Hà Nội chính thức khoán xe công:
Xe công “nằm chuồng”, lãnh đạo đi taxi
Ngày 1/3, tám đơn vị đầu tiên của Hà Nội chính thức thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác đối với các chức danh lãnh đạo. Liệu sẽ hết cảnh xe công đưa đón rình rang hay xe công giảm nhưng xe quan tăng?
Lãnh đạo dùng xe riêng đi làm
Tại trụ sở của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội số 75 Nguyễn Chí Thanh, ngày 1/3 không khí khác với những ngày thường, khi mà khu nhà xe của Sở với 5 chiếc xe biển xanh đều trong tình trạng “nằm chuồng” chờ ngày bàn giao lại cho thành phố. Phòng đội xe của Sở ở tầng 1, các lái xe vào ra liên tục làm công việc thu dọn các tư trang, vật dụng còn lại của mình để trên những chiếc xe công.
“Hôm nay ngày đầu tiên, chúng tôi thực hiện quyết định của thành phố về việc thí điểm việc khoán kinh phí sử dụng xe công, nên từ sáng anh em lãnh đạo trong Sở người thì đi xe riêng của mình, người thì đi taxi đến cơ quan làm việc chứ không có cảnh xe công đón đưa như trước nữa”, vị lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tâm sự.
“Việc khoán xe công nhằm chống sự lãng phí, nhưng cũng phải xem xét và có biện pháp chứ không lại xảy ra tình trạng xe công giảm nhưng xe quan thì tăng bởi vì các lãnh đạo mua xe riêng, đi xe riêng của mình rồi thuê lái xe riêng trong bối cảnh đường phố Thủ đô ngày nào cũng ùn tắc”.
PGS.TS Bùi Thị An
Ông Khuất Văn Thành, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho hay, là một trong tám đơn vị đầu tiên áp dụng khoán xe công của Hà Nội nên sở đã quán triệt phải thực hiện gương mẫu.
“Hôm nay cá nhân tôi cũng đi xe riêng, chứ không sử dụng xe công nữa. Anh em trong cơ quan cũng nghiêm túc thực hiện, người ở gần thì đi xe riêng, người ở xa thì đi taxi hoặc đi xe ký hợp đồng với các công ty vận tải bên ngoài”, ông Thành nói.
Theo Chánh Văn phòng Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Tây Nam, Sở hiện có 6 chiếc xe công với đội xe gồm 6 lái xe. Để thực hiện việc khoán xe công, Sở đã tiến hành ký hợp đồng với một doanh nghiệp dịch vụ vận tải phục vụ việc đi lại của lãnh đạo Sở.
“Căn cứ vào lịch làm việc hàng ngày, hàng tuần, văn phòng chúng tôi sẽ chuyển lịch công tác của lãnh đạo cho bên dịch vụ vận tải để họ bố trí xe đi lại cho hợp lý. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở có người dùng phương tiện này nhưng có người không. Vị nào có nhu cầu thì họ báo cho văn phòng để chúng tôi yêu cầu đơn vị dịch vụ bố trí xe phục vụ công tác của lãnh đạo”, ông Nam cho biết.
Ông Nam cũng cho biết, việc thanh toán tiền xe đối với đơn vị vận tải trước mắt được tính theo nhu cầu thực tế của từng lãnh đạo, vị nào đi nửa ngày thì trả tiền nửa ngày, vị nào đi cả ngày thì tính tiền cả ngày.
“Mới ngày đầu thực hiện nên chưa thể đánh giá được việc thuê xe có vượt so định mức mà thành phố quy định không? Đối với đội xe, trong số 6 lái xe, Sở sẽ giữ lại 2 người để lái 2 chiếc xe chuyên dụng 16 chỗ ngồi mà thành phố cấp để sử dụng công tác chung liên ngành, còn lại có lái xe được điều động về lái cho đơn vị trực thuộc của Sở, còn lại phải bố trí làm những công việc khác”, ông Nam nói.
Tại UBND huyện Thanh Trì, ông Vũ Văn Nhàn, Chủ tịch UBND huyện cho biết, dù hôm nay mới bắt đầu thực hiện việc khoán xe công, nhưng lãnh đạo huyện Thanh Trì đã “chạy rốt đa” từ sau Tết.
Còn tại UBND huyện Gia Lâm hiện cũng có 3 ô tô công, theo đại diện huyện này thì chi phí cho xe liên tục tăng, hiện đã lên gần 20 triệu đồng/xe/tháng. Tính ra mỗi năm, tổng chi phí từ tiền lương lái xe, xăng dầu, bảo dưỡng đã tiêu tốn khoảng 600 triệu đồng. “Bắt đầu từ 1/3, cả 3 xe công này của huyện sẽ không sử dụng nữa để bàn giao về cho thành phố”, vị cán bộ cho biết.
Xe công giảm, xe quan tăng?
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Công Bình, Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết, về phương thức khoán, đơn vị thực hiện thí điểm được lựa chọn thực hiện khoán theo một trong hai phương thức. Phương thức 1, căn cứ yêu cầu công tác của từng chức danh, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thực hiện thí điểm khoán với mức khoán tối đa là 9,3 triệu đồng/người/tháng. Phương thức 2 sẽ thực hiện khoán theo khoảng cách thực tế đi công tác (số km) hàng tháng của từng chức danh, với đơn giá khoán là 13.000 đồng/km.
Với phương thức 2, để việc thực hiện khoán được chặt chẽ, đảm bảo đúng tinh thần tiết kiệm, thành phố có quy định, các chức danh khi đi công tác phải có xác nhận của chánh văn phòng của cơ quan đó (về nơi đi, nơi đến và làm việc gì), sau đó được tổng hợp lại và gửi lên Kho bạc Nhà nước để thanh toán.
“Việc khoán kinh phí sử dụng xe công sẽ tiết kiệm chi phí cho ngân sách, các đơn vị đều đồng lòng đón nhận cơ chế khoán và lên kế hoạch thực hiện các phương án thanh lý, bàn giao xe ô tô hay việc sắp xếp nhân lực lái xe. Cá nhân tôi hôm nay cũng đã sử dụng phương tiện riêng của mình để đi làm”, ông Bình nói.
Về hiệu quả của việc khoán xe công, đại diện Sở Tài chính cho biết, kinh phí khoán xe công nằm trong mức khoán chi hàng năm của từng đơn vị được giao từ đầu năm. Theo tính toán của Sở này, chỉ 6 tháng thí điểm khoán kinh phí sử dụng ô tô tại 8 đơn vị, thành phố đã tiết kiệm được vài tỷ đồng. Và khi triển khai diện rộng toàn thành phố trên 30 quận huyện và 60 sở ngành, ước tính một năm sẽ tiết kiệm được khoảng 50 tỷ đồng.
PGS.TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hà Nội cho rằng, Hà Nội thí điểm khoán xe công rất tốt, nhưng phải nghiên cứu cách làm để vừa khoán kinh phí đi lại nhưng cũng giúp cắt giảm được số đầu xe công và tính tới đặc thù từng địa bàn.
“Cái mà dư luận lo ngại khi đã khoán phải khoán hết và thu hồi lại xe công, tránh tình trạng nhà nước mất tiền khoán mà đơn vị vẫn giữ lại xe công”, bà An nói. Bà An cũng cho rằng, khi đã khoán kinh phí đi lại phải công khai, minh bạch để người dân biết và giám sát, tránh tình trạng nhận khoán nhưng vẫn dùng xe công đi lại.
“Việc khoán xe công nhằm chống sự lãng phí, nhưng cũng phải xem xét và có biện pháp chứ không lại xảy ra tình trạng xe công giảm nhưng xe quan thì tăng bởi vì các lãnh đạo mua xe riêng, đi xe riêng của mình rồi thuê lái xe riêng trong bối cảnh đường phố Thủ đô ngày nào cũng ùn tắc”, bà An phân tích.
Theo Tú Anh
Tiền phong