Cần Thơ:
Xây mộ giữa nhà, sống chung với người chết
(Dân trí) - Vì nghèo, hoàn cảnh neo đơn, không có đất xây dựng nhà cửa, mồ mả nên các cụ đã chọn cách... sống chung với người chết.
Xem người chết là bạn!
Đến nhà cụ Lê Thị Sang,78 tuổi (ngụ tại phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) lần đầu, ai cũng có cảm giác rùng mình, rợn người khi thấy nổi bật giữa ngôi nhà vỏn vẹn chừng 6m2 là ngôi mộ màu vàng của một cụ bà sinh năm 1913. Ngay cạnh đó là chiếc giường đơn của bà Sang hàng ngày ngủ nghỉ.
Bà Sang kể, trước kia, bà sinh ở Sài Gòn, sau theo chồng về Cần Thơ sinh sống rồi cũng mua được đất, làm nhà, có với nhau bốn mặt con. Lần lượt các con lớn lên rồi lấy chồng lấy vợ, mỗi người đi một phương. Vận đen đến với ông bà, làm ăn thất bát, nợ nần chồng chất, buộc lòng ông bà phải bán căn nhà trả nợ rồi tìm một chỗ trống trong nghĩa địa, cắm mấy cái cây, lợp mấy miếng tôn làm nơi trú ngụ qua ngày.
Mấy chục năm sau, thành phố phát triển, giá nhà đất đắt lên từng ngày, nghĩa địa được di dời để trả lại đất cho thành phố. Miếng đất tạm ở nghĩa địa ngày nào cũng được hợp thức hóa cho ông bà. Sau đó ông bà nhường cho cậu con trai ngôi nhà để nó cưới vợ sinh con.
Còn ông bà lại tiếp tục tìm đến một ngôi mộ gần đó để “ở nhờ” vì xung quanh ngôi mộ còn một vài mét đất trống. Ông bà dùng tre, nứa, lá dừa để che lấy ngôi mộ và chiếc giường đơn kèm một vài vật dụng cho sinh hoạt hàng ngày. Năm 2009, chồng bà mất, từ đó một mình bà Sang sống chung với người chết. Hàng xóm thương tình, mỗi ngày để dành cơm thừa cho bà phơi khô bán, mỗi kg được 5.000 đồng, bà lấy số tiền đó để duy trì cuộc sống qua ngày.
“Năm năm qua tui hàng ngày nhang khói, ăn chung, ngủ chung với cụ ấy và coi cụ ấy như người bạn nên không có cảm giác ghê sợ. Hôm rồi tôi bị chứng bệnh hở van tim ba lá hành hạ nhưng may có “bạn tôi” phù hộ nên tôi còn sống đến hôm nay”- bà Sang cười nói.
Tiếp xúc với báo chí, ông Lương Văn Hùng - Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường An Cư - cho biết, bà Sang đã lớn tuổi lại sống trong cảnh neo đơn nên vào các dịp lễ, tết phường trợ cấp gạo, tiền. Mới đây phường An Cư vận động phòng Hậu Cần, Công an TP Cần Thơ xây, sửa lại nhà cho bà. Tuy nhiên nơi bà ở hiện tại không có giấy tờ, không phải đất xây nhà mà là ngôi mả của người khác nên không được phép xây dựng.
Thương cháu nên chôn ngay trong nhà
Tương tự hoàn cảnh bà Sang là hoàn cảnh vợ chồng ông Đinh Văn Ga và bà Đặng Thị Tư, ngụ khu vực 2, phường Ba Láng, quận Cái Răng, TP Cần Thơ cùng đứa cháu nội Đinh Thị Hồng Thắm bị bệnh tật bẩm sinh, bị cha mẹ đẻ bỏ rơi từ khi lọt lòng (Dân trí từng có bài phản ánh “Thương em bé 6 tuổi mắc bệnh lạ bên trái to ra, bên phải teo lại").
Nhà nghèo, không nghề nghiệp, vợ chồng ông Ga bồng theo cháu Thắm xuống bãi rác Tân Long (thị xã Ngã Bãy, tỉnh Hậu Giang) thuê nhà trọ để hàng ngày vào bãi rác nhặt phế liệu. Mỗi ngày từ sáng sớm đến chiều tối quần quật bớt rác, ông bà kiếm được 50-70 ngàn đồng, trả tiền nhà trọ cũng đủ ăn cơm cho hai vợ chồng và sữa cho cháu gái nội. Mấy năm nay bãi đóng cửa, sự sống của ông bà cũng bị cắt ngang. Thế là cả nhà dắt díu nhau về lại Cần Thơ đi bán vé số.
Bất hạnh lại ập đến, trong một lần leo lên che lại mái nhà, bị trượt chân ông Ga té gãy đốt xương cổ, nhưng từ đó tới nay không có tiền chữa trị nên ở nhà và thay bà làm các việc lặt vặt trong nhà. Còn bà thì dùng chiếc xe đạp cà tàng chở Thắm đi mọi nẻo đường để bán vé số, bất kể nắng mưa.Cảm thông với hoàn cảnh của ông bà, UBND phường Ba Láng, quận Cái Răng đã tìm nguồn tài trợ xây cho gia đình ông Ga một căn nhà tình thương.
Cuối năm 2014, sau bữa cơm chiều, cháu Thắm trút hơi thở cuối cùng, chấm dứt chuỗi ngày đau đớn, bất hạnh trên một cơ thể dị thường. Trước cái chết đột ngột của Thắm, ông bà Ga quyết định nhường căn nhà tình thương đang ở cho các con của ông (vì các con của ông nghèo đi làm mướn quanh năm vẫn không đủ ăn, nhà cũng không có để ở).
Bên góc nhà tình thương của ông Ga, còn lại một phần đất, ông bà để làm chỗ chôn cháu Thắm. Sau đó, đi kiếm cột, kèo, lá dừa, tận dụng cả những miếng nilon lớn, quây thành nhà để ở. Trong căn nhà tạm bợ của ông bà, ngôi mộ của Thắm là nơi khang trang, sạch đẹp nhất. Ngôi mộ của cháu Thắm được dán gạch men, lúc nào cũng bày cúng món mà lúc còn sống cháu Thắm thích nhất như nước bí đao và hủ tiếu xào.
Tiếp xúc với chúng tôi, ông Ga nghẹn ngào nói: “Tôi đặt nó ở đây để tránh mưa tránh nắng, hàng ngày vợ chồng tôi ăn gì con bé Thắm được ăn cái đó. Sau này, vợ chồng tôi có mất đi tôi cũng sẽ nói với các con làm mồ gần đứa cháu nội tội nghiệp”.