Xe đón khách dọc đường: Cần sự quyết liệt của chính quyền địa phương
(Dân trí) - “Hiện quy định xe không được dừng đỗ dọc đường cũng đã phát sinh những vị trí dừng đón trả khách có bảo kê, không thể “sờ” vào được. Còn khi đã lập điểm dừng thì trách nhiệm xử lý thuộc về các địa phương”.
Đó là trao đổi của ông Khuất Việt Hùng - Quyền Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) - với PV Dân trí trước nhiều ý kiến về nguy cơ tạo điểm nóng về trật tự xã hội khi lập các điểm dừng đón trả khách dọc đường theo quy định tại dự thảo Thông tư 14 sửa đổi.
Ông nhìn nhận như thế nào về quy định lập điểm dừng đón trả khách dọc đường trong dự thảo Thông tư quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ?
Trong thông tư mà Bộ GTVT đang đưa ra để xin ý kiến các Bộ, ngành, điạ phương và toàn dân thì những nội dung về điểm dừng đón, trả khách bao gồm những tiêu chí cơ bản về điểm dừng, đón trả khách và quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước.
Dự thảo ghi rõ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và công bố quy hoạch các điểm dừng đón, trả khách dành cho các tuyến vận tải hành khách cố định trên địa bàn tỉnh, thành phố...; quy định và phân công cơ quan chức năng thực hiện đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác, giữ gìn trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông cho hành khách, phương tiện và nhân dân trong khu vực.
Nhiều ý kiến nêu ra có lý từ thực tế tuyến Hà Nội - Hải Phòng đang rất phức tạp. Việc lập điểm dừng đỗ đón trả khách vô hình chung sẽ tạo điều kiện cho một số đối tượng gây mất trật tự xã hội và trật tự an toàn giao thông. Theo ông có nên để quy định này trong dự thảo?
Chúng ta phải khẳng định là xuất phát từ đặc điểm phát sinh nhu cầu đi lại của nhân dân, ví dụ sẽ có những người chỉ cần đi thẳng từ Hà Nội về Hải Phòng, nhưng trên dọc hành trình Hà Nội - Hải Phòng còn có rất nhiều làng xã, thị trấn, thị tứ khác mà người dân cũng có nhu cầu đi lại đến Hà Nội hoặc đến Hải Phòng bằng xe khách.
Nhưng tâm lý của người dân lâu nay là cứ tiện đâu bắt xe lên/xuống ở đó, nên có chắc rằng khi lập điểm đón trả khách rồi họ sẽ tập trung về một chỗ?
Khi lập quy hoạch những mạng lưới, vị trí điểm dừng đón trả khách thì chắc chắn các địa phương sẽ phải căn cứ vào những điểm phát sinh nhu cầu chứ không phải cắm điểm đỗ lung tung và cắm rồi không ai đến đi. Tôi nghĩ rằng chỉ có quy định cụ thể, rõ ràng, phù hợp nhu cầu của nhân dân và đơn vị vận tải mới có cơ sở để giải quyết được tình trạng xe bắt khách dọc đường.
Đơn cử như ở Hà Nội, trước năm 2001 xe buýt cũng dừng đỗ đón khách lung tung trên đường, chỗ nào có khách thì dừng, đến khi Sở Giao thông Vận tải yêu cầu xe buýt phải dừng đỗ đón trả khách đúng điểm quy định, cũng có phản ứng là sẽ gây bất tiện cho người dân. Nhưng thực tiễn vận tải xe buýt Hà Nội và các địa phương khác cho thấy, nhân dân mong muốn và ủng hộ việc nhà nước quy hoạch điểm dừng, đón trả khách thuận tiện và tổ chức quản lý nghiêm để tạo thói quen đi lại trật tự, an toàn cho hành khách và phương tiện. Khi người dân biết rằng đến những điểm đó là có xe thì họ sẽ tập trung tại điểm dừng đỗ.
Đã có bằng chứng thực tế về sự thất bại của trạm dừng nghỉ tại tỉnh Ninh Bình khi xe khách không ghé vào dừng đỗ đón trả khách, ông nghĩ sao về điều này?
Trước tiên chúng ta cần phân biệt rõ trạm dừng, nghỉ là để phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi cho lái xe và hành khách trên hành trình, còn điểm dừng đón, trả khách chỉ phục vụ nhu cầu lên, xuống xe của hành khách. Thời gian dừng tại trạm dừng nghỉ có thể lên tới 15, thậm chí 30 phút, trong khi hiện nay trong dự thảo đang quy định thời gian dừng tối đa tại điểm dừng đón trả khách là 5 phút. Vì vậy, chọn vị trí xây dựng trạm dừng nghỉ phải xem vị trí đó có phù hợp vị trí dừng xe để nghỉ ngơi, ăn uống, mua sắm, phục vụ các nhu cầu cá nhân khác của hành khách và lái xe trên cung đường sau một số giờ khởi hành nhất định hay không.
Ông có đặt ra lo ngại nào về việc sẽ phát sinh vấn đề trật tự an toàn tại các điểm dừng đỗ đón trả khách dọc đường?
Khi chúng ta đã có quy hoạch, xây dựng, đặt tên điểm dừng và giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương tổ chức quản lý, khai thác đúng quy định thì rõ ràng sẽ tốt hơn. Và nếu cơ quan ở địa phương không làm hết trách nhiệm được giao thì các cơ quan thanh, kiểm tra sẽ xử lý.
Ông tin tưởng tính khả thi của quy định này?
Dự thảo thông tư đang được phát hành để xin ý kiến rộng rãi của nhân dân trên website http://www.mt.gov.vn/Default.aspx?tabid=40&catid=314&articleid=16760 |
Ở Việt Nam, chúng ta đang có một thực tiễn là phương tiện đang đón trả khách dọc đường và tại một số trạm dừng, nghỉ, quán ăn trên hành trình thì khách vẫn lên xuống xe tại đó và rõ ràng là chưa có hiện tượng hành khách lên, xuống xe tại các quán ăn mà lại gặp tai nạn giao thông bao giờ. Bởi thế, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào việc lập các điểm đón trả khách dọc đường.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Châu Như Quỳnh (thực hiện)