1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Xe chở hàng vượt quá tải trọng đến... 200%

(Dân trí) - “Nhiều tuyến đường bị phá vỡ kết cấu, tạo nên hằn lún, sình lầy, nhiều cây cầu bị hư hỏng, có những cây cầu đã bị sập, gãy do xe quá tải gây ra’, kết luận của liên Bộ CA, Bộ GTVT đưa ra về tình hình kiểm soát xe vượt quá tải trọng.

50% xe tải vượt quá tải trọng

Chiều 11/12, Bộ Công an, Bộ GTVT, các tỉnh thành phố và các ban ngành liên quan đã có buổi họp trực tuyến về công tác kiểm soát xe tải trọng lớn. Theo đó, hiện nay ở nước ta, phương thức vận tải đường bộ đang chiếm tỷ trọng lớn trong vận tải hành khách và hàng hóa (chiếm 92% lượng hành khách và 73,4% lượng hàng hóa).

Tính đến ngày 08/01/2013 số lượng xe tải ở nước ta có hơn 652.000 xe, số lượng xe ô tô tải từ 20 tấn trở lên cao nhất trong 6 năm trở lại đây kể từ năm 2006.

Xe quá tải làm sập cây cầu và cũng là thủ phạm chính gây phá vỡ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ


Xe quá tải làm sập cây cầu và cũng là thủ phạm chính gây phá vỡ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Tình trạng xe chở quá tải tham gia giao thông đường bộ đang diễn ra rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng, tập trung trên các tuyến đường huyết mạch, đầu nguồn hàng như cảng, kho hàng, khu công nghiệp, khu khai thác vật liệu. Qua kiểm tra cho thấy, trong tổng số xe được kiểm tra thì có đến 50% số lượng xe chở hàng hóa quá tải trọng cho phép, có xe vượt quá tải trọng đến 200%.

Các công trình đường bộ xuống cấp nghiêm trọng, nhiều tuyến đường đã bị phá vỡ kết cấu, tạo nên hằn lún, sình lầy vệt bánh xe sâu với phạm vi lớn, nhiều cây cầu bị hư hỏng, có những cây cầu đã bị sập, gãy do xe quá tải gây ra. Trong khi nguồn vốn đầu tư xây dựng và duy tu bảo dưỡng cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông là rất lớn.

Ngoài ra, xe chở quá tải tác động trực tiếp đến người điều khiển phương tiện, gây căng thẳng và mệt mỏi trong suốt hành trình đối với lái xe, đồng thời làm ảnh hưởng đến hệ thống an toàn kỹ thuật của xe cùng với hệ thống kết cấu hạ tầng bị hư hỏng, nên khi tham gia giao thông dễ gây ra tai nạn, có nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra.

Xe chở hàng quá trọng tải đã tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, không bình đẳng trong kinh doanh vận tải đường bộ và các phương thức vận tải khác, nhất là về cước vận tải, làm ảnh hưởng đến bình ổn giá đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống của nhân dân.

Triển khai 10 bộ cân tải trọng lưu động
 
Để chấn chỉnh tình trạng trên, liên Bộ Công an, Bộ GTVT và UBND các tỉnh đã giao cho 2 đơn vị là Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự an toàn xã hội (Tổng cục VII) tổ chức triển khai thực hiện công tác kiểm soát tải trọng xe. Và triển khai thực hiện thí điểm 5 Kế hoạch kiểm soát tải xe trên các đoạn tuyến Quốc lộ 5, 10, 18, 70, 20, 1A đi qua địa phận các tỉnh, TP Hải Phòng, Hải Dương, Yên Bái, Lâm Đồng và Hà Tĩnh bằng các bộ cân xách tay hiện có của lực lượng Cảnh sát giao thông và Thanh tra các Sở GTVT.

Tổ chức nhiều trạm cân lưu động để kiểm soát xe quá tải trọng.

Tổ chức nhiều trạm cân lưu động để kiểm soát xe quá tải trọng.

Tháng 9/2013, đợt 1 Bộ GTVT đã tăng cường 10 bộ cân tải trọng xe lưu động cho 10 địa phương (Yên Bái, Phú Thọ, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Bình Đình và Lâm Đồng). Đồng thời, Bộ GTVT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh đề nghị đồng loạt triển khai việc kiểm tra tải trọng xe lưu động trên đường bộ cả nước. Kế hoạch trong tháng 1/2014 sẽ tăng cường cho các tỉnh còn lại.

Kết quả đạt được, theo thống kê 11 tháng của năm 2013, các lực lượng chức năng đã kiểm tra xử lý vi phạm chở quá tải trọng đối với gần 26.300 xe, buộc hạ tải hơn 76.500 tấn hàng, tước Giấy phép lái xe gần 22.600 trường hợp, phạt tiền trên 57 tỷ đồng.

Trong đó, kiểm soát tải trọng xe theo các Kế hoạch giữa Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Tổng cục VII - Bộ Công an phối hợp: đã kiểm tra gần 3.400 xe, vi phạm bị xử phạt: 1.351 xe (40,1%), hạ tải: 7.271 tấn hàng, tước giấy phép 745 trường hợp, phạt tiền trên 1,4 tỷ đồng.

Công tác kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải trọng cho phép đã đạt được kết quả bước đầu, đã có sự chuyển biến trong nhận thức của các doanh nghiệp vận tải, chủ xe, lái xe.

Đánh giá về những mặt tồn tại trong công tác kiểm soát xe quá tải trọng, các cơ quan chức năng nhận xét, trong những năm qua, công tác kiểm soát tải trọng xe chưa được các Bộ, ngành, các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện. Một số địa phương chưa triển khai công tác kiểm soát tải trọng xe, hoặc đã thực hiện nhưng chưa quyết liệt, chưa thường xuyên liên tục.

Một bộ phận không nhỏ các chủ hàng, chủ doanh nghiệp vận tải, lái xe chưa có nhận thức đúng về tác hại của xe quá tải đến kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và an toàn giao thông, dẫn đến tình trạng xe quá tải còn diễn biến phức tạp.

Trong quá trình tổ chức triển khai công tác kiểm soát tải trọng xe còn một số bất cập như: vị trí đặt cân kiểm tra và hạ tải (đối với những tuyến quốc lộ đi qua địa hình đồi núi, mặt đường hẹp, phải cân kiểm tra và hạ tải trên mặt đường, dễ gây mất an toàn giao thông và ách tắc giao thông); đối tượng hạ tải (việc hạ tải một số loại hàng như xăng dầu, ga…, xe chở hàng đông lạnh, chở hàng tươi sống, chở container trong giai đoạn giám sát của Hải quan, thiết bị cấu kiện không thể tháo rời rất khó khăn); trang thiết bị phục vụ cho công tác kiểm tra tải trọng xe còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa kết nối mạng; lực lượng thực hiện công tác kiểm soát tải trọng xe còn mỏng; chế độ chính sách cho lực lượng làm công tác kiểm soát tải trọng xe và nguồn kinh phí hoạt động còn thiếu.

Hồng Ngân