1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Xe dừng đón khách dọc đường: Nguy cơ tạo điểm nóng xã hội đen

(Dân trí) - “Lập điểm dừng đỗ đón khách dọc đường mà không quản lý được, nguy cơ tạo “điểm đen” để sinh ra xã hội đen là rất lớn. Bằng chứng là trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng đang có tình trạng các xe tranh giành khách bằng cách dùng đầu gấu uy hiếp”.

Ông Nguyễn Anh Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Bến xe khách Việt Nam - cho biết xung quanh nội dung thảo Thông tư quy định về hoạt động vận tải bằng ô tô, thay thế Thông tư 14 năm 2010 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).

Theo ông Dũng, trong vận tải hành khách có 2 vấn đề lớn là quyền lợi của doanh nghiệp và an toàn giao thông, bởi thế có trạm dừng nghỉ là đúng nhưng phải bố trí và quản lý như thế nào cho hợp lý.

Dự thảo thông tư 14 sửa đổi quy định, xe khách được dừng đỗ tại mỗi điểm không quá 5 phút và mỗi điểm cách nhau tối thiểu 5 km trong khu vực đô thị và 10 km ngoài đô thị. Việc quy hoạch các điểm dừng đỗ đón trả khách trên các tuyến đường sẽ do UBND cấp tỉnh thực hiện và công bố trước ngày 30/6/2014.

Với quy định này, ông Dũng cho rằng không thể lập biển dừng đỗ cho xe đón trả khách trong khu vực nội thành các thành phố lớn, bởi trong nội đô đã có tổ chức xe buýt, đường sá chật hẹp, giao thông đông đúc, nếu cho xe khách dừng đỗ đón trả khách trong nội đô thì giao thông sẽ rối loạn và dễ phát sinh xe dù bến cóc.
 
Dự thảo quy định lập điểm đỗ cho xe khách đón khách dọc đường
Dự thảo quy định lập điểm đỗ cho xe khách đón khách dọc đường
đang vấp phải nhiều ý kiến phản đối

Với khu vực ngoại thành, việc lập điểm dừng đỗ cũng cần phải khảo sát, xem xét kỹ để tránh những hệ quả về trật tự xã hội cũng như nguy cơ tạo mâu thuẫn trong hoạt động vận tải hành khách hiện nay.

“Để lập điểm dừng phải liên quan đến vấn đề tiền sẽ lấy ở đâu, ai đầu tư xây dựng hạ tầng, ai quản lý thời gian xe dừng dỗ và quản lý hạ tầng đó? Việc cắm biển đồng thời làm nảy sinh nạn xe dù bến cóc nhiều hơn, ở những điểm dừng đỗ này nếu không quản lý chặt chẽ thì sẽ nảy sinh ra tình trạng có bảo kê, xã hội đen tại các địa phương có điểm dừng đỗ đó.

Thực tế trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng, các nhà xe tranh cướp khách, thậm chí dùng xã hội đen để uy hiếp và thanh toán nhau, vấn đề này đã rất phức tạp mà lâu nay vẫn chưa giải quyết được dứt điểm, vậy thử hỏi khi lập điểm dừng đỗ dọc quốc lộ thì có chắc rằng hoạt động vận tải hành khách sẽ tốt hơn hay nguy cơ làm ăn không lành mạnh của các doanh nghiệp sẽ cao hơn?” - ông Dũng phân tích.

Cũng theo ông Dũng, hiện quy định không cho dừng đỗ dọc đường nhưng các doanh nghiệp vận tải vẫn cứ dừng và chấp nhận chịu phạt nếu bị bắt, lý do là vì lợi nhuận, vì thu được nhiều tiền hơn khi không bị quản lý.

Trong dự thảo Thông tư này, Bộ GTVT cũng quy định với một tuyến đường bộ mới mở hoặc nâng cấp, chủ đầu tư phải có trách nhiệm đưa các điểm đón trả khách vào thành một hạng mục đầu tư, với tuyến đường đang khai thác thì cơ quan quản lý đường có trách nhiệm lập dự án xây dựng; các tỉnh sẽ phân công cơ quan chức năng đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác, giữ vệ sinh và đảm bảo an toàn giao thông cho hành khách và phương tiện... Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến đã chỉ ra những bất cập và thiếu tính khả thi của quy định.

Ông Lê Huy Phong - Giám đốc bến xe Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) - nhìn nhận việc lập điểm dừng đỗ dọc quốc lộ để đón khách là không hợp lý và nguy cơ phá sản cao.

Dẫn chứng về lời nói của mình, ông Phong cho biết: “Từ năm 2008, chúng tôi đã mở trạm nghỉ để các xe khách qua địa phương có thể dừng đỗ, cho hành khách nghỉ ngơi trên hành trình. Chúng tôi không thu bất kỳ khoản tiền đối với các xe khách vào trạm nghỉ, thậm chí trong trạm nghỉ luôn có điều hòa, nước sạch, bàn ghế phục vụ miễn phí. Thế nhưng, suốt 5 năm, trên tuyến Quốc lộ 1A đoạn địa phận tỉnh Ninh Bình hàng ngày có không dưới 10.000 lượt xe chạy qua vậy mà không có xe khách nào ghé vào dừng đỗ ở trạm nghỉ của chúng tôi. Đây là bằng chứng thực tế nhất cho vấn đề này”.

Theo ông Phong, người dân rất thích vào trạm nghỉ, xe tải và xe con chạy qua địa phận Ninh Bình cũng ghé vào trạm nghỉ rất nhiều. Vậy tại sao xe khách lại không dừng đỗ trong trạm nghỉ? Câu hỏi này chỉ có các doanh nghiệp vận tải, các nhà xe chạy trên tuyến mới có thể trả lời được.

Ông Lê Xuân Ngân - Giám đốc bến xe Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) cũng cho rằng quy định trong dự thảo giúp rất nhiều cho doanh nghiệp vận tải nhưng chưa chú trọng tới lợi ích của người đi xe, của hành khách. Nếu lập điểm dừng đỗ rồi mà không quản lý được thì sẽ là điều kiện để sinh ra các đối tượng xã hội đen thâu tóm các điểm này.

Mặt khác, ông Ngân chỉ rõ: “Sinh ra bến xe để hành khách vào bến, bởi thế mới có quy định hành khách phải vào bến mua vé để được đảm bảo quyền lợi đi xe, lập trật tự giao thông và hướng tới mục tiêu văn minh. Nhưng nếu lập các điểm dừng đỗ dọc đường hành khách sẽ không vào bến xe nữa, điều này cũng có nghĩa các quy định trong cùng một lĩnh vực sẽ đá nhau”.

Châu Như Quỳnh