1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Xây hai cây cầu bắc qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

(Dân trí) - UBND TPHCM vừa chấp thuận việc xây dựng cầu Trần Khánh Dư mới và duyệt dự án tiếp tục xây dựng cầu Hoàng Hoa Thám. Cả hai cây cầu này đều bắc qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nối quận 1 với quận Phú Nhuận.

Cầu Trần Khánh Dư dài 53m, rộng 4m vốn chỉ là một cây cầu tạm, bằng sắt nhưng đã được sử dụng nhiều năm nay. Hiện chân cầu được gia cố bằng những thân gỗ mòn vẹt được gá vào thân cầu bằng những cây đinh sắt han gỉ theo thời gian và mưa nắng, một số đinh bị long ra; những cây gỗ bị vênh lên vì không có gì trụ lại... 

 

Tuy nhiên, trong giờ cao điểm, khi kẹt xe trên đường Phan Đăng Lưu hoặc đường Đinh Tiên Hoàng nối dài, hàng ngàn xe máy đổ chen vào các đường Trần Quang Khải, Trần Khắc Chân và lưu thông qua đây. Có những lúc cây cầu này mang trên mình đến hơn 200 chiếc xe gắn máy với gần 400 con người, dù tải trọng khuyến cáo của nó chỉ là 400kg. 

 

Nguyên nhân chủ yếu của quyết định xây dựng mới cầu Trần Khánh Dư là do cầu cũ có chiều cao từ mặt nước đến thân cầu cho thuyền lưu thông (tĩnh không thuyền) quá thấp, cản trở hoạt động nạo vét, cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (một hạng mục của Dự án Vệ sinh môi trường thành phố).

 

Cầu mới được xây dựng cũng chỉ là một cầu tạm bằng sắt, nhưng có tĩnh thông thuyền cao hơn và chắc chắn hơn cầu cũ. Kinh phí xây dựng cầu mới là 16 tỷ đồng, trích từ phần vốn đối ứng của Dự án Vệ sinh môi trường thành phố.

 

Còn cầu Hoàng Hoa Thám là cây cầu đã được khởi công xây dựng cách đây 10 năm với tổng số vốn đầu tư là 19 tỷ đồng. Nhưng vì nhiều lý do, mãi đến nay cây cầu này chỉ mới hoàn thành được vài trụ cầu và “treo” tiến độ nhiều năm nay. Nó nằm cách cầu Trần Khánh Dư hiện tại chừng 200m.

 

Đầu năm 2008, Sở Giao thông Vận tải đề xuất khởi công lại dự án này nhưng kinh phí tăng lên đến 119 tỷ đồng. UBND TP cũng đã duyệt dự án này nhằm giúp giải toả áp lực giao thông cho cầu Bông, cầu Sắt vốn cũng đang xuống cấp. Tuy nhiên, chưa kịp đầu thầu thì giá cả vật liệu tăng chóng mặt, dự án này tiếp tục phải “treo” để thiết kế dự toán lại. 

 

Mãi đến giữa tháng 7/2008, UBND TP mới duyệt dự toán mới của cây cầu này là 155 tỷ đồng. Như vậy, từ 19 tỷ, “treo” 10 năm cây cầu này đã “lên giá” thành 155 tỷ, nhưng TP cũng phải duyệt chi để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

 

Tùng Nguyên