1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Xây trụ sở cơ quan công quyền: Chỉ làm những gì thực sự cần thiết

(Dân trí) - “Các cơ quan chức năng bắt đầu nói hiện tượng trụ sở cơ quan xây sau 10 đến 15 năm là không dùng được. Còn Chính phủ có rất nhiều tiêu chí, định mức xây trụ sở nhưng tinh thần chỉ làm những thứ thực sự, tuyệt đối cần thiết”.

Trước câu hỏi, năm tới Chính phủ có siết chặt đầu tư trụ sở ở các tỉnh to gây lãng phí trong đầu tư công hay không, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, trụ sở cơ quan công quyền là những hạng mục trong quá trình hiện đại hóa bộ máy hành chính chúng ta phải làm. “Chính phủ có rất nhiều quy định liên quan đến tiêu chuẩn, tiêu chí, định mức xây dựng trụ sở. Tinh thần của Chính phủ là chỉ làm những thứ thực sự, tuyệt đối cần thiết”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói.
Xây dựng trụ sở cơ quan công quyền: Chỉ làm những gì thực sự cần thiết
"Chính phủ chọn những công trình thực sự cần thiết. Đã làm phải đảm bảo chất lượng thật tốt về lâu dài", Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói.

Theo Bộ trưởng Đam có rất nhiều yêu cầu trong đầu tư cơ bản và nhân dân đồng thuận nhất đó là làm các công trình giao thông, kế đến là xây dựng bệnh viện, trường học.

Ông Đam cũng chia sẻ hiện tượng đang được các cơ quan chức năng bắt đầu nói và kiến nghị đó là việc xây dựng các trụ sở sau 10 đến 15 năm là không dùng được. Trong khi đó ở các nước tiên tiến khi xây dựng trụ sở một cơ quan công quyền không chỉ là nơi làm việc mà nó còn là một công trình kiến trúc mang nhiều ý nghĩa. Theo ông Đam xét ở góc độ kinh tế đầu tư một lần như vậy thì tốn kém nhưng tiết kiệm về lâu dài.

Một ví dụ, về việc làm nhưng “không được”, được Bộ trưởng Đam đưa ra đó là tình trạng đào lên, lấp xuống vỉa hè ở Hà Nội. “Quan sát khu phố vỉa hè các nước phát triển, họ làm hàng trăm năm nhưng đến nay vẫn vậy. Trong khi đó nếu tính 20 năm trở lại đây vỉa hè ở Hà Nội phải đào lên, đào xuống sửa chữa rất nhiều lần. Nếu cộng tất cả những lần đó có lẽ số tiền còn tốn hơn việc làm một lần mà làm là được”, ông Đam nói.

Bộ trưởng Đam tiếp tục khẳng định biện pháp tiết kiệm của Chính phủ là chọn những công trình thực sự cần thiết mới làm và đã làm phải đảm bảo chất lượng thật tốt về lâu dài.

Trước đó, trong phiên thảo luận về thực hiện pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhắc tới việc xây dựng trụ sở tỉnh ủy lộng lẫy như cung điện, rộng như nơi du lịch thắng cảnh trong khi người dân còn rất nghèo.

Quang Phong