Hà Tĩnh:

Xe biển xanh vi phạm tốc độ: Càng biển xanh càng phải xử nghiêm!

(Dân trí) - “Phương tiện nào vi phạm luật giao thông, không phân biệt màu biển, đều bị xử lí như nhau. Đặc biệt với những lái xe biển xanh là những công chức nhà nước, lái xe cho nhà nước, càng phải xử lí nghiêm” - ông Hoàng Minh Việt, Phó trưởng ban ATGT tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh.

Chiều 11/3, PV Dân trí làm việc với ông Hoàng Minh Việt, Phó trưởng ban ATGT tỉnh Hà Tĩnh, về việc có rất nhiều phương tiện tham gia giao thông vi phạm lỗi tốc độ, trong đó có nhiều xe biển xanh và hầu như các lái xe đều chưa nắm rõ luật quy định mới về tốc độ lưu thông trên đường (theo Thông tư 91/2015/TT – BGTVT của Bộ giao thông vận tải vừa ban hành và có hiệu lực đầu tháng 3).


Nhiều phương tiện giao thông vi phạm lỗi tốc độ trong đó có những chiếc xe biển xanh.

Nhiều phương tiện giao thông vi phạm lỗi tốc độ trong đó có những chiếc xe biển xanh.

Vừa qua Báo điện tử Dân trí có thông tin phản ánh về việc nhiều phương tiện tham gia giao thông đường bộ vi phạm lỗi tốc độ do chưa nắm rõ Thông tư 91 của Bộ GTVT. Xin ông cho ý kiến về vấn đề này?

Thông tư 91 của Bộ GTVT quy định nâng tốc độ tối đa cho phép nhằm tăng lưu thông trên tuyến, hạn chế ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, không phải đoạn đường nào ở trong và ngoài khu vực đông dân cư các phương tiện tham gia giao thông đều được phép tăng tốc độ. Những người chưa biết đến Thông tư mới này thì không nói, còn những người đã biết đến thì có lẽ nắm chưa chắc.

Thông tư mới có sự phân biệt rõ ràng giữa đường hai chiều không có dải phân cách cứng và đường một chiều có một làn xe với đường đôi có dải phân cách cứng ở giữa và đường một chiều hai làn xe trở lên, trong khu vực đông dân cư với ngoài khu vực đông dân cư.

Thông tư mới có hiệu lực nhưng nhiều người chưa biết đến và nắm rõ thì mình có biện pháp như thế nào thưa ông?

Thực chất là Thông tư 91 này rất mới, tất cả những cái văn bản gì mới trước hết phải tuyên truyền cho người dân nắm rõ, kể cả lực lượng vũ trang, công chức, công nhân... thì chúng tôi phải tuyên truyền cho họ biết. Sau đó nếu họ vi phạm mình mới xử lí, cưỡng chế theo pháp luật để giữ nguyên kỉ cương phép nước.

Sắp tới với góc độ của ban, chúng tôi sẽ phát tờ rơi cho người dân, có thể cụ thể hóa văn bản đó bằng những hình ảnh trực quan, nếu như UBATGT Quốc gia chưa có thiết kế đó thì chúng tôi cũng sẽ tự làm.

Nhiều ý kiến cho rằng nên cắm biển thông báo về tốc độ cho phép ở từng đoạn đường quy định, theo ông vấn đề này có cần thiết không?

Không cắm và không cần thiết bởi khi vào khu vực đông dân cư đã có biển 420 rồi, còn ngoài khu vực đông dân cư biển hạn chế tốc độ chỉ cắm khi đoạn đường bị che khuất tầm nhìn hoặc nơi giao nhau có tình hình giao thông phức tạp và không được dưới 50km/h trừ công trường đang thi công.

Vừa rồi Phòng PC67 CSGT Công an tỉnh phối hợp với Đội CSGT Công an TP Hà Tĩnh đã thổi phạt rất nhiều xe về lỗi tốc độ trong đó có những xe biển xanh. Theo ông Thông tư mới ra nhiều người chưa hiểu rõ thì nên xử lí như thế nào?

Thực chất các phương tiện tham gia giao thông đều phải chấp hành luật giao thông đường bộ. Trừ những xe ưu tiên theo định luật thì những xe còn lại không kể biển xanh, biển đỏ hay biển trắng đã vi phạm thì đều phải xử lí như nhau.

Thông tư đã ban hành và có hiệu lực nên vi phạm thì phải xử phạt, phương tiện nào vi phạm luật giao thông, không phân biệt màu biển, đều phải xử lí. Đặc biệt với những lái xe biển xanh là những công chức nhà nước, lái xe cho nhà nước, các anh biết hơn, các anh nắm rõ luật hơn mà các anh còn vi phạm thì càng phải xử lí nghiêm.

Xin cảm ơn ông!

Tiến Hiệp