Xe ôm “thắt lòng” vì khách… giảm mạnh
(Dân trí) - Giá xăng tăng buộc các bác xe ôm phải tăng giá. Vật giá tăng cao khách xe ôm giảm hẳn. Thu nhập teo tóp, nhiều người bỏ nghề hoặc phải kiêm thêm bốc vác, chuyển hàng...
6 giờ sáng, ông Tư lại bắt đầu hành trình 14 cây số từ nhà ở Hóc Môn (TP.HCM) sang tận Gò Vấp để đón khách trên đường Nguyễn Kiệm. Trước đây, tên đường từ nhà ra "bến", ông còn bắt được khách để bù phần tiền xăng nhưng lâu nay thì tuyệt nhiên không.
Đến tận 11 giờ trưa, dù liên tục tục mời khách từ xe buýt xuống nhưng ông chỉ nhận được những cái lắc đầu. Nửa ngày trôi qua, ông không kiếm được đồng nào. “Trước đây ít nhiều gì còn có khách, giờ nhiều hôm ngồi không từ sáng đến chiều tối mới về với các túi rỗng không, còn mất thêm nửa lít xăng”, ông Tư nói.
Nửa ngày trôi qua, ông Tư không có một người khách nào
Khi giá cả mọi thứ tăng cao, khách xe ôm đã chuyển sang những hình thức đi lại khác tiết kiệm hơn như xe buýt, xe đạp… nên những người hành nghề xe ôm gặp khó khăn.
“Trước còn có khách lên Q.1, chợ Lớn… mỗi chặng 40.000 - 50.000 đồng, giờ lên giá 60.000 - 70.000 đồng/ lượt, có việc cần gấp lắm người ta mới đi. Còn không người ta đi xe buýt”, ôn Tư trần tình.
Đứng gần chỗ ông Tư, bác xe ôm khác đang gật gà gật gù giấc ngủ… ngay trên yên xe. Mỗi khi nghe tiếng xe buýt ghé bến hay người qua lại ông lại giật mình tỉnh giấc ngủ vội vồn vã mời khách. Rồi lại chợp mắt…
“Giao lộ này trước đây có cả chục người chạy xe vẫn sống nổi. Giờ chuyển nghề hết, chỉ vài ba người trụ lại mà vẫn khó...”, người này nói. Ông vẫn cố chạy xe bởi còn có khách quen là những người lớn tuổi đi chùa, đi lễ. Tuy nhiên, lượng khách này cũng đang giảm đi khi mà họ chuyển dần sang đi xe buýt.
Vắng khách, đồng tiền khó kiếm những người chạy xe phải tìm cách xoay xở cho mình. Thay vì có thể mua nước uống như trước, giờ người nào người nấy đóng nước lọc trong chai mang theo. “Nhiều hôm, bà nhà tôi còn chuẩn bị cơm cho tôi mang theo nữa. Khách không có lấy tiền đâu ăn quán”, ông Tư bộc bạch.
Có thể kiếm sống bằng việc chạy xe cả chục năm nay, nhưng đến giờ ông Dũng - chạy ôm ở công viên Hoàng Văn Thụ - phải làm thêm những công việc khác khi mà khách đi xe vắng hẳn. Trước trung bình mỗi ngày ông chạy xe được khoảng 100.000 đồng, giờ giá xăng tăng, khách lại ít, ngày cao lắm chỉ được trên 60.000 đồng.
Khách đi lại giảm, những giấc ngủ vội của các bác xe ôm càng thêm chập chờn
Thu nhập giảm không trụ nổi với giá cả nhà trọ, điện nước, ăn uống tăng… mới đây người đàn ông đã gần 60 tuổi này tranh thủ lúc sáng sớm đi bốc hàng hóa cho các đại lý sắt thép trên đường Lý Thường Kiệt kiếm thêm vài chục nghìn đồng/ngày.
Theo ông Dũng, khách đi giảm không chỉ vì giá chạy xe tăng. Ông chấp nhận giữ mức giá cũ như khi xăng chưa tăng giá, bớt lãi vẫn không ăn thua vì người ta cắt giảm tiêu. “Người khá giả vẫn vẫy taxi, nghèo thì đi xe buýt, xe đạp. Dở dở như xe ôm là ế ẩm nhất. Bao nhiêu năm sống được bằng cái nghề của mình, thế mà giờ thành vất vưởng”, giọng ông Dũng xót xa.
Anh Tùng, chạy xe ở khu vực chợ cầu Ông Lãnh (Q.1) cả tháng nay vắng khách quá nên quay sang phụ vợ đi thu gom đồng nát. Lúc xong việc thì ra đứng bắt khách hoặc khi người quen gọi chở thì đi.
Thu nhập gia đình bị giảm, chi tiêu vô cùng eo hẹp. Mới đây, trường học của con thông báo tăng tiền bán trú lên 150.000 đồng/tháng, vợ chồng anh chỉ biết nhìn nhau thở dài. “Trước giờ tôi không dám chạy xe đêm khuya vì nguy hiểm, trộm cướp toàn nhằm vào xe ôm. Nhưng rồi chắc phải liều chạy đêm để kiếm tiền”, anh Tùng cho hay.
Bài và ảnh: Hoài Nam