1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Xẻ đôi” khu bảo tồn để làm thủy điện

(Dân trí) - Dự án thủy điện A Chò chưa kịp khởi công đã vấp phải sự phản ứng của người dân và nhiều cơ quan tỉnh Quảng Trị vì cho rằng việc xây nhà máy thủy điện này sẽ phá hoại Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Đak-rông.

“Xẻ đôi” khu bảo tồn để làm thủy điện - 1
Dự án thủy điện nếu không được tính toán nhiều mặt sẽ "lợi bất cập hại" (ảnh minh họa).
 
Thủy điện nhỏ “phá” khu bảo tồn lớn
 
Khu BTTN Đak-rông thành lập năm 2000, được coi là vùng có giá trị đa dạng sinh học cao, với nhiều loài động thực vật quý hiếm, đặc hữu của thế giới và Việt Nam như sao la, gấu ngựa, voọc, gà lôi lam mào trắng, lan kim tuyến, kim giao… Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt còn là khu vực rừng đầu nguồn, đóng vai trò đặc biệt quan trọng làm “chốt chặn” cản lũ quét miền ngược.
 
Theo Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị, toàn bộ diện tích khu vực dự kiến triển khai xây dựng thủy điện A Chò (hơn 53 ha) đều nằm trong Khu BTTN Đak-rông, trong đó các hạng mục hồ chứa, kênh dẫn, đập dâng, ống áp lực, đường vận hàng nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, còn khu nhà máy và quản lý vận hàng nằm trong phân khu phục hồi sinh thái.
 
Báo cáo mới nhất của Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị gửi UBND tỉnh này cho hay, nếu xây dựng thủy điện A Chò, Khu BTTN Đak-rông sẽ bị chia cắt làm đôi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan, sinh thái và đa dạng sinh học của Khu.
 
Ông Lê Văn Quý - Phó Chi cục trưởng thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Chi cục Kiểm lâm không đồng tình việc triển khai dự án thủy điện A Chò”.
 
Để chứng minh lý do không đồng tính, ông Quý khẳng định việc xây dựng công trình, mở mang giao thông và lượng người tập trung đông sẽ làm các loài động vật di trú và gây áp lực lớn cho việc bảo vệ rừng, đặc biệt ở các tiểu khu lân cận công trình vốn có trữ lượng gỗ lớn nhất Khu hiện nay. Cụ thể, ngoài 38 ha rừng già và 15 ha đất khe suối bị “khai tử”, diện tích rừng bị ảnh hưởng lên tới 4.000 ha.
 
Trước đó, trong công văn gửi Công ty CP thủy điện A Chò, BQL Khu BTTN Đak-rông cũng bày tỏ sự “hết sức lo ngại” đến công tác bảo vệ rừng khi công trình thủy điện được xây dựng.
 
Có quan điểm giống như Chi cục Kiểm lâm tỉnh, BQL cho rằng những vấn đề về ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn, di dân tự do… tuy đã được nhắc đến trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án nhưng chưa đánh giá đầy đủ và chưa có giải pháp thuyết phục. BQL cũng dẫn quy chế quản lý rừng do Thủ tướng ban hành để làm căn cứ phản đối dự án này.
 
Được biết, dự án thủy điện A Chò đã được “nhấc lên đặt xuống” từ năm 2004, khi không được UBND tỉnh và các ngành liên quan ủng hộ. Song không hiểu vì sao dự án này đến nay lại được tái khởi động và tiếp tục gây phản ứng trong dư luận về vấn đề môi trường cũng như nghi ngờ về việc dự án “mượn” thủy điện để khai thác vàng sa khoáng trên sông Đak-rông.
 
Thủy điện như nấm sau mưa
 
Thủy điện A Chò chỉ là một ví dụ điển hình cho thực trạng phát triển thủy điện nhỏ rầm rộ ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế trong những năm qua.
 
Ở TT-Huế, theo quy hoạch hệ thống thủy điện vừa và nhỏ đến năm 2015, tỉnh này có tới 12 nhà máy, trong đó trên sông Bồ có 7 nhà máy. Ngoài 5 nhà máy gần hoàn thành, các nhà máy còn lại đang trong giai đoạn xây dựng, trong đó đáng kể nhất là nhà máy thủy điện A Lưới, thủy điện Bình Điền, Tả Trạch, Hương Điền.
 
Tính đến đầu năm 2008, Quảng Trị cũng có tới 17 dự án thủy điện, chủ yếu nằm ở các huyện miền núi Đak-rông và Hướng Hóa. Không kém phần “khổ sở” như sông Bồ, sông Đak-rông cũng phải “gánh” tới 6,7 dự án thủy điện đã và đang khởi động, trong đó có thủy điện A Chò.
 
Quảng Bình dù “đi sau” nhưng đến nay cũng đã khởi động dự án thủy điện La Trọng có công suất 20 MW và 3 dự án khác đang trình chờ phê duyệt.
 
Không đợi đến cơn bão số 9 vừa qua, dư luận mới nhắc đến nguy cơ lũ lụt mà hạ lưu các con sông phải gánh chịu khi các hồ thủy điện thượng nguồn đồng loạt xả nước.
 
Năm 2007, khi thủy điện Rào Quán (Quảng Trị) xả nước với lưu lượng 200m3/giây, hạ lưu sông Thạch Hãn đã dâng nhanh khiến hàng nghìn hộ dân huyện Triệu Phong ngập sâu trong nước. Người dân lo ngại rằng, trong những năm tới nếu các công trình thủy điện hoàn thành và đồng loạt xả nước khi lũ đến, chuyện gì sẽ xảy ra với các huyện ở hạ lưu sông Thạch Hãn và Đak-rông, vốn có địa hình dốc và hiểm trở.
 
Trong cơn bão số 9, riêng thủy điện Bình Điền (TT-Huế) mở 5 van xả lũ để giảm áp lực cho hồ chứa đã vượt cao trình tới 8m, người dân ở vùng hạ lưu sông Hương đã phải chịu cảnh ngập lụt kéo dài.
 
Vùng hạ lưu sông Hương, sông Bồ nơi có hàng vạn hộ dân các huyện vùng trũng Hương Trà, Phong Điền, Quảng Điền xưa nay đã chịu cảnh “chưa mưa đã lụt” lo rằng, tình hình sẽ còn bi đát hơn nếu lũ trời kết hợp với lũ từ bàn tay con người.
 
Theo đánh giá của các chuyên gia địa chất: địa chất Quảng Bình, Quảng Trị vốn dốc, các con sống ngắn có tốc độ chảy cao nên khi các hồ thủy điện xả nước sẽ tạo áp lực lớn cho các vùng hạ lưu.
 
Ngược lại, vào mùa khô khi các hồ chứa chặn dòng để tích nước, nguy cơ hạn hán - vốn là “bệnh kinh niên” của các tỉnh miền Trung này sẽ càng trầm trọng hơn.
 
Đó cũng là điều mà các nhà quản lý cần cân nhắc trong quy hoạch phát triển thủy điện, vốn đã có tốc độ phát triển “chóng mặt” trong những năm qua.
 
Hồng Kỹ - Nguyễn Hương