Thanh Hóa:
Xây nhà văn hóa, già trăm tuổi cũng phải đóng tiền, nộp chậm... phạt lãi
(Dân trí) - Không kể người già hay trẻ nhỏ, ngay cả những thương bệnh binh đều được lãnh đạo thôn “huy động” đóng tiền xây dựng nhà văn hóa. Thậm chí, ai nộp chậm sẽ bị phạt theo... lãi suất thị trường.
Cụ già gần trăm tuổi cũng phải đóng góp
Theo phản ánh của người dân thôn Liên Minh, xã Mỹ Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), để xây dựng nhà văn hóa theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, ngoài số tiền hỗ trợ từ UBND xã, lãnh đạo thôn đã tổ chức họp và thống nhất huy động đóng góp 400.000 đồng/khẩu.
Tuy nhiên, sau khi hoàn thiện nhà văn hóa, người dân lại nhận được thông báo nộp thêm mỗi khẩu 350 nghìn đồng mà không rõ lý do.
Không chỉ thế, trong quá trình đóng góp, nhiều người dân thuộc diện nghèo khó, thương binh, người cao tuổi và đặc biệt là trẻ em dưới 6 tuổi cũng phải đóng góp. Điều này khiến nhiều hộ dân bức xúc.
Anh Phạm Văn Tú, cho biết: “Việc xây dựng nhà văn hóa thôn là một việc làm rất tốt, người dân chúng tôi đồng thuận. Nhưng sau khi đã thống nhất các khoản thu trước khi xây dựng là 400.000 đồng/khẩu, lý do gì lại tiếp tục thu thêm 350 nghìn đồng. Khi chúng tôi yêu cầu công khai tài chính và quyết toán công trình thì lãnh đạo thôn không đồng ý”.
“Không chỉ thế, đây là các khoản thu trên tinh thần tự nguyện, thế sao nhà tôi có 4 khẩu, có mẹ già khuyết tật và con nhỏ dưới 6 tuổi vẫn phải đóng như mọi người. Để có tiền đóng góp, tôi đã phải đi vay lãi ngày. Nay lại thông báo đóng thêm 350 nghìn đồng mà không rõ lý do nên chúng tôi quyết định không đóng”, anh Tú cho biết thêm.
Cách nhà anh Tú không xa là nhà cụ Phạm Thị Xệch. Cụ Xệch năm nay đã 94 tuổi nhưng vẫn thuộc diện phải đóng góp tiền xây dựng nhà văn hóa thôn.
“Tuổi như tôi bây giờ thì lấy đâu ra tiền mà đóng nữa. Vừa qua, thôn xây nhà văn hóa có thông báo mỗi người đóng góp 400 nghìn đồng, tôi đã phải lấy tiền hương khói của chồng và tiền con cháu cho để nộp. Tôi đã đóng 750.000 đồng rồi”.
Không những thế, thương binh cũng phải đóng góp. Trong đó có trường hợp ông Phạm Văn Lượng (61 tuổi), thương binh đã mất 36% sức khỏe, vẫn thuộc diện đóng góp.
“Tôi không ý kiến gì về việc xây dựng nhà văn hóa, điều này rất tốt. Nhưng điều chúng tôi cần là sự công khai về các khoản thu chi cho hợp lý. Nhà văn hóa thì xây đã xong, số tiền 400 nghìn chúng tôi cũng đã thống nhất nộp. Nhưng đến nay lại thu thêm 350 nghìn nữa, lý do ở đây là gì. Chúng tôi sẵn sàng đóng nếu được biết rõ quyết toán thu chi công trình”, ông Lượng cho hay.
Đóng góp chậm bị phạt lãi suất!
Theo người dân, trước khi xây dựng nhà văn hóa, thôn đã tổ chức họp bàn và thống nhất thu mỗi nhân khẩu 400 nghìn đồng. Sau khi hoàn thiện nếu còn thừa sẽ sử dụng để xây dựng một số công trình khác tại địa phương.
Ngoài số vốn đối ứng, thôn còn được hỗ trợ 286 triệu đồng theo chủ trương xây dựng nông thôn mới từ cấp trên. Thế nhưng, vừa hoàn thiện nhà văn hóa thôn không lâu thì người dân lại phải nộp thêm một khoản tiền nữa.
Điều đáng nói, lãnh đạo thôn còn đưa ra quy định, những ai nộp tiền chậm so với quy định thì sẽ phải nộp thêm tiền lãi tương ứng 1%. Không chỉ thế, những hộ không nộp tiền còn bị gây khó dễ trong quá trình làm hồ sơ hay xác nhận của địa phương.
Gia đình chị Đặng Thị Khuyên đi làm ăn xa, thời điểm thôn thông báo đóng góp không có mặt tại địa phương. Tuy nhiên, 6 tháng sau khi chị đóng góp thì bị thu thêm 1% tiền lãi nộp chậm.
Qua tìm hiểu được biết, công trình nhà văn hóa thôn Liên Minh xây dựng với diện tích gần 100m2. Ngoài ra còn có các công trình phụ trợ gồm khuôn viên sân được lát gạch đỏ, tường rào bao quanh và cổng sắt. Người dân cho rằng, với công trình phụ trợ trên, tiền xây dựng hết hơn 80 triệu đồng là quá cao. Tổng kinh phí khi hoàn thiện công trình nhà văn hóa là gần 600 triệu đồng.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lộc, cho biết: “Việc xây dựng nhà văn hóa được triển khai theo chủ trương phấn đấu thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hiện tại, địa phương đã có 5 thôn hoàn thiện công trình nhà văn hóa. Vấn đề thu chi để xây dựng được thực hiện theo quy chế dân chủ, chúng tôi không áp đặt. Còn việc thu các thôn sẽ họp bàn và thống nhất với nhau”.
“Chúng tôi cũng đã nhận được khiếu nại của người dân thôn Liên Minh, đang chỉ đạo thôn lấy ý kiến về việc thanh tra, kiểm tra tài chính. Còn về việc thu chi đối với các đối tượng người già, gia đình nghèo khó, thương binh và trẻ nhỏ thì chúng tôi đã có thông báo cụ thể đến từng thôn. Nếu được sự đồng ý của người dân thì mới cho thu”, ông Hùng cho biết thêm.
Về khoản tiền lãi thu của dân do nộp chậm, theo giải thích của lãnh đạo xã Mỹ Lộc là vì trước khi xây dựng công trình, thôn có đi vay vốn đối ứng do nhân dân chưa đóng góp được.
Được biết, thôn Liên Minh có hơn 300 nhân khẩu, trước khi triển khai xây công trình nhà văn hóa thôn đã được Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Hậu Lộc thẩm định với tổng kinh phí xây dựng là 536 ,7 triệu đồng, trong đó, xã hỗ trợ hơn 280 triệu đồng, còn lại là thu của người dân.
Dự toán ban đầu thống nhất mức thu mỗi khẩu là 400.000 đồng. Vậy khoản thu thêm 350.000 đồng/khẩu dùng vào việc gì, người dân thôn Liên Minh rất mong có những giải trình minh bạch.
Dân trí sẽ tiếp tục phản ánh diễn biến vụ việc đến bạn đọc.
Thanh Tùng - Trần Lê