho các chủ phương tiện làm các thủ tục đề nghị cơ quan quản lý nhà nước đăng ký, đăng kiểm cho các phương tiện còn lại. Bên cạnh đó, thông qua tuần tra, kiểm soát, các cơ quan chức năng cũng đã xử phạt nhiều chủ phương tiện không có đăng ký, đăng kiểm, vi phạm hoạt động vận tải đường thủy.
Chỉ tính từ đầu năm 2015 đến nay, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra và xử phạt 237 trường hợp phương tiện vận tải thủy nội địa vi phạm an toàn giao thông đường thủy, thu về ngân sách nhà nước trên 233 triệu đồng.
Mặc dù vậy, theo ông Liêm, tình trạng hoạt động của các phương tiện vận tải đường thủy trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều phức tạp, việc hàng trăm phương tiện đường thủy chưa đăng ký đăng kiểm nguyên nhân là do một số phương tiện không có hồ sơ thiết kế được duyệt. Những người hành nghề trong lĩnh vực giao thông đường thủy còn hạn chế hiểu biết về luật, chưa thực sự coi trọng việc đăng kiểm các phương tiện. Các ngành, các địa phương chưa có sự phối hợp trong công tác quản lý lĩnh vực này, cộng với lực lượng TTGT mỏng, thiếu phương tiện, công cụ tuần tra, kiểm soát…
Trước vấn đề bức xúc của người dân, ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu ngành giao thông cần tăng cường xử lý dứt tình trạng xe quá khổ, quá tải và nhanh chóng vận động cắt nốt số xe chưa cắt thùng còn lại.
“Đến ngày 30/8 nếu còn cử tri nào phản ánh tới hội đồng thực trạng xe quá tải, cơi nới thành thùng thì lãnh đạo Sở GTVT phải chịu trách nhiệm” – ông Chiến nói.
Về vấn đề các phương tiện giao thông đường thủy chưa đăng ký, đăng kiểm, Bí thư tỉnh ủy – Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu từ nay đến 12/2015, ngành GTVT Thanh Hóa phải hoàn thành đăng ký, đăng kiểm cho các phương tiện vận tải đường thủy còn lại; triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn trên các tuyến giao thông đường thủy, hạn chế các tai nạn có thể xảy ra.
“Phải xử lý nghiêm những phương tiện vi phạm, nhất là những phương tiện vừa không có đăng ký đăng kiểm, vừa tham gia khai thác cát sỏi trái phép trên các tuyến sông” - ông Chiến nhấn mạnh.
Nguyễn Thùy